-
09h04
Hơn 300 người tham dự hội thảo
Hội thảo chủ đề "Già hóa dân số: cơ hội và thách thức cho thế hệ millennials" diễn ra tại Gem Center, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, đối tác.
Đại diện đơn vị tổ chức - Prudential Việt Nam - có sự góp mặt của ông Phương Tiến Minh - Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thị Minh Yến - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Quan hệ Đối ngoại, ông Trần Thanh Phong - Phó Tổng giám đốc Marketing..
Phía đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) có sự hiện diện của Tiến sĩ Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tiến sĩ Trịnh Thu Nga - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Thạc sĩ Lê Thu Huyền...
Đại diện Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) có PGS.TS. Giang Thanh Long
Thạc sĩ Bùi Đại Thụ; nhà báo Lê Thị Phương Thảo - Phó trưởng ban Thời sự, Trưởng khối An sinh - Việc làm, báo Dân Trí. Đối tác truyền thông có ông Guy Trương - co-founder của Vietcetera.Ngoài ra sự kiện còn có sự hiện diện của 300 người gồm đại biểu, khách quý, đối tác, các đơn vị truyền thông.
-
09h08
CEO Prudential Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Phương Tiến Minh - CEO Prudential Việt Nam cho biết đơn vị vui mừng khi có cơ hội hợp tác cùng các cơ quan ban ngành thực hiện dự án "Cuộc sống độc lập khi về già" với nội dung chính liên quan vấn đề già hóa dân số.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ông Phương Tiến Minh cho biết Prudential Việt Nam luôn đặt con người và xã hội lên ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh các hoạt động từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, doanh nghiệp còn hợp tác cùng ILSSA và ISMS nghiên cứu về mức độ sẵn sàng sống độc lập khi về già của người dân Việt Nam.
"Kết quả nghiên cứu chúng tôi thực hiện là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong việc đề xuất hướng giải quyết các đề án liên quan già hóa dân số trong nước. Những tiêu chí khác mà chúng tôi hướng đến là nâng cao nhận thức của người dân và chủ động lên kế hoạch cho tương lai hạnh phúc khi về già", vị CEO chia sẻ.
Đồng thời, ông Minh cũng đề cập đến những ảnh hưởng nặng nề từ hai năm đại dịch đã làm gián đoạn kế hoạch chuẩn bị về già của nhiều người. Vị CEO cho rằng đây là vấn đề cấp thiết cần có hướng giải quyết sớm mà đơn vị có thể chia sẻ, đồng thời kỳ vọng đây sẽ là diễn đàn thú vị, mang đến những thông tin hữu ích cho người dân cả nước.
-
09h11
'Thích ứng với già hóa dân số là ưu tiên của Việt Nam'
Theo TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, sau hơn 35 đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Có thể thấy, tốc độ tăng dân số kiểm soát mức hợp lý, tỷ lệ dân số và tỷ lệ phát triển con người đã cao lên.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh và nguồn lực kinh tế của người dân còn hạn chế. Đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng; cùng với đó là các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi cũng chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội.
"Trước tình trạng cấp bách hiện tại, việc thích ứng già hóa là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Mục tiêu nhằm cố gắng làm chậm quá trình già hóa dân số, tập trung tăng cường lao động và thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội cho người già trong tương lai", ông Hiến nhấn mạnh.
Trong năm 2021 và 2022, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Nghiên cứu y - xã hội học và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential phối hợp thực hiện nghiên cứu "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" và "An sinh xã hội cho người cao tuổi". Nghiên cứu này được thực hiện trên nhóm dân số trong độ tuổi 30-44 ở 6 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam.
Kết quả cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già ở cuộc sống trung niên chưa cao, nhất là về sức khoẻ và tài chính. Hiện tại, những giải pháp cho vấn đề này gồm:
Thứ nhất, sẽ là xây dựng và thực hiện chiến lược giáo dục truyền thông về già hoá chủ động cho người dân trên cả nước.
Thứ hai, phát triển việc làm và tăng cường giáo dục đào tạo.
Thứ ba là cải thiện các chính sách dịch vụ công nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm và tích luỹ tài chính.
Thứ tư, các tổ chức nên xây dựng nhiều chương trình để truyền thông cho các tầng lớp trung niên.
