Hội thảo Aging Summit 2022 chủ đề "Già hóa dân số: cơ hội và thách thức cho thế hệ millennials" do Prudential tổ chức, dành cho đối tượng gen Y (Millennials - sinh từ năm 1981 đến 1995). Chương trình có sự đồng hành của đại diện Bộ ngành, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) và hơn 300 khách mời...
Ông Phương Tiến Minh - CEO Prudential Việt Nam - cho biết là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đơn vị luôn ưu tiên con người và xã hội, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Đồng thời hợp tác với ILSSA và ISMS nghiên cứu về mức độ sẵn sàng sống độc lập khi về già của người Việt.
"Kết quả nghiên cứu ấy là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong việc đề xuất hướng giải quyết các đề án liên quan già hóa dân số trong nước. Những tiêu chí khác chúng tôi hướng đến là nâng cao nhận thức của người dân và chủ động lên kế hoạch cho tương lai hạnh phúc khi về già", CEO Phương Tiến Minh.
PGS.TS. Giang Thanh Long chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) - nhấn mạnh: "Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới". Cụ thể, năm 2009, nước ta có khoảng 7,45 triệu người cao tuổi, tăng 11,4 triệu vào năm 2019. Đến 2021 là 12,58 triệu người. Giai đoạn 2019-2021, dân số cao tuổi tăng cao, chiếm 56,52% tổng dân số tăng thêm.
Theo ông Thanh Long, 10 tỉnh ghi nhận tỷ lệ già hóa tăng cao vì tỷ suất sinh giảm, đối mặt tình trạng di cư, trong đó có Thái Bình, Bến Tre, Vĩnh Long, Hà Nam, Nam Định, Tiền Giang, Hải Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hải Phòng. "Tỷ lệ người cao tuổi sống ở đô thị tăng lên theo thời gian ở tất cả các nhóm tuổi. Điều thú vị, đáng chú ý là tỷ lệ cao niên sống ở nông thôn ngày càng tăng cao", ông nói.
Thạc sĩ Lê Thu Huyền chỉ ra dân số cao tuổi Việt Nam những năm gân đây có xu hướng nữ hóa. Trong đó, độ tuổi 60-69 đạt 8,47 triệu người, chiếm đến 59,7% tổng số cao tuổi.
"63% lứa cao niên sống tập trung ở nông thôn. Yếu tố này dẫn đến phần lớn nhóm này có trình độ học vấn thấp. Chỉ 32,4% người thuộc nhóm 'xế chiều' đang tham gia hoạt động kinh tế". Bà Thu Huyền chỉ ra người già có nhiều hạn chế về mặt thể lực, chất lượng việc làm cũng không cao.
Với nhóm trong độ tuổi 30-44, tỷ lệ đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên chiếm 31,7%. Trong khi nhóm chưa tốt nghiệp THCS chiếm đến 26,3%. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của gen Y ở mức khá cao - 87,88%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cũng thấp, lần lượt 1,82% và 2,99%.
Thu nhập bình quân của nhóm Millenials cũng ở mức thấp với 6,23 triệu một tháng. Hơn 30% người lao động có thu nhập thấp dưới 5 triệu mỗi tháng và không có hợp đồng lao động và 62,1% không tham gia bảo hiểm xã hội.
Với mức thu nhập trên, bà Lê Thu Huyền cho rằng nhóm Millenials gặp khó khăn trong cuộc sống hiện tại và sẽ đối mặt nhiều thách thức khi về già. Thậm chí nhóm không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội sẽ không có lương hưu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống khi xế chiều.
Qua các số liệu nghiên cứu trên, chuyên gia đánh giá nhóm Millenials vẫn chưa đủ tự tin sẽ có cuộc sống hạnh phúc, thoải mái khi về già, dù ít nhiều đã nhận thức cần lên kế hoạch cụ thể cho tuổi xế chiềun.
"Dù đã bắt đầu hành động cho tuổi già độc lập song tỷ lệ gen Y thuộc nhóm này còn khá thấp. Các hành động mang tính an toàn cao của họ chủ yếu là tiết kiệm trong khoản thu nhập hiện có. Tuy nhiên trong bối cảnh tiền lương và thu nhập thấp hiện nay, định hướng đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động hiện tại", Thạc sĩ Lê Thu Huyền nhận định.
Chuyên gia đề xuất hướng giải quyết gồm: nâng cao nhận thức về việc lên kế hoạch về già; cải thiện môi trường chính sách và dịch vụ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đóng tiết kiệm, bảo hiểm...
Bên cạnh đó, cải thiện trình độ, kỹ năng nhóm nhân lực trẻ và trung niên cũng cần chú trọng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Song song đó, cần xây dựng các chương trình, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của lứa trung niên. Cuối cùng, phát triển việc làm thỏa đáng cho lao động trung niên cũng là hướng giải quyết hiệu quả.
