Truyền thông Nga ngày 10/11 công bố video quay từ màn hình máy tính, cho thấy quá trình thiết bị bay không người lái (drone) tự sát gắn cáp quang tập kích xe tăng chủ lực M1A1SA Abrams của Ukraine ở tỉnh Kursk. Mặt trước xe tăng lắp nhiều khối giáp phản ứng nổ Kontakt-1 do Liên Xô chế tạo, trong khi phần lớn tháp pháo bọc lưới thép chuyên đối phó drone.
Hàng loạt xe tăng chủ lực Challenger 2, Abrams và Leopard 2 của Ukraine đã được lắp giáp lồng quanh thân và màn chụp gấp gọn trên tháp pháo, nhằm đối phó mối đe dọa từ drone.
Các xe tăng Nga tham gia chiến dịch tại Ukraine cũng mang những khối giáp lồng và lưới thép đồ sộ, được ví như mai rùa, giúp đối phó với drone góc nhìn thứ nhất (FPV) của đối phương. Loại giáp này cũng ngày càng được hoàn thiện, không còn chắp vá như giai đoạn đầu xuất hiện, cho thấy quân đội Nga đang nỗ lực tiêu chuẩn hóa và trang bị đại trà giáp mua rùa cho các đơn vị xe tăng.
Đây là những dấu hiệu cho thấy cuộc chạy đua nhằm tăng cường khả năng bảo vệ những chiếc xe tăng trị giá hàng triệu USD khỏi nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi các loại drone có giá chỉ vài trăm đến vài nghìn USD.
Xe tăng từng được ví như vua chiến trường, nhưng sự phổ biến của drone tự sát khiến phương tiện chiến đấu cỡ lớn như vậy có thể bị phát hiện và trở thành mục tiêu chỉ trong vài phút. Nhiều xe tăng của Ukraine và Nga đã bị hỏng, phá hủy hoàn toàn hoặc rơi vào tay đối phương sau đòn tập kích bằng drone.
"Ngoài drone tự sát, đối phương cũng thường triển khai máy bay không người lái (UAV) trinh sát để tìm mục tiêu. Nếu phát hiện được xe tăng, chúng sẽ chỉ điểm cho pháo binh, tên lửa dẫn đường, drone tự sát, bom lượn và thậm chí là mìn để tấn công", lái xe tăng Abrams Ukraine có biệt danh Smilik cho biết.
Bài học từ xung đột Ukraine đang thúc đẩy quân đội nhiều nước bổ sung năng lực chống drone chủ động và thụ động cho xe tăng, cũng như tìm cách thay đổi thiết kế và chiến thuật sử dụng loại khí tài này. Điều này đặc biệt quan trọng với quân đội nhiều nước phương Tây, vốn coi xe tăng là trọng tâm chiến lược trên bộ suốt nhiều thập kỷ.
"Trong tương lai gần, quân đội Mỹ cần khẩn trương thực hiện những điều chỉnh để duy trì khả năng sống sót của các đội hình tăng thiết giáp", tướng James Rainey, lãnh đạo Bộ tư lệnh Tương lai thuộc lục quân Mỹ, cho hay. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm hiện đại hóa trang bị và chuẩn bị các kịch bản tác chiến trong tương lai cho lục quân Mỹ.
Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm Doug Bush cho biết quân chủng này đang tìm cách làm xe tăng khó bị phát hiện hơn, từ thay đổi màu sơn tới giảm tín hiệu điện tử phát ra từ phương tiện. Các tập đoàn quốc phòng Mỹ cũng đang nghiên cứu vật liệu nhẹ hơn để chế tạo xe tăng, giúp tăng khả năng cơ động và gây khó khăn cho nỗ lực tập kích bằng drone.
Tập đoàn Saab của Thụy Điển cho biết nhiều bên đang quan tâm tới sản phẩm lưới ngụy trang có thể bao phủ toàn bộ xe tăng, che giấu một phần bức xạ nhiệt và giúp phương tiện ẩn mình tốt hơn.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, Ba Lan đã đặt mua hàng trăm xe tăng chủ lực K2 do Hàn Quốc chếc tạo. Vài tháng sau, nước này đặt mua thêm một lô xe tăng K2 và yêu cầu bổ sung nhiều hệ thống, trong đó có thiết bị gây nhiễu tín hiệu điều khiển drone.