Tiếp đó, chúng ta cần xây dựng hệ thống đa tầng để sẵn sàng phục vụ cho vấn đề già hoá trong tương lai.
-
09h35
Tỷ lệ già hóa tại Việt Nam tăng nhanh
PGS.TS. Giang Thanh Long - đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) - chia sẻ chủ đề "Già hóa dân số ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số vấn đề an sinh thu nhập".
Diễn giả dẫn chứng Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2009 và 2019 khi trình bày vấn đề giá hóa dân số (60 tuổi trở lên). Tổng dân số tăng từ 85,85 triệu (2009) lên 96,21 triệu (2019). Dân số ở các nhóm tuổi đều tăng lên, nhất là tỷ lệ già hóa.
"Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới", ông Long nhấn mạnh. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam có khoảng 7,45 triệu người cao tuổi, tăng 11,4 triệu vào năm 2019. Đến 2021 là 12,58 triệu người. Diễn giả nhấn mạnh trong giai đoạn 2019-2021, dân số cao tuổi tăng cao, chiếm 56,52% tổng dân số tăng thêm.
Theo ông Thanh Long, 10 tỉnh ghi nhận tỷ lệ già hóa tăng cao vì tỷ suất sinh giảm, đối mặt tình trạng di cư, trong đó có Thái Bình, Bến Tre, Vĩnh Long, Hà Nam, Nam Định, Tiền Giang, Hải Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hải Phòng. "Tỷ lệ người cao tuổi sống ở đô thị tăng lên theo thời gian ở tất cả các nhóm tuổi. Điều thú vị, đáng chú ý là tỷ lệ cao niên sống ở nông thôn ngày càng tăng cao", ông nói.
Chuyên gia cũng trình bày dự báo tỷ lệ dân số cao tuổi (60+ hoặc 65+) giai đoạn 2019-2069. Theo đó, Việt Nam có dân số trong giai đoạn già hóa (aging) cùng lúc với "cơ cấu dân số vàng" cho tới năm 2036, sau đó dân số bước vào giai đoạn già (aged) ngay khi cơ cấu này gần kết thúc (năm 2039).
Trong bài phát biểu, ông Long cũng nói đến các nguồn thu nhập chính của người cao tuổi trong một năm qua. Trong đó, có gần 50% không có bất kỳ khoản an sinh thu nhập nào.
Theo Báo cáo Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già (năm 2019), chỉ có 37,42% đối tượng nghiên cứu đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó tỷ lệ nữ giới và người dân khu vực thành thị cao hơn so với nam giới và người ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ở nông thôn cao gần gấp đôi so với thành thị
Ngoài ra, có khoảng 21,54% đã tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Khu vực thành thị tham gia cao gần gấp ba lần ông thôn. Trong số những người chưa tham gia loại hình bảo hiểm này, nguyên nhân chủ yếu là tài chính chưa đủ, chưa quan tâm hoặc không tin tưởng.
Ở phần cuối, chuyên gia nhấn mạnh thách thức với BHXH là "Khoảng giữa mất tích" còn mênh mông.
Theo đó, BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưởng dài hạn (hưu trí và tử tuất) nên lao động bị mất việc do Covid-19 không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các khoản trợ giúp từ Nghị quyết 42/2020 và 68/2021 đến với lao động phi chính thức chậm vì họ là nhóm đối tượng khó xác định. Bên cạnh đó, rút BHXH một lần là thách thức lớn trong dài hạn.
-
09h50
Thạc sĩ Lê Thu Huyền: 'Tốc độ già hóa dân số Việt Nam rất cao'
Trong bài nghiên cứu, Thạc sĩ Lê Thu Huyền cho biết Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Thời kỳ dân số vàng dự báo kéo dài 31 năm (2007-2039), tính từ 2022 còn khoảng 17 năm. Trong khi thời kỳ già hóa dân số trong nước hiện rất ngắn, dự báo chỉ trong vòng 26 năm (2011-2036) và chỉ còn khoảng 14 năm kể từ năm nay.
"Dân số cao tuổi Việt Nam những năm gân đây có xu hướng nữ hóa. Trong đó, độ tuổi 60-69 chiếm đến 59,7% tổng số người cao tuổi với 8,47 triệu. 63% người cao tuổi sống tập trung ở nông thôn. Yếu tố này dẫn đến phần lớn nhóm này có trình độ học vấn thấp. Chỉ có 32,4% người thuộc nhóm 'xế chiều' đang tham gia hoạt động kinh tế. Nói về đặc điểm sức khỏe và khả năng lao động, bà Huyền chỉ ra người già có nhiều hạn chế về mặt thể lực, chất lượng việc làm cũng không cao", bà Huyền phân tích.
