Nhà chức trách đang tìm kiếm tàu làm bằng titan và sợi carbon dài 6,7 m mang tên Titan của công ty OceanGate sau khi con tàu mất tích hôm 18/6 trong chuyến lặn chở khách tham quan xác tàu Titanic. Dựa trên ước tính của lực lượng tuần duyên, lượng oxy trên tàu đủ cho hành khách hít thở trong khoảng 70 giờ nữa. Tàu Titan mất tích ngoài khơi Bắc Mỹ trên vùng biển thuộc Đại Tây Dương, chở một người lái tàu và 4 hành khách. Cả lực lượng tuần duyên Boston và Canada đang tìm kiếm con tàu mất tích do công ty tour OceanGate Expeditions vận hành.
Kích thước của tàu lặn Titan
Con tàu có kích thước 670 cm x 280 cm x 250 cm, có thể lặn xuống độ sâu 4.000 m. Tàu Titan nặng 10.432 kg, có thể di chuyển ở tốc độ tối đa 5,556 km/h nhờ động cơ đẩy điện Four Innerspace 1002. Phương tiện trang bị camera Sub C Imaging 4k Rayfin, máy phát sóng âm Teledyne 2D, đèn pha 40.000 lumen và một máy quét laser 2G Robotics. Các thiết bị điện tử và khoang điều khiển động cơ đẩy đều nằm bên ngoài vỏ áp suất để tăng diện tích cho thủy thủ đoàn và thiết bị trong khoang. Tàu Titan cũng có một toilet nằm ngay cạnh cửa sổ.
Điều khiển
Tàu Titan được điều khiển bởi tay cầm PlayStation gia cố dù không có hệ thống định vị GPS. Con tàu được chỉ đường qua tin nhắn gửi từ đội bên trên mặt nước. Tàu Titan liên lạc với đội theo dõi thông qua tin nhắn truyền qua hệ thống định vị thủy âm (USBL). Một màn hình kỹ thuật số lớn truyền hình ảnh trực tiếp từ nhiều camera 4K ở bên ngoài, đồng thời đóng vai trò như cửa thông với khoang để thiết bị phía sau.
Bệ hạ thủy và thu hồi
Tàu Titan cần được hạ thủy từ bệ trang bị nhiều két dằn để giúp tàu lặn xuống và nổi lên, nhờ đó, phương tiện không cần tàu hỗ trợ lớn hoặc cần trục ở vùng ven biển. Sau khi két nổi chứa đầy nước, bệ sẽ hạ xuống độ sâu 9,1 m để tránh nhiễu động ở mặt biển. Ở dưới nước, bệ sử dụng hệ thống nổi giảm xóc được cấp bằng sáng chế để giữ cân bằng. Cuối mỗi chuyến lặn, tàu Titan đáp lên bệ và toàn bộ hệ thống được đưa lên mặt nước trong vòng hai phút sau khi bơm khí vào két.
Thiết kế và mục đích sử dụng
Tàu Titan được thiết kế và chế tạo với lớp vỏ bằng sợi carbon kết hợp titan ở vòm. Nhóm kỹ sư ở Trung tâm bay vũ trụ Marshall của NASA giữ vai trò cố vấn cho OceanGate trong quá trình phát triển tàu lặn. Cuối tháng 4 năm nay, công ty thông báo tàu Titan đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho chương trình thám hiểm tàu Titanic năm 2023.
Cửa vòm ở mặt trước tàu đóng vai trò như cửa ra vào, đồng thời là khung nhìn lớn nhất trong số các tàu lặn sâu có người lái. Titan có hệ thống theo dõi tình trạng vỏ tàu theo thời gian thực (RTM), cho phép phân tích ảnh hưởng của thay đổi áp suất khi tàu lặn sâu hơn và đánh giá chính xác độ kiên cố của cấu trúc. Hệ thống sẽ cung cấp cảnh báo sớm để người lái có đủ thời gian ngừng lặn và quay trở lại mặt nước an toàn.
Thời gian lặn
Các chuyến lặn có thể kéo dài 10 giờ mỗi lần, người tham gia sẽ trải qua tổng công 10 ngày ở biển trên một con tàu lớn hơn. Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, Stockton Rush, giám đốc điều hành OceanGate, cho biết tàu lặn của họ có sức chứa 5 người và có thể hạ xuống độ sâu của xác tàu Titanic.
Năm 2022, tàu Titan đã thực hiện 10 chuyến lặn ngắm xác tàu Titanic trong vòng vài tuần. Chuyến lặn mới nhất không phải lần lặn đầu tiên của con tàu trong năm nay. Titan là mẫu tàu thứ hai trong dòng tàu lặn lớp Cyclops. Công ty OceanGate hoạt động từ năm 2015 ở 3 đại dương tới độ sâu gần 500 m.
An Khang (Theo Mail)