Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 39.070 ca nhiễm và 491 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 31.933.553 và 427.892.
Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm và tử vong ở Ấn Độ thực tế cao hơn nhiều số liệu được công bố do thống kê không đầy đủ. Họ cũng cảnh báo tốc độ tiêm chủng chậm khiến Ấn Độ gặp rủi ro trước bất kỳ sóng lây nhiễm mới nào, khi ca nhiễm và tử vong đã bắt đầu tăng trở lại hai tuần qua.
Ấn Độ hôm 7/8 phê duyệt khẩn cấp vaccine một mũi của Johnson & Johnson để tăng cường chiến dịch tiêm chủng giữa lo ngại về sóng lây nhiễm mới. Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya cho biết việc phê duyệt sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống đại dịch ở Ấn Độ.
"Ấn Độ mở rộng giỏ vaccine của mình! Vaccine Covid-19 liều đơn của Johnson & Johnson đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ", Bộ trưởng đăng Twitter.
Hiện chưa rõ khi nào vaccine của công ty Mỹ sẽ đến Ấn Độ. Quốc gia 1,3 tỷ dân đã tiêm 500 triệu liều, nhưng chỉ 8% dân số đã tiêm đủ hai mũi.
Vaccine của Johnson and Johnson là loại thứ năm được phê duyệt ở Ấn Độ, sau Covishield của Oxford-AstraZeneca, Covaxin, Sputnik V và Moderna. Chương trình tiêm chủng miễn phí của chính phủ chủ yếu dựa vào Covishield, Covaxin và các nhà sản xuất đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.
Sputnik vẫn chưa mở rộng quy mô sản xuất, trong khi Moderna chưa xuất khẩu bất kỳ liều nào sang Ấn Độ.
Thế giới hiện ghi nhận 202.924.626 ca nhiễm và 4.298.292, trong đó 182.276.969 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometer.
Giới chức y tế Mỹ lo ngại ca nhiễm, nhập viện và tử vong sẽ tiếp tục tăng cao nếu nhiều người Mỹ không tiêm phòng, trong bối cảnh ca nhiễm mới ở nước này hôm 7/8 tiếp tục vượt 100.000.
"Các mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy nếu không tiêm phòng, chúng ta có thể lên đến vài trăm nghìn ca mỗi ngày, tương tự đợt tăng đột biến hồi tháng 1", giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky tuần này cho hay.
Mỹ mất khoảng 9 tháng để vượt mốc 100.000 ca hàng ngày hồi tháng 11 năm ngoái, trước khi chạm đỉnh 250.000 ca đầu năm nay. Ca nhiễm chạm đáy vào tháng 6, với trung bình khoảng 11.000 ca mỗi ngày, nhưng hôm 7/8, con số là 107.143. Tổng số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ hiện là 36.516.998 và 632.986, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Số ca nhập viện và tử vong cũng đang tăng, dù vẫn dưới mức đỉnh hồi đầu năm. Theo CDC, hơn 44.000 người Mỹ đang nhập viện vì Covid-19, tăng 30% trong một tuần và gần gấp 4 lần con số hồi tháng 6. Hơn 120.000 người đã phải nhập viện trong tháng 1.
Theo Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày đã tăng từ khoảng 270 mỗi ngày hai tuần trước lên gần 500 người hôm 6/8. Số người chết cao nhất là 3.500 người mỗi ngày vào tháng 1.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các bang miền nam, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Mỹ và đã chứng kiến các bệnh viện nhỏ bị quá tải. Ở khu vực đông nam, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng 50%, lên 17.600 trong tuần này. CDC cho biết Florida, Georgia, Alabama, Mississippi, Bắc Carolina, Nam Carolina, Tennessee và Kentucky chiếm 41% ca nhập viện mới, gấp đôi tỷ lệ dân số của các bang này so với cả nước.
Alabama và Mississippi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước. Georgia, Tennessee và Carolinas đều nằm trong 15 bang thấp nhất.
Một số người sợ hãi vaccine bởi những cảnh báo không có thật trên mạng xã hội và từ nguồn không chính thống. Trên toàn quốc, 50% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hơn 70% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều.
Khoảng 237.000 người đã xuống đường trên khắp nước Pháp hôm 7/8 trong cuộc biểu tình lớn nhất để phản đối kế hoạch cấp thẻ thông hành y tế của chính phủ, hai ngày trước khi quy định mới có hiệu lực.
Muốn có thẻ thông hành y tế để vào nhà hàng, quán cà phê, đi tàu liên thành phố, người dân phải tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ, xét nghiệm âm tính hoặc khỏi Covid-19 gần đây. Tổng thống Emmanuel Macron, người tái tranh cử năm tới, hy vọng sẽ khuyến khích tất cả người Pháp tiêm vaccine để đánh bại virus cũng như biến chủng Delta.
Nhưng những người phản đối, đã tổ chức 4 cuộc biểu tình liên tiếp vào cuối tuần, cho rằng yêu cầu tiêm vaccine để có thẻ thông hành y tế đã xâm phạm quyền tự do dân sự. Trong một số cuộc biểu tình ở Paris, hàng trăm người diễu hành từ các vùng ngoại ô phía tây đến trung tâm, hô "Tự do!" và "Macron, chúng tôi không muốn thẻ của ngài!".
Biểu tình cũng diễn ra tại một số thành phố của Italy hôm 7/8 để phản đối việc áp dụng các biện pháp mới, trong đó yêu cầu bằng chứng cho thấy những người mang thai đã được tiêm chủng ít nhất một liều, đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng qua hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính 48 giờ trước đó.
Hơn 1.000 người đã tập trung tại quảng trường Piazza del Popolo ở trung tâm Rome và hét lên "Không thẻ xanh!" và "Tự do!". Hàng nghìn người khác diễu hành ở Milan.
Thẻ xanh, một phần mở rộng của chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), từ 6/8 trở thành yêu cầu bắt buộc ở Italy để vào rạp chiếu phim, bảo tàng và địa điểm thể thao trong nhà hoặc ăn tại nhà hàng. Giáo viên, giảng viên và sinh viên đại học sẽ cần thẻ này.
Bắt đầu từ 1/9, người dân cần có thẻ xanh nếu muốn đi các chuyến bay nội địa và các chuyến tàu đường dài.
Huyền Lê (Theo AP, AFP)