Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 181.490 ca nhiễm, 2.297 ca tử vong và 89.959 ca nhập viện trong 24 giờ qua, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Đây là mức tăng hàng ngày lớn nhất tại Mỹ kể từ tháng 5, đưa tổng số ca lên 13.237.297, trong đó 269.440 người đã chết.
Mức tăng đáng báo động dường như do hàng triệu người đi lại, tụ tập trong dịp Lễ Tạ ơn, bất chấp khuyến cáo điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh trong nước. Các sân bay của Mỹ ghi nhận khoảng 900.000 đến một triệu người mỗi ngày qua các trạm kiểm soát ngày 20-24/11, giảm khoảng 60% so với năm ngoái, nhưng cũng chứng kiến những đám đông lớn nhất kể từ khi đại dịch xảy ra. Thông thường, người Mỹ lái xe để đi lại trong dịp Lễ Tạ ơn hơn là đi máy bay.
Các quan chức, trong đó có thống đốc New York Andrew Cuomo, phải hủy kế hoạch Lễ Tạ ơn riêng để làm gương. Thị trưởng của Denver Michael Hancock phải xin lỗi sau khi yêu cầu quan chức và người dân tránh đi lại trong kỳ nghỉ, nhưng bay đến Mississippi để dành kỳ nghỉ cùng vợ và con gái út.
Tòa án Tối cao đứng về phía các cộng đồng tôn giáo, những người khởi kiện để ngăn chặn bang New York áp đặt hạn chế đối với việc tham dự các nghi lễ. Tại Wyoming, thống đốc đảng Cộng hòa Mark Gordon phản đối lệnh đeo khẩu trang. Ông có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV hôm 25/11.
Video quay từ trực thăng ở bang California cho thấy giao thông tắc nghẽn hàng km khi mọi người đổ ra đường. "Tôi lo rằng đợt tăng ca nhiễm Lễ Tạ ơn sẽ chỉ thêm vào những gì sẽ trở thành đợt tăng dịp Giáng sinh. Tất cả phải hiểu rằng chúng tôi đang ở tình thế rất nguy hiểm. Mọi người phải ngừng hít thở chung bầu không khí. Chúng ta sẽ chứng kiến các bệnh viện trên bờ vực sụp đổ theo đúng nghĩa đen", giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Mỹ Michael Osterholm cho hay.
Toàn cầu ghi nhận 61.270.349 ca nhiễm và 1.436.705 người đã tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 599.174 và 11.355, trong khi 42.352.315 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 42.054 ca nhiễm và 473 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.308.751 và 135.734.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Chính quyền thủ đô đã lên kế hoạch khôi phục một số biện pháp hạn chế nếu cần thiết, như đóng cửa các khu chợ. Ấn Độ hy vọng 5 loại vaccine được thử nghiệm tại nước này sẽ giúp họ kiểm soát đại dịch thành công.
Quan chức New Delhi đã tăng gấp tư tiền phạt với người không đeo khẩu trang lên 2,000 rupee (27 USD). Kể từ tháng 6, gần 500.000 người đã bị phạt vì không đeo khẩu trang, 370.000 người vì phớt lờ quy tắc giãn cách xã hội và 3.500 người vì khạc nhổ tại New Delhi.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 661 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 171.460. Số người nhiễm nCoV tăng 37.322 ca trong 24 giờ qua, lên 6.204.220.
Nhiều nơi đã bị đóng cửa sau khi virus bắt đầu xuất hiện ở Brazil vào tháng hai, nhưng cuộc sống ở các thành phố lớn nhất đã trở lại gần với mức bình thường trước đại dịch trong những tuần gần đây, với các quán bar, nhà hàng và cửa hàng đông người, thường không đeo khẩu trang.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Tại châu Âu, sau một mùa hè "dễ thở", nhiều nước ở châu lục này đã phải tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang nới dần biện pháp khi mùa Giáng sinh đang đến gần.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo 2.183.660 ca nhiễm và 50.957 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 13.563 ca nhiễm và 339 ca tử vong.
"Đỉnh điểm của làn sóng thứ hai đã qua", Tổng thống Macron nói vào tối 24/11, nhưng nhấn mạnh vẫn cần tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông thông báo cửa hàng sẽ được mở cửa từ 28/11 và lệnh yêu cầu người dân ở nhà toàn quốc sẽ được dỡ bỏ từ ngày 15/12 nếu ca nhiễm mới hàng ở mức dưới 5.000. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được giữ nguyên và sẽ chỉ được nới lỏng vào dịp Giáng sinh, từ ngày 24/12 đến ngày 31/12.
Anh báo cáo thêm 17.555 ca nhiễm và 498 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.574.562 và 57.031. Chính phủ đã tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.
Giới chức Anh dự kiến dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh. Hạn chế về tụ tập xã hội cũng dự kiến được nới lỏng trong dịp này để cho phép tối đa ba hộ gia đình đón kỳ nghỉ lễ cùng nhau. Tuy nhiên, chính phủ cho biết hơn 23 triệu người sẽ phải chịu những hạn chế chặt chẽ nhất khi lệnh phong tỏa toàn quốc chấm dứt ngà 2/12.
