Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nói tại tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo với khoa học xã hội nhân văn, xu hướng và cách tiếp cận", tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, chiều 16/6. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, viện trường, chuyên gia AI.
Đề cập vai trò của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Thứ trưởng Duy cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, pháp lý liên quan đến AI nên đây là hội thảo nhận được mong chờ từ các cơ quan quản lý, nhà khoa học.
Ông đặt ra bốn nhóm vấn đề thảo luận, trong đó có việc tích hợp các kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội vào phát triển và xây dựng các hệ thống AI của ngành tâm lý học như cảm xúc, tính cách, ngôn ngữ... bao gồm có ảnh, video, tác phẩm nghệ thuật.
Ở nhóm vấn đề xây dựng quy chuẩn đạo đức, pháp lý trong nghiên cứu và ứng dụng AI trong đời sống xã hội, ông cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đối tác nước ngoài có các hợp phần xây dựng, phát triển sử dụng AI một cách "có trách nhiệm".
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mong muốn có các nghiên cứu đánh giá tác động của xã hội khi triển khai ứng dụng AI trong cuộc sống. Nghiên cứu giá các tác động và đề ra các giải pháp với xã hội, gia đình, giáo dục... trong việc triển khai ứng dụng AI.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đặt ra một số vấn đề trong nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam như chuẩn mực về đạo đức, pháp luật trong các nghiên cứu mới về AI. Ông mong muốn nhà khoa học nghiên cứu các chính sách tác động của AI nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong quá trình phát triển.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thảo luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận dạng chữ nôm, công nghệ thực tế ảo phục vụ tham quan bảo tàng, phục chế ảnh bằng AI, tác động AI đến truyền thông - nghệ thuật - văn hóa đại chúng...
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, từ thực tế cũng như các ý kiến nêu tại hội thảo đã chỉ ra sự ảnh hưởng của AI đến xã hội, con người và hoạt động nghiên cứu khoa học, cả mặt tích cực và tiêu cực. Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc xậy dựng hành lang pháp lý cho nghiên cứu, ứng dụng AI vào đời sống.
Bộ trưởng đề nghị các vụ chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến AI trong lĩnh vực xã hội nhân văn, nhất là trong các chương trình cấp quốc gia. Trong đó, lưu ý các nghiên cứu về khía cạnh pháp lý, đạo đức, tác động của AI.
Hà An