Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang vào cuộc điều tra vụ hai thùng chứa phiếu bầu vắng mặt ở bang Oregon và Washington bị phóng hỏa, trong khi giới chức địa phương gọi đây là "bạo lực chính trị" và "tấn công vào nền dân chủ Mỹ".
Sự việc cũng cho thấy những nguy cơ mà các nhân viên bầu cử Mỹ có thể đối mặt trong năm nay, khi 244 triệu cử tri lựa chọn giữa ứng viên Cộng hòa Donald Trump với đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris, giữa bầu không khí chính trị chia rẽ chưa từng thấy.
Bà Vanessa Montgomery, 61 tuổi, đã liên tục được hội đồng hạt Bartow, bang Georgia phân công làm nhiệm vụ giám sát điểm bỏ phiếu tại đây từ năm 2015. Nhưng năm nay, Montgomery quyết định rút lui.
Bà đi đến quyết định này sau khi đối mặt với vô số lời đe dọa, lăng mạ, thậm chí là bạo lực trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, liên quan đến những tuyên bố vô căn cứ mà ông Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa đưa ra rằng "bầu cử có gian lận".
Trump khi đó không chịu nhận thua trước đối thủ Joe Biden, liên tục đưa ra những tuyên bố sai lệch về kết quả kiểm phiếu và tiến hành loạt động thái kiện tụng, làm dấy lên hoài nghi trong công chúng về tính liêm chính của cuộc bầu cử.
Bà Montgomery lo ngại cuộc bầu cử lần này sẽ căng thẳng như 4 năm trước, bởi ông Trump tiếp tục chạy đua để trở lại Nhà Trắng và cũng đang đặt ra những nghi vấn liên quan kết quả bỏ phiếu. "Cũng có thể không đến mức đó, nhưng tôi tin sẽ là một kỳ bầu cử khó khăn", bà nói.
Montgomery cho biết bà từng bị một chiếc SUV màu đen bám đuôi trên một đoạn đường tối hồi tháng 1/2021, khi cùng con gái lái ôtô chuyển hòm phiếu bầu ghế thượng nghị sĩ Georgia về văn phòng hạt Bartow. Kết quả từ hòm phiếu này sẽ góp phần định đoạt đảng nào kiểm soát Thượng viện.
Nhận thấy kẻ bám đuôi, bà gọi điện cho quan chức phụ trách bầu cử hạt Bartow và cảnh sát rồi tăng tốc vào thị trấn. Chiếc SUV dần biến mất trong màn đêm khi xe của bà Montgomery đến khu vực sáng đèn. Cảnh sát xuất hiện và hộ tống hai mẹ con đến văn phòng bầu cử.
"Trước đây, tôi không sợ điều gì", Montgomery, cựu binh lục quân Mỹ, nói. "Nhưng đó là tình huống đáng sợ nhất tôi từng gặp, còn hơn cả khi trong quân ngũ".
Montgomery sau đó vẫn tiếp tục công việc, bởi bà coi đồng nghiệp như gia đình và cảm thấy có trách nhiệm hỗ trợ bầu cử. Bà tham gia giám sát cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 và vòng bầu cử sơ bộ ở Georgia hồi đầu năm. Bà cảm nhận được nỗi bất an hiện hữu, nguyên nhân có thể là từ sự kiện năm 2020.
"Nhiều hành vi thô lỗ, nhiều cái chỉ tay hơn", bà nói, thêm rằng cảm giác bất an càng nhiều khi ngày bầu cử đến gần. "Cuộc bầu cử càng quan trọng, khả năng có người đe dọa càng cao. Điều đó sẽ khiến bạn suy nghĩ 'mình có thực sự muốn tiếp tục công việc này?'".
Tina Barton ở thành phố Rochester Hills, bang Michigan, cũng có trải nghiệm tương tự về bạo lực liên quan bầu cử. Trong hơn ba thập kỷ, Barton, đảng Cộng hòa, làm việc trong chính quyền Rochester Hills trước khi giữ vai trò tổng thư ký thành phố, có nhiệm vụ giám sát bầu cử.
Bà đã chứng kiến căng thẳng chính trị gia tăng qua các năm. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa Al Gore, đảng Dân chủ, và George W. Bush, đảng Cộng hòa, ngã ngũ chỉ bằng vài nghìn phiếu bầu ở bang Florida.