Hội thảo chia thành hai phiên. Phiên một với chủ đề "Già hóa dân số - Cơ hội hay Thách thức?", với sự trình bày của các diễn giả gồm Tiến sĩ, Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tiến sĩ Trịnh Thu Nga - Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILSSA); PGS.TS Giang Thanh Long - chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS); bà Lê Thị Phương Thảo - đại diện báo Dân trí.
Trước câu hỏi cần nhìn nhận vai trò của lứa cao niên thế nào cho đúng, PGS.TS. Giang Thanh Long dẫn lại điều lệ, Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay (qua nhiều lần sửa đổi), người cao tuổi luôn được xem là tài sản quốc gia. Ông cho rằng đối tượng này nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, chứ không phải gánh nặng.
Hiện lứa cao niên tham gia vào nhiều hoạt động liên quan đến gia đình (hỗ trợ con nuôi dạy các cháu, nội trợ...), cộng đồng, nhưng đóng góp của họ chưa được ghi nhận. "Các hoạt động vĩ mô, làm việc trong nhà không được ghi chép lại", ông Thanh Long lý giải.
Người cao tuổi hiện có sức khỏe tốt hơn, kỹ năng cao và vẫn luôn sẵn sàng chung tay phát triển xã hội. Ở Việt Nam, 42,8% lứa tuổi trên 60 vẫn làm các công việc được trả lương và có thu nhập và trung bình 35 giờ/tuần. Các chuyên gia kỳ vọng các cấp, ban ngành, doanh nghiệp và người thân cần tạo điều kiện, hỗ trợ họ tiếp tục cống hiến theo mong muốn, có cơ hội học tập suốt đời nhằm nâng cao kỹ năng, thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao trong bối cảnh kỷ nguyên số.
Để phát huy vai trò của người cao tuổi, Nhà nước, gia đình và cộng đồng cần quan tâm cải thiện đời sống vật chất của họ, đồng thời quan tâm, chăm sóc hơn về tinh thần. Cụ thể, giáo dục xã hội, con cháu ghi ơn và kính trọng cha mẹ, ông bà...
Đa dạng hóa việc tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi như: ở cùng con cháu, ở trại dưỡng lão, trại gửi già, kết hợp các hình thức ...
Trong chính sách với lứa cao niên cần ưu tiên phụ nữ, nhất là nhóm đơn côi, nuôi con chưa trưởng thành; cần tuyên truyền để chuyển đổi quan niệm khắt khe của xã hội đối với việc "tái giá" của tuổi già. Đồng thời chú trọng phòng chống bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử đối với người cao tuổi.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng mong nhân rộng mô hình tổ chức Hội người cao tuổi với các hoạt động tích cực như: văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các câu lạc bộ nghệ thuật, thơ ca, thể dục, dưỡng sinh, tham quan...
Phiên thảo luận hai chủ đề "Già, rồi sao?". Ban tổ chức cùng các khách mời thuộc thế hệ Millennials (sinh trong giai đoạn 1981-1995) mang đến với nhiều thông tin quan trọng, gợi ý xây dựng kế hoạch, chủ động cuộc sống độc lập, tự chủ tài chính khi bước sang tuổi lão niên.
MC Thùy Minh dẫn dắt phiên thảo luận hai, với sự góp mặt của các diễn giả trẻ. Uy Lê - Giám đốc sáng tạo của Sài Gòn Tếu - cho biết từng diễn hài độc thoại ở nhiều sân khấu khác nhau. Khán giả của anh có đủ lứa tuổi, gồm cả Gen Z (sinh sau năm 1996) hay lứa phụ huynh.
Khoảng 5 năm trước, anh từng hoang mang giá trị bản thân, mình giỏi cái gì, có làm đúng hay không, lựa chọn của mình đúng hay sai, thất bại...? Càng lớn, anh cảm nhận mọi thứ nhẹ nhàng, coi trọng những trải nghiệm, không sợ quá trình trưởng thành và hiểu đó là một phần tự nhiên của cuộc sống. "30 tuổi rất tuyệt, giống lứa 20 nhưng điểm khác biệt là mình có tiền. Khi có kế hoạch, cụ thể, bạn sẽ không sợ tuổi già hay quan tâm được, mất", Uy Lê nói.
Khách mời - nhà sáng tạo nội dung Giang Ơi - tự nhận bàn thân có lối sống khá an toàn, sớm có kế hoạch tích góp mua nhà từ tuổi đôi mươi. Từ thói quen này, cô đã đặt ra các mục tiêu cho mình và luôn hình thành câu hỏi "20 năm nữa mình sẽ làm gì để xây dựng thói quen tích lũy". Cô nhấn mạnh khi hoạch định cho tương lai, chúng ta có thể chủ động về tài chính và tự do lựa chọn cuộc sống tuổi già.
Nhà thơ Nhược Lạc khuyên người trẻ năng chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khép lại phiên thảo luận, MC Thuỳ Minh dùng hai từ "vẫn trẻ" để miêu tả tuổi già. Cô cho rẳng dù đã về xế chiều nhưng bản thân mỗi người vẫn còn nhiều điều cần khám phá và tận hưởng theo cách riêng.
Thi Quân
Xem diễn biến chính