Thế giới ghi nhận 83.725.848 ca nhiễm và 1.823.718 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 736.256 và 13.747 ca một ngày, trong khi 59.260.947 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 229.905 ca nhiễm và 3.471 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 20.402.821, trong đó 353.447 người chết.
Mỹ hôm 29/12 phát hiện ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên tại bang Colorado. Một ngày sau, California ghi nhận ca nhiễm thứ hai. Quan chức bang Colorado cho biết người đầu tiên được phát hiện nhiễm biến chủng B.1.1.7 là một trong 6 lính Vệ binh Quốc gia bang được triển khai tới nhà dưỡng lão ở thị trấn Simla từ ngày 23/12.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tính đến nay, mới có hơn 2,7 triệu người được tiêm vaccine Covid-19 và hơn 12,4 triệu liều vaccine được phân phối ở Mỹ. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người mà giới chức hứa hẹn hoàn thành trước khi bước sang năm 2021.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 19.046 ca nhiễm và 244 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.286.329 và 149.018.
Cơ quan Quản lý Thảm họa New Delhi ngày 31/12 áp lệnh giới nghiêm từ 11h đêm đến 6h sáng hôm sau ở thủ đô trong hai ngày, đêm 31/12 tới sáng 1/1 và đêm 1/1 tới sáng 2/1, để hạn chế các buổi tụ tập mừng năm mới.
Trước New Delhi, nhiều bang khác ở Ấn Độ như Punjab, Maharashtra, Karnataka và Rajasthan cũng áp lệnh giới nghiêm ban đêm trong dịp năm mới để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch.
Ấn Độ đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 tới ngày 7/1 do lo ngại nguy cơ lây lan chủng nCoV mới, nhưng khoảng 33.000 hành khách đã bay đến từ cuối tháng 11, trước khi lệnh cấm được thực thi.
Giới chức y tế Ấn Độ dự kiến bắt đầu đợt tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người từ đầu tháng này.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.074 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 194.949. Số người nhiễm nCoV tăng 56.773 ca trong 24 giờ qua, lên 7.675.973. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong ở nước ngày vượt 1.000.
Một phòng thí nghiệm của Brazil hôm 31/12 thông báo phát hiện hai ca nhiễm chủng nCoV mới đang lây lan ở Anh, đồng thời kêu gọi tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch đối với người đến từ châu Âu.
Với áp lực bủa vây Tổng thống Jair Bolsonaro về việc bắt đầu tiêm chủng cho người dân, chính phủ Brazil hôm 29/12 kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 tăng tốc đăng ký phê duyệt sử dụng vaccine tại nước này. Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco cam kết cải thiện đối thoại với Pfizer, sau khi hãng dược phẩm Mỹ phàn nàn về những thủ tục khó khăn khi đăng ký cấp phép.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 27.747 ca nhiễm nCoV và 593 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.159.297 và 57.019.
Trong bài phát biểu năm mới 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá đất nước này. "Thật không may khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuộc chiến chống lại nó không thể ngừng nghỉ trong một phút giây nào", ông nói.
Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova hôm 28/12 cho biết "hơn 81%" số ca tử vong gia tăng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái là do Covid-19, đồng nghĩa với việc hơn 186.000 người Nga đã chết vì đại dịch, gấp ba lần số ca tử vong được công bố.
Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết Nga đã sản xuất tổng cộng hơn 2 triệu liều Sputnik V và phân phối một triệu liều trong nước trước khi kết thúc năm 2020.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 19.927 ca nhiễm và 251 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.620.425 và 64.632.
Pháp ngày 31/12 lần đầu ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Nam Phi, là một người ở vùng Haut-Rhin, gần biên giới Thụy Sĩ, mới trở về từ quốc gia châu Phi này. Chủng 501.V2 được giới chức Nam Phi phát hiện từ giữa tháng 12. Trước đó, ngày 25/12, Pháp ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên, là một công dân Pháp sống ở Anh.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm qua cho biết nước này sẽ tạm thời không áp đặt lệnh phong tỏa mới, nhưng có thể sớm kéo dài thời gian giới nghiêm tại khu vực phía đông, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.
Pháp đã trải qua hai đợt phong tỏa, nhưng số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn không hạ xuống dưới 5.000 như mục tiêu của chính phủ. Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đã bắt đầu tại Pháp từ hôm 27/12.
Anh, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận 2.488.780 ca nhiễm và 73.512 ca tử vong, tăng lần lượt 55.892 và 964 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
Giới chức y tế Anh cảnh báo nước này đang "trở lại tâm bão" Covid-19, với số bệnh nhân nhập viện nhiều tương đương giai đoạn cao điểm hồi tháng 4. Chính quyền áp đặt biện pháp hạn chế Cấp 4 - cấp gắt gao nhất tại London và hầu hết các vùng tây nam, trung tâm, tây bắc và đông bắc của nước Anh, tác động đến 44 triệu người, tức 3/4 dân số. Người dân được yêu cầu ở nhà, cửa hàng không thiết yếu, tiệm làm tóc cũng như cơ sở giải trí phải đóng cửa.
Trong thông điệp năm mới đêm 31/12, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh phải đối mặt với "cuộc chiến khó khăn" trong những tháng tới, nhưng tin rằng quốc gia này sẽ "thoát bóng ma" Covid-19 trong năm 2021.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 55.223 người chết, tăng 128, trong tổng số 1.225.142 ca nhiễm, tăng 6.389.