Chủ nghĩa phủ nhận kết quả bầu cử bắt đầu nhen nhóm năm 2016. Ứng viên đảng Xanh Jill Stein muốn kiểm lại phiếu tại ba bang chiến trường sau khi bà xếp thứ tư trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm 2018, ứng viên thống đốc Georgia Stacey Abrams, đảng Dân chủ, thất bại trước đối thủ Brian Kemp và cáo buộc phe Cộng hòa "can thiệp" hệ thống bỏ phiếu.
Những dấu hiệu này gia tăng và biến thành thứ hoàn toàn khác sau mùa bầu cử năm 2020, theo Barton. "Trước đó, sự công kích chỉ nhằm vào quy trình bầu cử. Cá nhân chúng tôi chưa bao giờ là tiêu điểm chỉ trích".
Sau thất bại của ông Trump, hầu hết sự hoài nghi dồn vào những bang mà đảng Cộng hòa thua sít sao, trong đó có Michigan. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel khi đó nêu đích danh Barton, cáo buộc bà "chuyển" 2.000 phiếu cho ông Biden. Trên thực tế, Barton nói bà và đội ngũ đã phát hiện một lỗi văn thư trong kiểm phiếu và phải đính chính để đảm bảo tính chính xác.
Barton phải đối mặt hàng loạt lời đe dọa, thậm chí dọa giết vì điều này. "Tôi không nghĩ có ngày mình đến văn phòng, nhấc điện thoại nghe tin nhắn và có người nói 'chúng tôi sẽ giết bà lúc bà không ngờ nhất'", Barton kể lại.
Barton thất bại khi tái tranh cử ghế tổng thư ký thành phố và gia nhập Ủy ban vì An ninh và An toàn Bầu cử, đào tạo nhân sự cho mùa bỏ phiếu. "Khi có tầm ảnh hưởng lớn, bạn phải có trách nhiệm với lời mình nói ra", Barton nói. "Nhiều người có thể coi những lời đó là chỉ đạo để họ hành động".
Al Schmidt, cựu quan chức bầu cử Philadelphia, bang Pennsylvania, điều trần trước quốc hội năm 2022 rằng ông cùng gia đình bị đe dọa, sau khi ông Trump tuyên bố có "hàng loạt sai phạm" trong cuộc bầu cử ở thành phố. Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger cũng bị đe dọa suốt nhiều tháng vì từ chối đề nghị từ ông Trump về "tìm thêm phiếu bầu ở bang này".
Khảo sát do Trung tâm Brennan về Công lý, viện về chính sách bầu cử thuộc Trường Luật Đại học New York, thực hiện cho thấy 38% quan chức bầu cử địa phương "đã bị đe dọa, quấy rối khi làm việc".
Tháng 9, nhóm chuyên trách của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết kể từ khi được thiết lập năm 2021, họ đã nhận báo cáo về 2.000 trường hợp quan chức bầu cử bị đe dọa và mở 100 cuộc điều tra. Cơ quan này đã đưa ra cáo buộc với 20 người, trong đó 15 người đã bị tuyên có tội.
Khi cuộc bầu cử năm nay được dự báo sẽ vô cùng sít sao và căng thẳng, các quan chức bầu cử và nhân viên hòm phiếu Mỹ cho biết họ đang phải có những biện pháp chuẩn bị chưa từng thấy.
Tại hạt Cobb, bang Georgia, nhân viên hòm phiếu được bố trí một nút báo động cùng một đường liên lạc trực tiếp đến văn phòng cảnh sát địa phương. Tại hạt Durham, bang Bắc Carolina, giới chức lắp đặt thêm kính chống đạn cho các điểm bầu cử. Tại thành phố Los Angeles, California, cảnh khuyển được triển khai để kiểm tra phiếu bầu qua thư, đề phòng chúng chứa chất độc.
Khi được hỏi về cảm xúc mùa bầu cử năm nay, chánh văn phòng tổng thư ký bang Georgia Gabriel Sterling, đảng Cộng hòa, trả lời "đó là niềm vui, nhưng pha chút lo lắng".
"Điều lớn nhất tôi lo là nguy cơ bạo lực từ những người thua cuộc", ông Sterling nói. "Suốt 200 năm qua, người thua cuộc vẫn chấp nhận kết quả và quay lại phục hận 2-4 năm sau. Đó là cách hệ thống vận hành và chúng ta đều chấp nhận. Chúng ta cần giải quyết các vấn đề bầu cử theo cách bình thường đó".
Như Tâm (Theo Al Jazeera, CBS News)