Các số liệu tổng hợp sau nghiên cứu cho thấy quy mô và tỷ lệ dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) tại Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh. Trong khi tỷ số dân số trong độ tuổi 15-64 tuổi lại giảm mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2020 giảm từ 10 lần xuống còn 8,9 lần. Tỷ lệ tăng dân số ở độ tuổi này ước tính sẽ tiếp tục giảm mạnh còn khoảng 5,6 lần năm 2030; 4,8 lần năm 2035; và 3,8 lần năm 2045.
Với tình hình và số liệu trên, bà Lê Thu Huyền đã chỉ ra những khó khăn và thách thức mà dân số Việt Nam, cụ thể là nhóm thế hệ Millenials sẽ đối mặt trong tương lai. Ngoài chất lượng lao động, việc làm hạn chế, số lượng nhân sự lao động cũng dự đoán ở mức thấp, dẫn đến đóng góp hạn chế cho tăng trưởng kinh tế. Hệ thống an sinh xã hội dự kiến vẫn chưa phát triển ổn định có thể khiến các gen Y đứng trước nguy cơ "Già trước khi giàu" trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Mặt khác, tình hình an ninh thu nhập người cao tuổi tại Việt Nam cũng đang ở mức thấp. Bà Huyền nhận định nguyên nhân là do người dân chưa có sự chuẩn bị tốt từ khi còn trẻ về việc nhận thức, trau dồi trình độ học vấn, việc làm, cải thiện thu nhập, lên kế hoạch tiết kiệm, chi tiêu... Để đảm bảo yếu tố an ninh cho nhóm dân số này, Chính phủ Việt Nam cũng có áp dụng các chính sách bao gồm: lương hưu và trợ cấp từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội; trợ cấp xã hội hàng tháng (lương hưu xã hội); việc làm và tín dụng cho người cao tuổi.
-
10h00
Millenials chưa đủ tự tin về kế hoạch hưu trí
Nói về nhóm dân số trong độ tuổi 30-44, Thạc sĩ Lê Thu Huyền cho biết tỷ lệ đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên chiếm 31,7%. Trong khi nhóm chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở chiếm đến 26,3%. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của gen Y ở mức khá cao với 87,88%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cũng thấp với lần lượt 1,82% và 2,99%.
Tuy nhiên chất lượng việc làm lại hạn chế. Cụ thể bà Huyền chỉ ra có hơn 30% lao động tự làm và lao động theo hộ gia đình; 63,3% làm việc giản đơn với kinh nghiệm thấp. Thu nhập bình quân của nhóm Millenials cũng ở mức thấp với 6,23 triệu một tháng. Hơn 30% người lao động có thu nhập thấp dưới 5 triệu mỗi tháng và không có hợp đồng lao động và 62,1% không tham gia bảo hiểm xã hội.
Với mức thu nhập trên, bà Lê Thu Huyền cho rằng nhóm Millenials gặp khó khăn trong cuộc sống hiện tại và sẽ đối mặt nhiều thách thức khi về già. Thậm chí nhóm không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội sẽ không có lương hưu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống khi xế chiều.
Về mặt tiết kiệm, đầu tư và tham gia bảo hiểm nhân thọ, bà Huyền tiếp tục cho biết có 21,54% có tham gia. Nhận thức của nhóm Millenials hầu hết cũng cho biết họ chỉ dựa vào con cái chứ chưa có kế hoạch chuẩn bị tài chính hưởng già. Nhóm có kế hoạch khá muộn, khoảng sau 50 tuổi chiếm 22% cho thấy họ chỉ nhận thức được vấn đề khi đã qua tuổi có thể lao động chất lượng.
Qua các số liệu nghiên cứu kể trên, bà Lê Thu Huyền đánh giá nhóm Millenials vẫn chưa đủ tự tin sẽ có cuộc sống hạnh phúc, thoải mái khi về già dù đã có nhận thức ít nhiều về việc lên kế hoạch chuẩn bị cho tuổi xế chiều của bản thân.
