Tròn một tháng sau khi hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (từ 1/3), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với VnExpress về định hướng phát triển ngành dựa trên ba trụ cột của Nghị quyết 57: Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 1/3. Ảnh: Lưu Quý
- Trong Nghị quyết 57, lần đầu tiên bộ ba khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào một chính sách chung và trở thành động lực phát triển trụ cột của đất nước trong kỷ nguyên mới. Việc hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh này, thưa Bộ trưởng?
- Các nước trên thế giới đã nói nhiều về phát triển dựa trên khoa học công nghệ. Tuy nhiên, không nhiều quốc gia nhấn mạnh khoa học công nghệ đi với đổi mới sáng tạo, càng ít nước tuyên bố kết nối và phát triển đất nước dựa trên bộ ba này. Thế giới có chưa tới 5% quốc gia kết nối ba lĩnh vực khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số với nhau và đưa về một bộ chuyên ngành để quản lý.
Việt Nam là nhóm đi đầu trong đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo, và ngược lại. Đã đến lúc, chúng ta phải tiên phong về quan điểm phát triển phù hợp với văn hóa Việt Nam, đúng xu thế thời đại và đại chúng hóa được tư tưởng của mình.
Chúng ta đã nói về phát triển khoa học công nghệ trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng chưa đặt trong đúng ngữ cảnh của thời đại để biết cách làm, tận dụng lợi thế Việt Nam.
Ngữ cảnh phát triển khoa học công nghệ lúc này là chuyển đổi số, tức là phải đặt sự phát triển khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số, môi trường số. Chuyển đổi số là môi trường, là mảnh đất tốt để phát triển nhanh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số giữ vai trò chủ đạo: 50% công nghệ 4.0 là công nghệ số, 50% còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Trong đổi mới sáng tạo, đến 80% là đổi mới sáng tạo số. Ví dụ, 82% kỳ lân công nghệ là kỳ lân công nghệ số. Khoa học công nghệ thời 4.0 phải đi với đổi mới sáng tạo để có thể ứng dụng vào cuộc sống, phát huy hết năng lực và tạo ra các giá trị thực tế cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về văn hóa, đổi mới sáng tạo rất phù hợp với năng lực vận dụng của người Việt Nam. Nói đến sự ứng dụng có sáng tạo, không dân tộc nào bằng Việt Nam. Cùng với đó, công nghệ số cũng rất phù hợp với con người và tiềm năng Việt Nam, chúng ta có thể đi nhanh hơn người khác. Từ lợi thế này, chúng ta phải đẩy nhanh chuyển đổi số để tạo môi trường phát triển khoa học công nghệ và ngược lại.
- Xin Bộ trưởng giải thích rõ hơn về mối quan hệ giữa bộ ba khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số trong ngữ cảnh này?
- Khoa học công nghệ và chuyển đổi số được nối với nhau bằng đổi mới sáng tạo, giống như nối "ông trên trời" và "ông dưới đất". Khoa học công nghệ là quá trình tìm tòi, khám phá ra những tri thức, quy luật sẵn trong thiên nhiên, vũ trụ - mà tôi gọi nôm na là "lấy tri thức từ trời", bởi chỉ có thể nghiên cứu để phát hiện, chứ không sáng tạo ra được. Đổi mới sáng tạo là sử dụng tri thức đó để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, điều chỉ con người làm được. Chuyển đổi số là số hóa thế giới thực để tạo thành một không gian mới - không gian số, đây là mảnh đất cho đổi mới sáng tạo.
Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá, đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nếu nó đi cùng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Sự kết hợp đặc biệt của bộ ba này giống như Thiên - Địa - Nhân, tạo ra sự cộng hưởng để phát triển bứt phá.
Trong năm nay, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 sẽ được sửa đổi để trở thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đặt ngang hàng với khoa học công nghệ. Việc nhấn mạnh đổi mới sáng tạo đồng nghĩa làm nổi bật khía cạnh ứng dụng của khoa học công nghệ. Đây là thay đổi quan trọng.
Khoa học tạo ra tri thức mới, từ đó công nghệ được phát triển. Đổi mới sáng tạo là ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới. Chỉ đến lúc này, khoa học công nghệ mới thực sự tạo ra giá trị thực tiễn, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhờ đổi mới sáng tạo, một công nghệ nền tảng có thể sinh ra hàng ngàn ứng dụng cho các lĩnh vực, doanh nghiệp khác nhau mà nhà phát triển công nghệ cũng không hình dung hết. Đây là đặc điểm rất quan trọng của các công nghệ thời 4.0, bởi trước đây một công nghệ thường chỉ có một sản phẩm.
Chúng ta phải hiểu đúng về đổi mới sáng tạo. Đổi mới có thể chỉ đơn giản là mua một cái mới về dùng. Còn đổi mới sáng tạo là mang cái mới về dùng, nhưng có sáng tạo dựa trên thực tiễn của mình để tạo ra sản phẩm mà ngay cả người bán cái mới đó cho mình cũng không biết. Chưa kể, nhiều công nghệ mang về mà không phát triển thêm là không dùng được. Đổi mới sáng tạo có thể tạo ra giá trị có khi còn lớn hơn bản thân khoa học công nghệ, làm kinh ngạc chính người phát triển ra nó.
