Với người dân Nebraska, mùa thu thường đi kèm với những tiếng hò hét trước tivi khi đội bóng bầu dục Cornhusker của bang thi đấu. Năm nay, họ có thêm một điều thú vị không kém để theo dõi. Đó là cuộc đua giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris, bởi kết quả bỏ phiếu ở Nebraska có thể xoay chuyển cục diện của kỳ bầu cử được coi là sít sao nhất trong hàng chục năm qua ở Mỹ.
Nebraska, cùng với Maine, là hai bang áp dụng hình thức chia phiếu đại cử tri theo khu vực bầu cử. Nebraska có 5 phiếu đại cử tri. Bang chia hai phiếu cho người thắng phiếu phổ thông của toàn bang. Ba phiếu còn lại được phân bổ cho người thắng phiếu bầu phổ thông trong ba khu vực bầu cử của bang, gồm NE-1, NE-2 và NE-3.
Nebraska được coi là "bang đỏ", hay thành trì của đảng Cộng hòa từ năm 1968. Chỉ đến năm 2008, bang này mới xuất hiện một "chấm xanh giữa biển đỏ", khi ứng viên Barack Obama giành chiến thắng ở NE-2 và có một phiếu đại cử tri từ khu vực bầu cử này. Năm 2020, chấm xanh này xuất hiện lần nữa, khi ông Joe Biden thắng ở NE-2. Cả hai ứng viên Dân chủ giành được "chấm xanh" ở NE-2 đều đắc cử tổng thống.
Khu vực bầu cử NE-2 gồm Omaha, thành phố đông dân nhất Nebraska, và vùng ngoại ô. Dù có diện tích tương đối nhỏ, NE-2 lại có dân số lớn và chiếm lượng lớn cử tri trên toàn bang.
Trong tổng số 1,23 triệu cử tri đăng ký ở Nebraska năm nay, 414.000 người ở NE-2, chiếm khoảng 1/3 tổng số người đi bỏ phiếu.
Hầu hết các bang ở Mỹ đều đã nghiêng về đảng Dân chủ và Cộng hòa, chỉ một số ít còn dao động giữa hai ứng viên, còn gọi là bang chiến trường, sẽ định đoạt kết quả. Cuộc bầu cử năm nay có 7 bang chiến trường, gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.
7 bang chiến trường sẽ tạo ra 128 kịch bản, trong đó 4 kịch bản sẽ phân định thắng thua chỉ bằng một phiếu đại cử tri.
Một trong 4 kịch bản có khả năng cao xảy ra và chiến dịch của bà Harris đang tích cực hành động theo để đảm bảo chiến thắng là phe Dân chủ thắng ba bang "tường xanh" gồm Pennsylvania, Wisconsin và Michigan, còn ông Trump giành được 4 bang chiến trường còn lại.
Khi đó, tổng phiếu đại cử tri của bà Harris và ông Trump lần lượt là 269 và 268, và một phiếu đại cử tri của NE-2 sẽ đóng vai trò quyết định. Nếu NE-2 chuyển xanh, ứng viên Dân chủ đắc cử. Ngược lại, nếu "chấm xanh giữa biển đỏ" không xuất hiện, hai ứng viên hòa nhau 269-269 phiếu đại cử tri và quyền định đoạt thuộc về Hạ viện.
Đảng Dân chủ đã rót khoảng 15 triệu USD vào NE-2, chủ yếu để chi cho các quảng cáo chính trị ở Omaha. Ngày 19/10, ứng viên phó tổng thống Dân chủ Tim Walz, sinh ra ở Nebraska, tổ chức sự kiện vận động quy mô 1.400 người ở NE-2.
"Tôi xin nói điều mà tất cả các bạn đều đã biết, cuộc đua sẽ rất sít sao, 'bức tường xanh' ở miền bắc sẽ được giữ vững", ông Walz nói, đề cập đến 4 bang gồm Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Minnesota góp phần quan trọng cho chiến thắng của ông Biden năm 2020.