"Dù đã bắt đầu hành động cho tuổi già độc lập song tỷ lệ các gen Y thuộc nhóm này còn khá thấp. Các hành động mang tính an toàn cao của họ chủ yếu là tiết kiệm trong khoản thu nhập hiện có. Tuy nhiên trong bối cảnh tiền lương và thu nhập thấp hiện nay, định hướng đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động hiện tại", Thạc sĩ Lê Thu Huyền nhận định.
Đề xuất các hướng giải quyết để nâng cao tỷ lệ này, bà Huyền cho biết có 5 giải pháp chính. Đầu tiên, vị Thạc sĩ cho rằng cần nâng cao nhận thức về việc lên kế hoạch về già. Thứ hai, cần cải thiện môi trường chính sách và dịch vụ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đóng tiết kiệm, bảo hiểm... cho tuổi già.
Việc cải thiện trình độ và kỹ năng nhóm nhân lực trẻ và trung niên cũng cần chú trọng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Song song đó, cần xây dựng các chương trình, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của người trung niên. Và cuối cùng, phát triển việc làm thỏa đáng cho lao động trung niên cũng là hướng giải quyết hiệu quả.
-
10h10
Phiên thảo luận "Già hóa dân số - Cơ hội hay Thách thức?"
MC Quốc Khánh nhấn mạnh sự băn khoăn của các diễn giả: tốc độ già hóa dân số nhanh trong bối cảnh hạ tầng, chính sách, cơ chế thiếu chuẩn bị... sẽ tạo gánh nặng cho toàn xã hội, tác động đời sống, kinh tế. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, thực trạng này là cơ hội cho mọi lĩnh vực khi nhu cầu dịch vụ cho người cao tuổi ngày càng gia tăng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề tiềm năng; gia tăng lực lượng lao động cấp cao để đóng góp vào những nhóm ngành cần chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm, cụ thể là chuyên gia tư vấn, thợ lành nghề...
Để nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể trong việc tác động của sự già hóa dân số đến con người và xã hội, ban tổ chức thực hiện phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề: "Già hóa dân số - Cơ hội hay Thách thức?".
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận gồm Tiến sĩ, Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tiến sĩ Trịnh Thu Nga - Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILSSA); PGS.TS. Giang Thanh Long chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS); bà Lê Thị Phương Thảo - đại diện báo Dân trí.
-
10h15
Tiến sĩ Trịnh Thu Nga: 'Già hóa dân số gây tác động mạnh mẽ đến xã hội'
Trước câu hỏi về xu hướng chuyển đổi nhân khẩu học theo hướng giá hóa dân số nhanh có tác động như thế nào đến kinh tế - xã hội ở Việt Nam, TS Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh, chỉ trong vòng 26 năm (2011-2036). Tình trạng này gây tác động mạnh mẽ và tạo nên thách thức lớn trong xã hội.
Thứ nhất là thách thức về nguy cơ suy giảm năng suất lao động và thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai. Theo quan sát của chúng tôi, tuổi lao động đang tăng nhanh với quy mô cao. Điều này gây áp lực cho hệ sống an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi cũng đang tăng nhanh nhưng chưa được phát triển.
Thứ hai là thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội. Bởi quy mô và tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh đã dần đặt ra những thách thức lớn nếu như phần lớn người cao tuổi không có chế độ hưu trí (từ BHXH) hoặc lương hưu xã hội; nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi tăng cao; ..... Đáng lo ngại hơn, hệ thống an sinh xã hội ở nước ta còn non trẻ. Kèm theo đó, nguồn lực để thích ứng với hậu dân số vàng và già hóa dân số của Nhà nước còn khiêm tốn, nguồn lực của người dân tự đảm bảo an sinh còn hạn chế.
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận các tác động tích cực đến xã hội do những đóng góp tích cực của người cao tuổi trong giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng gia đình; tham gia công tác cộng đồng, xã hội hay tiếp tục làm việc với vai trò tư vấn cấp cao hay thợ lành nghề, ...
Từ những thực trạng trên đã góp phần tạo áp lực nâng cao chất lượng quốc gia và doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy công tác đẩy mạnh chuyển đổi số để sử dụng tiết kiệm nguồn lao động đang khan hiếm nhằm thích ứng với vấn đề già hóa dân số đang tăng cao.
