"Cơ chế đặc biệt thu hồi tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát cần thống nhất rất cao giữa các cơ quan để dễ áp dụng, thi hành án nhanh", ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Thi hành án dân sự TP HCM, nói tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), sáng 10/4.
Tài sản cần thu hồi trong vụ án Vạn Thịnh Phát gồm khoảng 1.600 bất động sản, 23 mã cổ phiếu, cổ phần "giá trị đặc biệt lớn". Đa số bất động sản nằm tại TP HCM. Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã tiếp nhận hồ sơ liên quan các bất động sản này và đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đối chiếu các loại giấy tờ.
Bên cạnh tài sản, theo ông Hòa, số tiền trong vụ án cần thu hồi ước tính hơn 465.000 tỷ đồng, có 80% tại TP HCM. Số bị hại giai đoạn đầu không nhiều, nhưng giai đoạn 2 của vụ án lên đến 36.000 người và có thể tăng.
Ở giai đoạn hai của vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân. Ngoài ra, bà Lan và nhiều bị can còn bị điều tra tội Rửa tiền.
Tính pháp lý của các tài sản và dự kiến tình huống xảy ra khi thi hành án cũng được tính đến. "Chúng tôi đã trao đổi với cơ quan điều tra để nắm rõ bản chất dòng tiền, tính chất các tài sản nhằm đảm bảo thu hồi tối đa, nhanh, đúng pháp lý, tránh xảy ra điểm nóng", ông Hòa cho hay.
Cho rằng khó khăn đầu tiên khi thu hồi tài sản trong đại án Vạn Thịnh Phát là các quy định còn chồng chéo, ông Hòa đề nghị các cơ quan sớm sửa đổi pháp luật thi hành án phù hợp thực tế, đảm bảo nhanh, hiệu quả... Ông đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường nhân sự, biên chế cho TP HCM để thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, bởi Cục Thi hành án dân sự đang "rất áp lực".
Ngày 11/4, TAND TP HCM sẽ tuyên án sơ thẩm với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Khi bản án có hiệu lực, Cục trưởng Hòa nói đơn vị sẽ nỗ lực thu hồi tài sản ngay song việc này "có thể sẽ kéo dài".
Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, sắp tới công tác thi hành án dân sự sẽ khó khăn, bởi số lượng việc, tài sản, tiền cần thu hồi đều tăng ở các địa phương. Sắp tới sẽ có những đại án với số tiền, tài sản phải thu hồi rất lớn, vượt quá bộ khung hiện nay của cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, ông Khôi đề nghị các cơ quan thi hành án sắp xếp biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự toàn quốc đã thu hồi 234.793 tỷ đồng trong tổng số 411.117 tỷ đồng. Các vụ án tham nhũng, kinh tế có 92.376 tỷ đồng cần thu hồi, trong đó 53.672 tỷ đồng có điều kiện thu hồi. Các cơ quan thi hành án đã thu hồi được 10.135 tỷ đồng.