Iran hôm 29/12 khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với loại vaccine Covid-19 do nước này tự phát triển, bằng việc tiến hành tiêm cho ba người trên truyền hình. Nhóm tình nguyện viên này bao gồm hai quan chức cấp cao và con gái chủ tịch Tập đoàn EIKO, nhà tài trợ cho dự án vaccine.
Ngoài ra, Iran đang tiếp tục phát triển một loại vaccine khác, đồng thời đặt khoảng 16,8 triệu liều thông qua Covax, cơ chế phân phối vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập.
Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19 hồi tháng 12/2019, báo cáo 25 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 87.052, trong khi số ca cử vong vẫn là 4.634.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) ngày 30/12 thông báo lần đầu ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV siêu lây nhiễm được phát hiện tại Anh, là một phụ nữ 23 tuổi ở Thượng Hải trở về từ Anh hôm 14/12. CCDC đang tiến hành truy vết tiếp xúc với nữ bệnh nhân này.
Giới chức Trung Quốc gần đây tránh áp đặt các lệnh phong tỏa và đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh để ngăn Covid-19 như hồi đầu năm, sau khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán. Thay vào đó, họ áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch có mục tiêu và ít can thiệp hơn, nhằm giúp ngăn chặn dịch lây lan nhưng không làm tổn hại nền kinh tế đang phục hồi.
Thủ đô Trung Quốc đêm 31/12 tổ chức một lễ đếm ngược đón năm mới chỉ với một số ít khách mời, trong khi một số sự kiện bị hủy để ngăn Covid-19 lây lan. Một buổi biểu diễn văn nghệ tôn vinh các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch cũng được tổ chức.
Hàn Quốc ghi nhận 967 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 60.740, trong đó 900 ca tử vong, tăng 21 ca so với hôm trước.
Chính phủ Hàn Quốc tuần này bổ sung các hạn chế mới như cấm tụ tập trên 4 người, đồng thời đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các môn thể thao du lịch, nhằm ngăn chặn virus lây lan trong dịp Giáng sinh và năm mới. Nước này cũng tuyên bố đẩy nhanh công tác tiêm chủng Covid-19, sau khi phát hiện ra những ca đầu tiên của biến chủng nCoV liên quan đến Anh.
Trái ngược với cảnh người chen chúc đón năm mới như những năm trước, đường phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc đêm qua vắng tanh do các hạn chế ngăn Covid-19. Những địa điểm nổi tiếng cũng không có bóng người, chỉ có những tốp cảnh sát làm nhiệm vụ để ngăn người dân tụ tập.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 743.198 ca nhiễm, tăng 8.074, trong đó 22.138 người chết, tăng 194. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 29/12 cho biết nước này đang hoàn tất các thoả thuận mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 từ Pfizer và AstraZeneca. Ông Sadikin nói thêm rằng 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. 500 người trong số họ đã tử vong vì Covid-19.
Philippines báo cáo 474.064 ca nhiễm và 9.244 ca tử vong, tăng lần lượt 1.532 và14 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello hôm 29/12 thông báo nước này cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 20 quốc gia xuất hiện chủng nCoV mới liên quan đến Anh, nhưng không nêu rõ thời điểm lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực. Yêu cầu không áp dụng với công dân Philippines trở về từ những quốc gia này.
Đầu tuần này, quan chức Philippines cho biết một số bộ trưởng và binh sĩ đã được tiêm vaccine Covid-19, nhưng với số lượng không lớn. Quan chức không cho biết loại vaccine được sử dụng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Bộ Y tế hôm 28/12 đều cảnh báo phản đối việc sử dụng vaccine chưa được phê duyệt và việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán vaccine chưa được phê duyệt là bất hợp pháp.
Thái Lan ghi nhận thêm 194 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.884, trong đó 61 người chết. .
Thủ đô Bangkok hôm qua yêu cầu đóng cửa các địa điểm thể thao và giải trí đến ngày 4/1. Lệnh cấm này có khả năng kéo dài hơn nếu tình hình Covid-19 không được cải thiện trong một tuần tới. Những điểm nóng Covid-19 khác, bao gồm tỉnh Tak, Samut Sakhon và Rayong, cũng áp dụng biện pháp hạn chế tương tự. Ngày 30/12, Thái Lan ra lệnh cấm tụ tập đông người tổ chức sự kiện trong dịp năm mới.
Làn sóng Covid-19 mới tại Thái Lan bắt nguồn từ một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, gần thủ đô Bangkok. Giới chức hôm 25/12 cảnh báo nếu không thực hiện giãn cách xã hội, cùng nhiều biện pháp phòng dịch khác, Thái Lan có nguy cơ phải đóng cửa toàn quốc vào tháng 3 tới.
Singapore ghi nhận 58.599 ca nhiễm, tăng 30 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong duy trì ở mức 29.
Đảo quốc này ngày 30/12 bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 của Pfizer, ưu tiên nhân viên y tế, người cao tuổi. Chính phủ dự kiến có đủ vaccine cho 5,7 triệu công dân vào quý 3/2021, theo đó người dân Singapore và người nước ngoài định cư lâu dài được tiêm miễn phí.
Thanh Tâm (Theo CNN, AFP, Reuters, Guardian)