Hôm 10/3, Goldman Sachs là ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây thông báo rời Nga sau chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Việc này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng phương Tây gấp rút đánh giá hoạt động tại Nga, khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính nước này, trong đó có cả Ngân hàng Trung ương Nga và hai nhà băng hàng đầu – VTB và Sberbank. Nhiều hãng xếp hạng tín nhiệm cũng cảnh báo khả năng vỡ nợ của các thực thể Nga.
Tổng cộng, các thực thể Nga hiện nợ ngân hàng nước ngoài hơn 121 tỷ USD, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Các ngân hàng châu Âu có khoảng 84 tỷ USD trong số này, chủ yếu là nhà băng Pháp, Italy và Áo. Các ngân hàng Mỹ có 14,7 tỷ USD.
Goldman Sachs trước đó thông báo tính đến tháng 12/2021, họ có khoảng 650 triệu USD dư nợ tại Nga. Các ngân hàng khác có thể sớm nối gót Goldman Sachs rời Nga.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/3 cho biết tình trạng kinh tế tại Nga hiện "chưa từng có tiền lệ" và cáo buộc phương Tây gây "chiến tranh kinh tế". Moskva cho biết sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, nhiều ngân hàng lo sợ tài sản tại Nga bị tịch thu.
Fitch Ratings từng cảnh báo "chất lượng tài sản của các ngân hàng châu Âu lớn sẽ chịu sức ép do hệ quả của việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine". Hoạt động của họ cũng sẽ gặp nhiều rủi ro do phải tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nhà băng Pháp Societe Generale tuần trước cho biết "sẽ tuân thủ tất cả quy định và điều luật, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để làm theo các lệnh trừng phạt quốc tế ngay khi được công bố". Ngân hàng này có khoảng 21 tỷ USD tài sản tại Nga cuối năm ngoái.
Deutsche Bank hôm 9/3 thông báo sự hiện diện tại Nga của họ "khá hạn chế", với tổng dư nợ khoảng 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD). Ngân hàng Đức cho biết đã giảm đáng kể hiện diện tại đây kể từ năm 2014. Việc giảm quy mô càng được tăng tốc thực hiện trong 2 tuần qua.
Các ngân hàng Mỹ cũng có thể chịu tác động. Citigroup tuần trước cho biết có khoảng 10 tỷ USD tài sản liên quan đến Nga. Giám đốc Tài chính Citigroup Mark Mason cho biết đang đánh giá các hậu quả theo từng kịch bản khác nhau. Tệ nhất là họ có thể mất nửa tài sản ở đây.
Citi cho biết vẫn giữ kế hoạch bán mảng ngân hàng bán lẻ tại Nga. Tuy nhiên, giờ họ sẽ khó tìm người mua hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì cho rằng hệ thống tài chính châu Âu có đủ thanh khoản và không có nhiều dấu hiệu gặp khó. "Nga quan trọng với thị trường năng lượng, hàng hóa, nhưng về tài chính thì không ", Luis de Guindos – Phó chủ tịch ECB cho biết, thêm rằng "những căng thẳng mà chúng tôi phải đối mặt hiện tại không đáng kể so với những gì diễn ra hồi đầu đại dịch".
Hà Thu (theo CNN)