
Các trường hợp siêu lây lan virus rất khó phát hiện. Ảnh: Daily Express.
Ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bao gồm theo dõi những người nhiễm và tìm hiểu mạng lưới tiếp xúc của họ, bước quan trọng nhằm hiểu rõ mầm bệnh lây lan như thế nào. Nhiều báo cáo đề cập tới các trường hợp siêu lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trong số đó, một người đàn ông Anh ở Singapore lây bệnh cho 4 ca ở Anh, 5 ca ở Pháp và một ca nghi nhiễm ở Majorca, theo BBC.
Trường hợp siêu lây lan (super-spreader) là hệ số có thể làm sai lệch những tính toán cẩn thận nhất. Vì những lý do mà giới nghiên cứu chưa thể xác định rõ, một số người lan truyền dịch bệnh cho nhiều người hơn các bệnh nhân khác. Theo Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ở Đại học Minnesota, sự kiện siêu lây lan rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nó có thể định hình lộ trình của dịch bệnh theo những cách không ngờ, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Thay vì truyền bệnh cho vài người ở gần, người siêu lây lan có thể khiến hàng chục người ở nơi khác nhiễm bệnh.
Không có tỷ lệ truyền nhiễm cụ thể để xác định ai đó là người siêu lây lan, con số phụ thuộc vào tình hình mỗi dịch bệnh. Đối với dịch SARS, một nghiên cứu của cơ quan y tế Mỹ và Trung Quốc xếp bất cứ ai lây bệnh cho ít nhất 8 người khác vào diện siêu lây lan. Khi dịch MERS bùng phát ở Trung Quốc năm 2015, các chuyên gia giới hạn con số ít nhất 6 người.
Trong dịch bệnh do nCoV, báo cáo sơ bộ của một chuyên gia bệnh hô hấp Trung Quốc cho biết 14 nhân viên y tế nhiễm virus do lây từ một bệnh nhân. Đợt bùng phát dịch tại Trung Quốc có thể bao gồm những người lây bệnh cho nhiều người khác cũng như người không truyền virus cho ai. Nhưng mô hình siêu lây lan rất khó phát hiện, theo Larry Anderson, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học Emory, Atlanta.
Trường hợp siêu lây lan đóng vai trò quan trọng trong nhiều dịch bệnh từ Ebola tới bệnh lao. Cách đây vài thập kỷ, một nhóm chuyên gia dịch tễ ở Đại học Oxford phân tích mô hình lây lan của bệnh sốt rét, HIV, và nhiều dịch bệnh khác. Họ nhận thấy 20% số ca nhiễm bệnh lây sang 80% bệnh nhân khác và đưa ra tỷ lệ ước tính là 20 - 80.
Siêu lây lan là yếu tố chi phối sự lan rộng của virus gây dịch SARS, họ hàng của nCoV. Tương tự nCoV, virus SARS bắt nguồn từ dơi và lây sang người qua động vật trung gian tại một khu chợ. Vào ngày 31/1/2003, trước khi dịch SARS được đặt tên, một bệnh nhân mắc viêm phổi bất thường được thuyên chuyển qua ba bệnh viện tại Quảng Châu, Trung Quốc và lây sang 82 người trong suốt quá trình, bao gồm tài xế xe cứu thương. Vài ngày sau, một bác sĩ nhiễm bệnh trong lúc điều trị cho bệnh nhân ở khách sạn Metropole tại Hong Kong và lây sang 12 khách tại đó. Những du khách này lại mang dịch tới Singapore, Việt Nam, Canada, Ireland, và Mỹ. Nếu trường hợp siêu lây lan không được phát hiện ngay lập tức, họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dịch bệnh.
Các bác sĩ vẫn chưa biết chắc chắn tại sao một số người lây nhiễm sang nhiều người khác hơn. Họ cho rằng đó là kết quả tổng hợp từ nhiều yếu tố môi trường và sinh học. Hành vi cá nhân, lộ trình đi lại và mức độ tiếp xúc với người khác đều góp phần dẫn tới siêu lây lan. Vệ sinh cá nhân kém cũng là một yếu tố, theo Jonathan Ball, giáo sư vi trùng học phân tử ở Đại học Nottingham.
Trong thời gian nCoV hoành hành, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên và che miệng khi ho hoặc hắt hơi. "Hãy tưởng tượng ai đấy đặc biệt ốm yếu làm bắn virus sang mọi người và mọi đồ vật. Đó có thể là người siêu lây lan", Ball nói. Bảo trì và thiết kế nhà ở kém cũng góp phần truyền bệnh do không khí lưu thông kém hơn, tạo điều kiện cho virus phát tán dễ dàng hơn.
Một số bệnh nhân có lượng virus cao hơn người khác nhưng giới nghiên cứu chưa rõ tại sao. "Trong phần lớn đợt bùng phát dịch, bạn sẽ thấy những người siêu lây lan nhưng chúng tôi không thực sự hiểu rõ cơ chế. Chúng tôi thường nghĩ họ sản sinh nhiều virus, kéo theo nguy cơ lây nhiễm lớn hơn. Nhưng tại sao ai đó lại tạo ra nhiều virus thì chúng tôi không chắc", Ball cho biết.
An Khang (Theo BBC/Wired/Telegraph)