"Nhưng nếu làm phép toán, khi tổng đại cử tri là 269, 'chấm xanh' sẽ tạo ra khác biệt. Các bạn đang truyền cảm hứng cho toàn bộ đất nước", Thống đốc Minnesota nêu kịch bản. "Omaha, hãy đưa chúng tôi lên đỉnh cao".
Kết quả thăm dò gần nhất do New York Times/Đại học Sienna thực hiện cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump 8 điểm phần trăm tại NE-2. Trung bình kết quả các thăm dò do Financial Times tập hợp cho thấy chênh lệch giữa hai bên tại NE-2 là 6 điểm, nhưng không thực sự chắc chắn.
Đảng Cộng hòa cũng không bỏ qua NE-2 và nỗ lực tìm cách ứng phó từ sớm. Hồi tháng 4, phe Cộng hòa tại Nebraska kiến nghị dừng áp dụng chia phiếu theo "khu vực bầu cử" và chuyển sang cách phân bổ phiếu đại cử tri "người thắng lấy hết" như phần lớn bang còn lại của Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất không nhận đủ sự ủng hộ cần thiết tại nghị viện bang và bị bác bỏ.
Đề xuất này gần đây được khôi phục, khi Thống đốc Nebraska Jim Pillen, thành viên đảng Cộng hòa, định triệu tập một phiên họp đặc biệt với nghị viện bang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho thay đổi. Tuy nhiên, kế hoạch bị nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện Nebraska Mike McDonnell bác bỏ, cho rằng "thay đổi quy định khi chỉ cách ngày bầu cử 43 ngày là không phù hợp".
"Tôi yêu Omaha và từng thắng tại đây năm 2016. Có vẻ tôi sẽ phải làm điều này một lần nữa", ông Trump viết trên mạng xã hội sau đó.
Theo giới quan sát, đảng Cộng hòa dường như chưa dồn đủ nguồn lực để giành lại NE-2. Ngoài cuộc vận động gây quỹ tại Omaha cuối tháng 8 của ứng viên phó tổng thống Cộng hòa JD Vance, chiến dịch của ông Trump hiện diện rất ít tại khu vực, chi tiêu chưa đến 200.000 USD.
Cựu ứng viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr., ngày 19/10 tổ chức sự kiện quy mô tương đương của ông Walz, cũng nêu kịch bản hòa phiếu và tầm quan trọng của NE-2. Cựu hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard bày tỏ ủng hộ Trump, kêu gọi khán giả "thuyết phục" cử tri khác bỏ phiếu cho cựu tổng thống.
Tại Omaha, người dân địa phương đang "đấu khẩu" với nhau bằng biển hiệu thể hiện quan điểm của họ. Cử tri ủng hộ bà Harris trưng tấm biển có một hình tròn màu xanh, biểu tượng cho sự kiên cường của đảng Dân chủ tại một bang Cộng hòa. Người ủng hộ ông Trump dùng biểu tượng bang Nebraska phủ kín màu đỏ.
Nghị sĩ McDonnell cho rằng cả nước Mỹ nên áp dụng cách chia phiếu như của Nebraska để "dân chủ hơn". Nếu Nebraska cũng chọn phương pháp "người thắng lấy hết", sẽ không có ứng viên nào đến thăm hay chi tiêu cho quảng cáo chính trị ở bang, khi bang này sẽ chắc chắn "nhuộm đỏ".
"Chúng tôi giống như bang chiến trường tí hon nằm trong một bang khác", Ruth Brown, 58 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Omaha, nói.
"Chính xác. Hãy đến đây và lấy phiếu bầu từ chúng tôi, bất kể bạn là ứng viên 'đỏ' hay 'xanh'", Jason, chồng của Ruth, tiếp lời.
Như Tâm (Theo FT, ABC News, AFP)