Bộ Y tế Công cộng Thái Lan hôm nay cho biết nước này ghi nhận 122 ca nhiễm nCoV mới, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 721. Tại thủ đô Bangkok, gần như toàn bộ cơ sở kinh doanh đều được lệnh đóng cửa, khiến hàng chục nghìn công nhân phải lên tàu, xe buýt rời thành phố vào cuối tuần này.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng một lượng lớn người rời đi có thể truyền bệnh sang các tỉnh khác ở Thái Lan hoặc lây bệnh từ các nước Campuchia, Myanmar khi nhiều lao động nhập cư trở về.
Tại biên giới Myamar, người dân xếp hàng để đội ngũ y tế kiểm tra trước khi họ nhập cảnh. Myanmar đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm nào, đặt ra câu hỏi về các biện pháp xét nghiệm và kiểm dịch ở nước này.
Tại Campuchia, nơi gần đây chỉ ghi nhận vài ca nhiễm, 31 trường hợp được xác nhận hôm 22/3, gồm 29 du khách Pháp, đưa số ca nhiễm tại nước này lên 86.
Chính phủ Malaysia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 1.518 ca nhiễm, tuần trước áp lệnh phong tỏa hai tuần sau khi số ca nhiễm tăng đột biến. Phần lớn các ca nhiễm mới liên quan đến buổi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo ở Kuala Lumpur, nơi có sự tham gia của 16.000 người hồi đầu tháng này. Malaysia cũng đã ghi nhận 14 ca tử vong.
Singapore, nơi ghi nhận 455 ca nhiễm với hai trường hợp tử vong đầu tiên hôm 21/3, cũng đẩy mạnh các hạn chế nhập cảnh. Quốc đảo này tuyên bố sẽ đóng biên với du khách ngắn hạn và một số lao động nước ngoài.
Hơn 50 triệu người Philippines, nơi ghi nhận 462 ca nhiễm và 33 ca tử vong, vẫn chịu lệnh phong tỏa, trong khi các cơ sở y tế của đất nước chật vật vì thiếu kit xét nghiệm và thiết bị bảo hộ. Hai bệnh viện lớn ở thủ đô là Medical City và Bệnh viện Đại học Santo Tomas đã cách ly 674 nhân viên y tế vì lo ngại họ bị phơi nhiễm virus.
Hai bác sĩ Philippines được xác nhận đã tử vong do nCoV. "Thật đau lòng khi chúng tôi nghe tin họ qua đời. Đây là thực tế mà chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi đang mạo hiểm tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ", Maria Theresa Depano, nhân viên y tế tại bệnh viện ngoại ô khu đô thị Manila, cho biết.
Depano cũng chia sẻ hình ảnh các nhân viên y tế sử dụng túi đựng rác để bảo vệ chính mình tại bệnh viện Saint Jude ở Laguna. "Chúng tôi đang kêu gọi sự quan tâm của Bộ Y tế hoặc các cơ quan khác có thể cung cấp cho chúng tôi thiết bị bảo hộ cá nhân. Chúng tôi đã cạn kiệt các nguồn cung và không biết mua ở đâu", cô cho biết trong một bài đăng.
Tại Indonesia, 579 người nhiễm nCoV, trong đó 49 ca đã tử vong. Tổng thống Joko Widodo tuần trước thừa nhận cần phải tăng cường xét nghiệm ngay lập tức. Indonesia đã biến làng vận động viên được xây dựng cho Đại hội Thể thao châu Á năm 2018 thành bệnh viện khẩn cấp với sức chứa hơn 4.000 người.
Chính phủ Indonesia hứng nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm với dịch bệnh. Tại thủ đô Jakarta, các biện pháp ngăn chặn virus lây lan được triển khai từ sáng nay sau khi thống đốc Anies Baswedan tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong hai tuần tới. Tất cả các điểm giải trí đều bị đóng cửa và doanh nghiệp được kêu gọi đóng cửa văn phòng nếu có thể.
Anies hôm 20/3 cho biết ông cũng sẽ hạn chế số hành khách đi giao thông công cộng, giảm giờ hoạt động của các phương tiện. Tuy nhiên, những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh các toa tàu chất cứng người đi lại, cho thấy những hạn chế như vậy vẫn chưa hiệu quả.
Tổng thống Widodo cho đến nay vẫn bác bỏ lời kêu gọi phong tỏa các khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, dù nhiều nước trong khu vực đã áp đặt các biện pháp quyết liệt.
Việt Nam cho đến đầu tháng này chỉ ghi nhận 16 ca nhiễm nCoV và toàn bộ đều được chữa khỏi. Tuy nhiên, số ca nhiễm sau đó tăng lên và đến chiều 23/3, Việt Nam ghi nhận 121 ca Covid-19, trong đó 17 người đã khỏi bệnh.
Covid-19 đã xuất hiện tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán tháng 12/2019. Dịch bệnh khiến hơn 340.000 người nhiễm và hơn 14.700 người tử vong. Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Huyền Lê (Theo Guardian)