Đức ghi nhận 21.576 ca nhiễm và 386 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.005.307 và 15.767. Mặc dù đồ thị số liệu Covid-19 đang bằng phẳng hơn, giới chức đánh giá các số liệu hàng ngày vẫn quá cao và khu điều trị tích cực tại các bệnh viện đang sắp hết giường.
Do lo ngại những người châu Âu sẽ băng qua biên giới đến các ngọn núi để trượt tuyết, Đức đã yêu cầu các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa các khu trượt tuyết cho đến tháng 1.
Từ ngày 2/11 đến 20/12, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch". Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.
Thủ tướng Angela Merkel thông báo siết chặt quy định về khẩu trang, bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở tất cả khu vực có lưu lượng người đi bộ qua lại cao cũng như ở các trung tâm thành phố.
16 bang ở Đức dự kiến nới lỏng hạn chế trong dịp Giáng sinh từ 23/12 đến 1/1/2021, cho phép tụ tập tối đa 10 người để gia đình và bạn bè có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng nhau.
Nga, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 25.487 ca nhiễm nCoV và 524 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.187.990 và 38.062. Đây là lần thứ hai Nga ghi nhận ca nhiễm và tử vong hàng ngày cao kỷ lục chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
Điện Kremlin cho biết hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực lớn, nhưng ngoại trừ một số khu vực, tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nga không áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc mà tập trung vào các biện pháp hạn chế theo từng khu vực.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11 cho biết Nga sẵn sàng phân phối vaccine Sputnik V cho các nước khác. Theo phân tích lần thứ hai về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, Sputnik V đã đạt hiệu quả 95%. Các nhà phát triển cho biết vaccine hai liều Sputnik V dự kiến có giá dưới 10 USD trên thị trường quốc tế và miễn phí cho công dân Nga. Nhiệt độ bảo quản vaccine là 2-8 độ C, cao hơn so với một số loại vaccine khác.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 778.571 ca nhiễm và 21.289 ca tử vong, tăng lần lượt 3.069 và 88 ca.
Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 46.689 người chết, tăng 482, trong tổng số 908.346 ca nhiễm, tăng 13.961. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, họ áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức "đỏ".
Ô tô sẽ không được phép rời khỏi hoặc đi vào các thành phố "đỏ" và các quy định hạn chế lái xe khác sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích mọi người ở nhà. Các hạn chế nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho các khu vực "cam" và "vàng" có rủi ro thấp hơn. Truyền thông nhà nước cho biết các hạn chế sẽ kéo dài ít nhất hai tuần.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ tháng 3, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lớn thứ ba. Nước này báo cáo thêm 386 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 30.403, trong đó 503 tường hợp tử vong.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày dự kiến lên tới 400 vào tuần tới và trên 600 vào đầu tháng 12 nếu tỷ lệ một người lây nhiễm cho 1,5 người hiện tại không được kiểm soát.
Hàn Quốc hôm 19/11 thắt chặt các hướng dẫn ngăn chặn Covid-19 trước thềm kỳ thi tuyển sinh đại học dự kiến diễn ra vào ngày 3/12. Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm qua kêu gọi hủy bỏ tất cả các cuộc tụ tập xã hội, song quán bar, câu lạc bộ đêm, các cơ sở tôn giáo và sự kiện thể thao vẫn được phép hoạt động nhưng phải giới hạn lượng người tham dự.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 516.753 ca nhiễm, tăng 4.917, trong đó người chết là 16.352, tăng 127 ca.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 18/11, lãnh đạo cơ quan phụ trách thực phẩm và dược phẩm Indonesia cảnh báo họ không thể cấp phép kịp cho hoạt động này đúng thời hạn tháng 12, do dữ liệu lúc đó chưa hoàn thành.
Philippines báo cáo 424.297 ca nhiễm và 8.242 ca tử vong, tăng lần lượt 1.392 và 27 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Tình hình dịch tại Philippines đã cải thiện trong thời gian gần đây. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 21/11 chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài, mở đường cho y tá nước này nhận việc ở nước ngoài. Năm ngoái, gần 17.000 y tá Philippines đã ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế nhằm tiếp tục chiến đấu với đại dịch, chỉ 5.000 nhân viên y tế được phép rời đi trong năm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 25/11 khuyên các quốc gia tại khu vực này không nên nới lỏng hạn chế quá nhanh. "Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ mùa hè và không lặp lại những sai lầm tương tự, không nới lỏng hạn chế quá nhanh", bà nói.
"Nới lỏng quá nhanh và quá nhiều có nguy cơ dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ ba sau Giáng sinh", bà nói. "Nhiều tuần trước, tôi đã nói rằng Giáng sinh năm nay sẽ khác. Và đúng vậy, nó sẽ yên tĩnh hơn".
Huyền Lê (Theo Guardian, AFP)