-
10h20
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi: 'Không nên độc tôn bất cứ hệ thống bảo hiểm nào'
Việt Nam còn khoảng thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 14 năm để bước vào thời kỳ "dân số già". Cùng với đó là các nguy cơ về suy giảm lực lượng lao động có thể tác tộng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, trở thành thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, về mặt cơ chế, chính sách, Việt Nam cần chú trọng giải quyết một số vấn đề để "hóa giải" các thách thức này.
Theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước tiên cần giải quyết vấn đề an sinh xã hội tương tự như cách thức tìm hướng giải quyết cho tăng trưởng kinh tế. Kế tiếp là cần chú trọng các bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện Việt Nam đang áp dụng BHXH đa tầng. Tuy nhiên vẫn còn một "tầng" cuối là hưu trí bổ sung dành cho người dân chưa thực hiện được. Vấn đề thứ ba Tiến sĩ đề cập là cần khắc phục rủi ro, trợ giúp thường xuyên cho nhóm yếu thế gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ.
Hệ thống bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam gồm có nhà nước, thương mại và các thành phần kinh tế khác tham gia. Tiến sĩ cho rằng không nên "độc tôn" bất cứ hệ thống nào và cần đảm bảo được nền tảng an sinh xã hội, xác định rõ ai bị "bỏ lại phía sau" để họ được chăm lo đúng mực.
Tiến sĩ cho rằng hội thảo ngày 29/11 về dân số già đã giúp định hình chính sách để chuẩn bị cho tương lai dài hơi. "Mỗi năm nhân lực được bổ sung 1-1,2 triệu mỗi năm. Song đó chỉ là số liệu của những năm trước, hiện tại số liệu này sụt giảm nhiều do các yếu tố khác nhau. Quan trọng là nước ta cần chăm lo cho người già vì nhóm dân số này sắp sửa đạt tỷ lệ cao. Đồng thời phải đảm bảo được các vấn đề về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Song song đó cần đảm bảo không ai có cuộc sống thấp hơn mức trung bình", Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Bên cạnh đó, vị Tiến sĩ cũng chỉ ra hiện có khoảng 10% dân số không tham gia BHYT và BHXH. Số liệu này phản ánh phần nào hệ thống y tế nước nhà chưa đủ thuyết phục mọi người đồng ý tham gia. Tiến sĩ đề nghị mở rộng, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhà nước có thể đảm bảo nhóm yếu thế có cuộc sống đạt chuẩn, trong khi nhóm thương mại và doanh nghiệp lại có nhiệm vụ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là khi về già.
-
10h30
'Cần chuẩn bị nền tảng, giáo dục cho trẻ về việc lên kế hoạch tài chính'
Nhà báo Lê Thị Phương Thảo - Phó trưởng Ban Thời sự Báo Dân Trí cho rằng ý thức chuẩn bị cho độc lập tài chính của dân số Việt Nam thể hiện qua tỷ lệ tham gia bảo hiểm khá thấp, chỉ 10-12%. Trong khi mức trung bình ở các nước khác tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đã ở mức 30-40%, thậm chí chạm mức 70-80% ở các nước Âu - Mỹ.
Theo bà Thảo, ngoài điều kiện kinh tế xã hội, tâm thế nhận thức của mỗi người về vấn đề chuẩn bị kế hoạch về già là tác động lớn nhất. Theo đó, để chuẩn bị già hóa dân số, nhà báo cho rằng mỗi gia đình có thể chuẩn bị giáo dục cho các cháu, đào tạo kỹ năng chuẩn bị lên kế hoạch tài chính. Chương trình giáo dục này ở nhiều quốc gia khác đã được truyền đạt cho học sinh từ những năm cấp 3.
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng chỉ ra ở Việt Nam, mỗi người bước vào độ tuổi lao động có mức thu nhập khá thấp. Đây là thời điểm tham gia BHXH bắt buộc, tuy nhiên trên nền lương không cao khiến lương hưu nhận được ở mức thấp, chỉ ở khoảng hơn 3 triệu đồng, thậm chí thấp hơn. Điều đó dẫn đến việc khó đảm bảo chất lượng sống cho người già. Người cao tuổi có thể trở thành gánh nặng cho xã hội và trực tiếp nhất là con cháu. Bà Lê Thị Phương Thảo cho rằng cần có hướng giải quyết cụ thể cho vấn đề này trong tương lai.