"14 phòng, mỗi phòng 12 người, phải dùng chung một nhà vệ sinh. Nếu một người nhiễm nCoV, tất cả chúng tôi có thể bị lây nhiễm. Dù nhà vệ sinh này được dọn dẹp hai lần một ngày, tôi vẫn thấy không yên tâm", anh nói.
Người này cho hay anh tin rằng những lao động nhập cư khác ở đây cũng không được hướng dẫn đầy đủ về cách phòng tránh nCoV. "Chúng tôi cần được tư vấn và hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm. Tôi nghĩ điều này rất hữu ích", anh chia sẻ.
Lao động nhập cư chiếm 1/6 trong 5,7 triệu dân của Singapore. Người công nhân ở S11 chỉ là một trong khoảng 200.000 lao động nhập cư nghèo phải sống chen chúc trong các khu ký túc xá ở Singapore với khoảng 12-20 người mỗi phòng, theo ước tính của các tổ chức phi chính phủ.
Điều kiện sống nghèo nàn, chật chội biến các khu ký túc xá của lao động nhập cư ở Singapore thành những "quả bom Covid-19" tiềm ẩn, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, khi họ không đủ không gian để đảm bảo cách biệt cộng đồng.
"Khái niệm cách biệt cộng đồng trong phòng ký túc xá công nhân là điều thật nực cười. Tất cả biện pháp giãn cách cộng đồng họ duy trì bên ngoài sẽ không tạo ra nhiều khác biệt", tổ chức phi chính phủ Transient Workers Count Too (TWC2) viết trên website của họ.
Không chỉ ở chung phòng ký túc chật chội, những lao động nhập cư nghèo này cũng phải chia sẻ phòng ăn và khu vệ sinh với hàng chục người khác, theo Luke Tan, người phụ trách các vấn đề xã hội của Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư ở Singapore.
Truyền thông địa phương cũng từng nhấn mạnh về điều kiện sống tồi tàn trong các ký túc xá công nhân, như khu bếp ăn đầy gián hoặc bị tràn nước từ nhà vệ sinh. Một số công nhân từng nói với tờ The Straits Times rằng nhà vệ sinh ở nơi họ ở không được cọ rửa và rác không được dọn thường xuyên.
"Những yếu tố này là điều kiện hoàn hảo cho một đợt bùng phát dịch nhanh và rộng", Tan nhận định.
Singapore, quốc gia từng được coi là "hình mẫu" chống Covid-19 ở châu Á, đang phải chật vật đối phó với đợt bùng phát dịch thứ hai, chủ yếu do những ca nhiễm "ngoại nhập". Từ 102 ca nhiễm được ghi nhận ngày 29/2, số người dương tính với nCoV ở nước này đã tăng gấp 10 lần trong tháng 3.
Singapore đến nay phát hiện gần 1.400 ca nhiễm, trong đó hơn 150 trường hợp liên quan tới 7 khu ký túc xá công nhân và gần 30 trường hợp khác liên quan tới các công trường xây dựng. Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, Singapore ghi nhận 5 ca nhiễm ở một địa điểm làm việc tại Seletar Aerospace, làm dấy lên nỗi sợ hãi về Covid-19 trong cộng đồng lao động nhập cư.
"Tất cả chúng tôi đều vô cùng lo sợ. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng tôi", Kalyanadurai, công nhân ở khu ký túc xá S11, chia sẻ.
Hôm 5/4, giới chức Singapore yêu cầu cách ly hai khu ký túc xá S11 và Westlite ở Toh Guan, yêu cầu người lao động không ra ngoài trong hai tuần, nhưng họ vẫn được trả lương và cung cấp đủ ba bữa ăn mỗi ngày. Khu S11 có 13.000 công nhân, trong khi Westlite có khoảng 6.800 người.