Nga và Ukraine đều lắp thiết bị tác chiến điện tử lên xe tăng thiết giáp để đối phó drone, đồng thời triển khai những biện pháp nhằm vô hiệu hóa năng lực gây nhiễu của đối phương.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cũng đang bổ sung biện pháp phòng thủ chủ động cho xe tăng. Trong số này có hệ thống Iron Fist do Israel chế tạo, với tính năng phóng ra các viên đạn nổ cỡ nhỏ để chặn hàng loạt mối đe dọa đang lao đến, từ tên lửa chống tăng đến drone FPV.
Khi chiến sự mới bùng phát, các quân nhân Ukraine thường đào hào và ngụy trang để giấu xe tăng, sẵn sàng mai phục đối phương.
"Tuy nhiên, mọi thứ giờ đều bị theo dõi và không thể đào công sự để giấu phương tiện. Chúng tôi phải cố gắng giữ khoảng cách, hoạt động ngoài tầm với của drone đối phương và đưa phương tiện tới vị trí phù hợp để công kích", Lubomyr Stakhiv, trung sĩ Ukraine, cho biết.
Anton Havrish, chỉ huy một đại đội xe tăng Leopard của Ukraine, cho biết kỹ năng của chỉ huy tăng thiết giáp trước đây được đánh giá bởi năng lực tác chiến đơn lẻ và hiệp đồng với bộ binh. Ngày nay, khả năng bắn lén và rút lui nhanh chóng được đề cao hơn.
"Drone khiến chúng tôi phải tập trung huấn luyện binh sĩ cơ động xe tăng liên tục. Không thể để khí tài nằm yên ở khu vực trống trên chiến trường dù chỉ trong một phút, phải đưa xe tăng xuống dưới tán cây hoặc đến nơi ẩn náu bất cứ khi nào ngừng di chuyển", đại tá Juhana Skytta, thanh tra lục quân Phần Lan và cựu chỉ huy một lữ đoàn thiết giáp, cho hay.
Hàng loạt quan chức Mỹ cho biết có nhiều bài học được rút ra từ xung đột Nga - Ukraine, vốn diễn ra trên địa hình bằng phẳng và ít cây cối, rất lý tưởng cho drone.
Xe tăng Ukraine không phát huy vai trò chủ công và mũi nhọn xung kích trên chiến trường theo học thuyết tác chiến của NATO, do Nga có khả năng đào mạng lưới công sự dày đặc và rải lượng lớn mìn chống tăng trong thời gian ngắn.
"Khi tham gia xung đột, quân đội Mỹ luôn triển khai xe tăng dưới sự yểm trợ của không quân để bảo vệ phương tiện tốt hơn. Ukraine không thể làm được điều này", một quan chức Mỹ thừa nhận.
Một số quan chức lục quân Mỹ cho rằng quân chủng này đang đầu tư quá nhiều vào xe tăng. Thủy quân lục chiến Mỹ đã loại biên xe tăng khi tái cấu trúc cách đây 4 năm, nhằm tăng tính linh hoạt trong chiến đấu. Một số quốc gia phương Tây cũng cắt giảm số lượng xe tăng trong biên chế, như Na Uy năm ngoái giảm đơn đặt hàng Leopard 2 để đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa.
Dù vậy, nhiều sĩ quan khẳng định xe tăng vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại, dù ngày càng mất đi ưu thế vốn có vì sự phổ biến của drone tự sát. "Chúng tôi cần xe tăng để tạo hiệu ứng gây sốc, từ đó nhanh chóng thâm nhập và củng cố vị trí khi đối đầu với đối phương sở hữu tăng thiết giáp", tướng Kevin Admiral, chỉ huy Quân đoàn Thiết giáp số 3 Mỹ, cho hay.
Nguyễn Tiến (Theo AP, AFP, WSJ)