Ông Dino Strkljevic hiện là Giám đốc khách hàng, nhóm Điện toán khách hàng (CCG) của Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản. Nhận định về thị trường game năm 2023, ông cho rằng những tháng đầu năm bức tranh khá hứng khởi nhờ các sự kiện game được tái tổ chức và giải đấu thể thao điện tử (eSports) rục rịch khởi động. Tuy vẫn có những trở lực nhất định, triển vọng của ngành vẫn giữ nguyên khi xét về dài hạn nhờ cộng đồng mạnh mẽ với 3 tỷ người chơi toàn cầu.
Việt Nam có tỷ lệ game thủ đông đảo với khoảng 28,2 triệu người chơi. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp này đã trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo về công nghệ. Đại diện Intel dự đoán, trong thập kỷ tới ngành game sẽ thay đổi diện mạo - tác động bởi những xu hướng dưới đây.
Thể thao điện tử tiếp tục hưng thịnh
Hiếm có lĩnh vực game nào giữ được đà tăng trưởng nhanh và ổn định như eSports trong 10 năm qua. Theo dự báo, thể thao điện tử sẽ cán mốc 577 triệu game thủ và khán giả theo dõi thường xuyên vào năm 2024.
Năm 2022, toàn thế giới có 532 triệu người theo dõi các trận đấu eSports- số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Statista. Để so sánh, trận mở màn World Cup 2022 thu hút hơn 550 triệu lượt xem toàn cầu, theo FIFA công bố.
Tại Việt Nam, thể thao điện tử có những cú chuyển mình ấn tượng trong những năm gần đây. Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021 phát hành bởi Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) thống kê, lượng game thủ eSports trong nước đã vượt ngưỡng 18 triệu. Ở một số giải đấu lớn như AWC 2020 (Arena of Valor World Cup), lượt xem đạt mốc 109 triệu lượt, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 2022 cũng được xem là năm đại thành công của eSports Việt Nam, khi có 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại SEA Games 31. Dưới sự dẫn dắt của VIRESA, đoàn thể thao điện tử Việt Nam sẽ tranh tài bảy bộ môn tại SEA Games 32 (diễn ra vào ngày 5-16/5 tại Campuchia).
Sự phát triển của eSports hưởng lợi rõ rệt từ công nghệ streaming ngày càng tối ưu - vốn duy trì mức tăng trưởng hơn 13% trong năm 2022, theo báo cáo của Newzoo. Các hãng điện tử toàn cầu cũng không ngừng cạnh tranh phần cứng lẫn phần mềm nhằm nâng cấp trải nghiệm chơi game hay phát sóng trực tuyến.
ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) cho biết, với một streamer, khi chọn thiết bị sẽ ưu tiên màu sắc trên màn hình, tốc độ làm mới cao (từ 144 Hz)... Trên PC, cấu hình luôn là tiêu chuẩn hàng đầu nhằm đáp ứng các tác vụ khi phát sóng như: chuyển từ game sang trình duyệt, chỉnh sửa, đồ họa...
Còn theo ông Dino Strkljevic, hiệu năng mạnh mẽ và liên tục được cải tiến của phần cứng khiến cho rào cản về cấu hình gần như không tồn tại trong eSport. Ngành công nghiệp này đang tiến tới mô hình GaaS (game như một dịch vụ). Trong quá khứ, các trò chơi luôn được đóng gói và bán sau khi đã được phát triển hoàn chỉnh - như việc bạn mua băng Atari vào những năm 80. Nếu có bất kỳ bản cập nhật nào mới, game thủ sẽ phải đến cửa hàng và mua một cuộn băng mới.
Mô hình GaaS đã thay đổi mọi thứ với những bản cập nhật, sửa lỗi, tinh chỉnh, và nội dung mới. Tất cả sẽ được phát triển và gửi đến game thủ liên tục để đảm bảo trò chơi luôn ổn định, mới lạ và hấp dẫn. Liên Minh Huyền Thoại là một minh chứng điển hình. Sự thành công của trò chơi này đã thuyết phục các nhà phát hành và những tựa game khác "nối gót", như Ubisoft cũng đang chuyển mình sang dịch vụ GaaS thông qua nền tảng Uplay.
Thể thao điện tử sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều hơn thông qua mô hình này, qua đó thay đổi trải nghiệm của người chơi lẫn và tuyển thủ. Ngoài ra, các giải đấu cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy toàn ngành phát triển.
Đồ họa chất lượng cao trên mọi thiết bị
Ông Phạm Văn Thành - Giám đốc VTC Game đánh giá, đồ họa đẹp và âm thanh chuẩn xác là một trong ba yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thành công của mọi tựa game. Hai yếu tố còn lại gồm gameplay, cộng đồng. Vì vậy các studio không ngừng chú trọng quá trình xây dụng ý tưởng, nhân vật, bối cảnh...
