Sức khỏe
Thứ năm, 26/3/2020, 20:42 (GMT+7)

'Cách biệt cộng đồng' của Trump và các lãnh đạo thế giới

Những bức ảnh về các lãnh đạo thế giới cho thấy sự khác nhau giữa họ với Trump về thái độ và việc thực thi cách biệt cộng đồng. 

Italy hiện là tâm dịch thế giới với hơn 74.000 ca nhiễm và hơn 7.500 ca tử vong vì nCoV. Tỷ lệ tử vong ở nước này là khoảng 10%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. 

Toàn Italy đang được đặt dưới lệnh phong tỏa, chỉ những người có giấy xác nhận cần phải rời khởi nhà mới được di chuyển và phải giữ khoảng cách 2 mét với nhau. Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte cũng tuân thủ quy tắc giữ khoảng cách để ngăn nCoV khi tổ chức họp báo hôm 19/3. Ảnh: Chigi Palace Press Office

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuần này đã ban lệnh cấm người dân tụ họp quá hai người. Tại cuộc họp báo về Covid-19 hôm 22/3, bà cũng thực thi quy tắc cách biệt cộng đồng khi giữ khoảng cách trên 2 mét với các phóng viên.

Merkel hiện cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm nCoV. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần một cho thấy bà âm tính với virus.

Đức, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, đã báo cáo gần 40.000 ca nhiễm, trong đó hơn 200 ca tử vong, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 0,5%. Ảnh: AFP

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (bên trái) và nội các của mình giữ khoảng cách an toàn trong cuộc họp báo tại Bộ An ninh và Tư pháp ở The Hague hôm 23/3. Thái độ nghiêm túc và sự tập trung của họ cho thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Hà Lan ghi nhận hơn 6.400 ca nhiễm, với gần 400 ca tử vong. Ảnh: AFP

Ban lãnh đạo chính quyền Hong Kong, trong đó có trưởng đặc khu Carrie Lam (thứ tư từ trái sang) đều đeo khẩu trang khi tổ chức họp báo hôm 21/3.

Hong Kong là một trong những vùng lãnh thổ sớm ghi nhận Covid-19 nhưng nhờ các biện pháp mạnh tay như đóng cửa khẩu, cấm nhập cảnh, đặc khu đến nay chỉ ghi nhận hơn 450 ca nhiễm và 4 ca tử vong vì nCoV. Ảnh: China News Service

Chính phủ Anh được đánh giá là có cách ứng phó với Covid-19 giống Mỹ nhất. Thủ tướng Boris Johnson (giữa) không giữ khoảng cách 2 mét với các quan chức khi họp báo ở Phố Downing hôm 22/3. Những câu khẩu hiệu "Ở nhà", "Bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia (NHS), "Bảo vệ tính mạng" in trên các bục phát biểu. 

Chính phủ Anh hôm 24/3 áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm khắc nhất kể từ sau Thế chiến II, cấm người dân ra đường trừ một số trường hợp nhất định nhằm ngăn bệnh dịch lây lan. Số ca nhiễm Covid-19 ở Anh hiện là hơn 9.500, trong đó hơn 460 ca tử vong. Ảnh: WPA Pool

Tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng hôm 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump không áp dụng quy tắc cách biệt cộng đồng mà Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo với người dân Mỹ. Ông đứng gần các quan chức, bắt tay nhiều người và nhiều lần chạm tay vào micro.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn thứ ba thế giới khi số ca tử vong đã vượt 1.000 trong hơn 68.000 ca nhiễm. WHO cảnh báo Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới toàn cầu với đà tăng Covid-19 như hiện nay. Ảnh: Rex

Trump tiếp tục đứng gần các quan chức và phóng viên trong cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 23/3.

Trump cho rằng số người tử vong vì tai nạn giao thông hàng năm lớn hơn Covid-19 và muốn mọi người sớm trở lại làm việc. Ông vẫn chưa xét nghiệm nCoV dù từng tiếp xúc với ba quan chức Brazil nhiễm virus. Các quan chức Mỹ khác từng gặp những người này đã tự cách ly tại nhà. Ảnh: AP.