Tuy nhiên, nhiều người cảnh báo nguy cơ từ kế hoạch này. "Họ phải ở trong những ký túc xá chật như nêm với 12 người mỗi phòng. Những khu nhà ở này cũng không sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh. Chúng giống những quả bom hẹn giờ, một số đã bắt đầu phát nổ với nhiều công nhân nhiễm nCoV", Tommy Koh, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore, cho hay.
Trong khi đó, John Gee, thành viên của TWC2, cho biết người lao động nhập cư muốn bảo vệ bản thân, nhưng thấy hoang mang khi nhận được những hướng dẫn về cách biệt cộng đồng của chính quyền Singapore. "Cách biệt cộng đồng là hợp lý, nhưng điều kiện sống của họ rất khó để có thể thực hiện được", Gee nói.
Nhiều công nhân nhập cư cho biết họ không chỉ lo ngại về điều kiện sống không đảm bảo mà còn lo lắng tới khả năng bị cắt lương hoặc bị sa thải.
Aayu, công nhân 35 tuổi sống trong khu ký túc xá Westlite ở Toh Guan, cho biết anh và mọi người ở đây được cung cấp bữa ăn miễn phí, wifi và được cập nhật tin tức về Covid-19 thường xuyên. Tuy nhiên, anh lo rằng khoản lương hàng tháng 2.200 đôla Singapore (hơn 1.500 USD) sẽ bị cắt giảm.
"Mọi người đều lo lắng, nhưng chúng tôi luôn cố chia sẻ những điều tốt đẹp cho gia đình để họ bớt lo lắng. Nếu lương của tôi bị cắt khoảng 10%, nó đồng nghĩa tôi phải cắt giảm bữa ăn của mình trong những tháng tới. Tôi cũng phải điều chỉnh kế hoạch tài chính của gia đình", Aayu chia sẻ.
Aayu nói thêm rằng anh đã nhận được email từ Bộ Nhân lực Singapore thông báo về việc sẽ thảo luận cùng các công ty để đưa ra quyết định cuối cùng về lương cho công nhân. "Chúng tôi phải đợi tới cuối tháng mới có thể biết lương của mình sẽ như thế nào", anh cho biết.
Dipa Swaminathan, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Raining Raincoats, cho rằng bất kỳ sự cắt giảm thu nhập nào cũng sẽ tác động lớn tới người lao động nhập cư và gia đình họ.
"Thậm chí ngay cả trong thời điểm thuận lợi nhất, công nhân nhập cư vẫn có rất nhiều mối lo về tài chính. Do đó, khi rơi vào lúc khó khăn nhất, họ sẽ không có phương án thay thế. Họ đang đứng bên bờ vực và chúng tôi không muốn đẩy họ qua ranh giới đó", Swaminathan nói.
Bộ trưởng Nhân lực Josephine Teo thừa nhận cải thiện điều kiện sống tại các khu ký túc xá của công nhân là rất quan trọng, nhưng chỉ ra rằng điều này sẽ làm gia tăng chi phí của chủ doanh nghiệp.
"Tôi hy vọng Covid-19 có thể cho những người sử dụng lao động và dư luận thấy rằng cải thiện điều kiện sống tại các khu ký túc xá công nhân không chỉ là điều đúng đắn, mà đó còn là vì lợi ích của chính chúng ta. Chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn để có tiêu chuẩn tốt hơn", bà nói.
Trong khi đó, nhiều nhóm hoạt động xã hội đang tăng cường giúp đỡ lao động nhập cư, cung cấp các nhu yếu phẩm và hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp cách biệt cộng đồng, như khuyến nghị công nhân tránh tiếp xúc với những người không sống cùng tầng.
Luke Tan cho biết anh hy vọng Covid-19 có thể thúc đẩy giới chức thành phố giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan tới nhà ở của người lao động.
"Singapore được hưởng lợi rất nhiều từ những thành quả mà người lao động nhập cư mang lại, trong khi chi phí bỏ ra rất thấp. Chúng tôi nợ họ và gia đình họ, nên cần làm mọi điều có thể để bảo vệ họ", Tan nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)