Trước đây, Ray Tracing (dò tia - tức công nghệ dựng hình ảnh dựa theo các tia sáng có sẵn trong game, theo thời gian thực) được xem như trải nghiệm "thượng lưu" mà ít có cấu hình máy nào có thể đáp ứng. Ngày nay, công nghệ này đã trở nên phổ biến và dần được tiếp cận rộng rãi. Đội ngũ phát triển game cũng mạnh tay hơn trong việc nâng cấp chất lượng đồ họa mà không phải lo lắng đến hạn chế của thiết bị đầu cuối. Đó chính là lý do bản game đến với người dùng có hình ảnh mượt mà, trau chuốt, gần với không gian thực hơn.
Ngoài Ray Traycing, một xu hướng khác được chú ý là AI Upscaling - dùng trí tuệ nhân tạo để tối ưu chất lượng hình ảnh bằng chuỗi thuật toán. Nhờ đó, game thủ có trải nghiệm hình ảnh đỉnh cao từ game nhưng không cần nhất thiết phải sở hữu cấu hình máy "khủng". Intel cũng đang trong cuộc chạy đua này bằng công nghệ XeSS trên loạt sản phẩm ARC - một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng AI nhằm nâng cấp đồ họa cho các tựa game.
AR và VR không còn xa lạ
AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo) tạo nên cơn sốt trong làng game nhưng vẫn bị nhiều người hoài nghi khi chứng kiến làn sóng thoái trào, chậm chạp phát hành thế hệ mới. Nhưng khi nhìn vào diễn tiến thị trường công nghệ, theo nghiên cứu của Insider Intelligence, 35% người dùng Internet của Mỹ sẽ sử dụng AR vào năm 2025.
Tương tự, thị trường VR cũng duy trì sự tăng trưởng đáng kể khi các thiết bị VR dần được quan tâm và phổ biến hơn với người dùng đại chúng. Các thiết bị VR mang lại trải nhiệm hình ảnh sắc nét, khả năng vận hành trơn tru, vẻ ngoài mỏng nhẹ phù hợp nhiều mục đích sử dụng. Định hướng này cũng yêu cầu kết cấu vi xử lý nhỏ gọn, mạnh mẽ và đa tác vụ hơn.
Giám đốc VTC Game cũng nhận định AR và VR sẽ sớm bùng nổ khi mang đến chiều không gian mới mẻ, cơ hội trải nghiệm thế giới thực tế ảo đày hấp dẫn. Trong tương lai, công nghệ này sẽ có khả năng cung cấp những trải nghiệm hình ảnh thực tế hơn nữa mà không cần đến màn hình video.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Thành đặt niềm tin vào sự phát triển của Cloud Gaming. Ông nói, lịch sử phát triển game của thế giới thường gắn liền với sự phát triển của công nghệ. Các máy chơi game thùng đầu tiên được phát triển vào những năm 1970; sử dụng các vi mạch điện tử để tạo ra âm thanh và hình ảnh. Sau đó, Nintendo, Sega phát triển các máy chơi game gia đình trong năm 1990 với những trò chơi độc đáo và phong phú. Khi Internet bùng nổ vào những năm 2000 thì game trên PC phát triển. Trong 10 năm qua, khi smartphone và công nghệ viễn thông 3G, 4G phổ biến dẫn đến game trên mobile thịnh hành.
"Trong thời gian tới, đứng trước xu thế chuyển đổi số, Cloud, 5G sẽ giúp cho người chơi có thể trải nghiệm game đa nền tảng", ông Thành phân tích.
Mở rộng khả năng tiếp cận đến nhóm yếu thế
Ông Dino Strkljevic đưa ra con số, hiện có đến 20% cộng đồng game thủ toàn cầu là những người có điều kiện sức khỏe đặc biệt. 94% trong số họ đều cảm thấy rằng chơi game mang đến những "lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất".
Vì vậy, khái niệm Accessibility (khả năng hỗ trợ, tiếp cận của game với những người chơi có điều kiện sức khỏe đặc biệt) được nhiều nhà làm game quan tâm trong những năm gần đây. Nhờ sự quan tâm này, những game thủ có trở ngại về thị giác, chứng rối loạn màu sắc, khiếm thính... có thể tiếp cận và trải nghiệm trò chơi trực tuyến thuận lợi.
Yếu tố cốt lõi nằm ở việc đưa mục tiêu này vào bản thiết kế nhằm tối ưu hóa trong quá trình phát triển một tựa game. Lấy ví dụ, các kỹ sư đã tích hợp nhiều giải pháp cá nhân hóa như thiết lập nút và chuyển giọng nói thành văn bản (speech-to-text).
Minh Tú
Ngày hội Game Việt Nam -Vietnam GameVerse 2023, do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 4, ngày hội tổ chức nhiều hoạt động như: Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop và Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt.
Sự kiện Vietnam GameVerse 2023 sẽ được tổ chức ngày 1-2/4 tại TP HCM.
Đăng ký tham gia tại đây