Việt Nam muốn phát triển đột phá phải đại chúng hóa, và đổi mới sáng tạo là khía cạnh có thể đại chúng hóa được. Khoa học công nghệ dành cho nhóm nhỏ. Nhưng đổi mới sáng tạo là dành cho tất cả - mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, mọi người. Như Bác Hồ đã dạy, việc gì kết hợp được cả ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng, nhất định sẽ thành công.

Các chuyên gia đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
- Lâu nay, góc độ nào đó có thể hiểu khoa học công nghệ còn xa rời thực tiễn. Vậy làm thế nào để kéo gần khoảng cách giữa khoa học với đời sống người dân?
- Truyền thống của khoa học công nghệ là đi từ nghiên cứu khoa học, đến phát triển công nghệ, từ đó đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số. Nay phải đảo chiều, làm ngược lại để đi từ nhu cầu thực tế cuộc sống. Tức là, chuyển đổi số tạo ra môi trường, mảnh đất tốt cho đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo tạo ra nhu cầu về phát triển công nghệ. Đây trở thành bài toán cho nghiên cứu khoa học.
Tức là, thay vì đi theo cách thức cũ, chúng ta cần thay đổi phương pháp, giảm tỷ lệ các nghiên cứu xuất phát từ mong muốn của nhà khoa học và tăng số lượng "đặt hàng" từ nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ có thể là 30-70.
Với tư duy đó, mối quan hệ "ba nhà" là Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp cũng phải đảo lại thứ tự thành: Doanh nghiệp - Viện trường - Nhà nước.
Trong đó, doanh nghiệp phát sinh nhu cầu về khoa học công nghệ hoặc đổi mới sáng tạo thì chủ động mang bài toán, vấn đề của mình tìm đến hợp tác với viện trường. Còn Nhà nước hỗ trợ mối quan hệ này.
- Sự kết hợp của bộ ba này sẽ đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội thế nào?
- Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực phát triển thì mức tăng trưởng phải dựa trên bộ ba này. Việt Nam tăng trưởng 10% GDP thì bộ ba này phải đóng góp trên 5%. Trong đó, giai đoạn 2025-2030, đổi mới sáng tạo phải đóng góp 3-3,5%, chuyển đổi số 1,5% và khoa học công nghệ 1%. Hay nói cách khác, tỷ lệ đóng góp trong tăng trưởng kinh tế của đổi mới sáng tạo là 60%, chuyển đổi số là 25%, và khoa học công nghệ là 15%.
Muốn quản lý khoa học công nghệ, việc đầu tiên phải đo lường được đóng góp của mức chi khoa học công nghệ tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không, nhà nước không thể quản lý, thúc đẩy, cũng như không biết được hiệu quả, rất dễ dẫn đến lãng phí. Nhiều quốc gia chi rất nhiều cho khoa học công nghệ những vẫn không thoát được bẫy thu nhập trung bình. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đo lường được đầu ra mới có thể chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra. Khi đó, rất nhiều quy trình trong nghiên cứu khoa học sẽ thay đổi: từ đếm hóa đơn chứng từ sang đếm kết quả nghiên cứu, từ quản lý quá trình sang quản lý mục tiêu, từ không chấp nhận rủi ro của từng dự án nghiên cứu sang đánh giá hiệu quả tổng thể của các dự án nghiên cứu và chấp nhận rủi ro của một dự án nghiên cứu, từ chi " rón rén" sang chi nhiều hơn (từ 1% lên 3% ngân sách, từ 0,5% lên 2-4% GDP), từ kiểm soát chi phí nghiên cứu sang khoán chi, từ trả lại kết quả nghiên cứu cho nhà nước thành cho phép thương mại hóa, từ người nghiên cứu chỉ nhận được tiền công sang hưởng một phần kết quả và giàu lên chính đáng.
Đo lường được kết quả đầu ra của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là chìa khóa mang tính quyết định để chúng ta chuyển đổi cách làm, cách quản lý và tạo ra sự đột phá.
- Bộ sẽ làm gì để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, biến đây trở thành động lực tăng trưởng chính trong ba trụ cột?
- Trong đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ là chủ đạo. Nghĩa là đầu tư mua sắm công nghệ mới, thiết bị công nghệ mới thay thế cái cũ. Ứng dụng công nghệ mới phải đi với cải tiến quy trình để giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Kết hợp công nghệ mới vào mô hình kinh doanh.
Đây là việc dễ làm nhưng hiệu quả cao. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chủ yếu bằng hỗ trợ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Nhà nước cần lập quỹ đổi mới công nghệ. Quỹ này nên chiếm 40% khoản chi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Và cần dùng 5% của quỹ để thành lập các trung tâm hỗ trợ đổi mới công nghệ của các ngành, đồng thời tư vấn, đào tạo, đặc biệt là giúp các doanh nghiệp phát huy hết hiệu quả của công nghệ đã mua, nếu không sẽ lãng phí. Khảo sát giai đoạn 2015-2020 cho thấy, các công nghệ được mua sắm chưa phát huy hết hiệu quả, ít quá trình cải tiến nên GDP bị giảm mất 1,3%.
Đổi mới sáng tạo còn là khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam được định nghĩa là doanh nghiệp mới và phát triển nhanh, mà không chú trọng đến sự phát triển mang tính đột phá, cách mạng, giải quyết cái bài toán lớn của xã hội, đến sự phá hủy các đế chế cũ. Việt Nam phải thay đổi khái niệm này mới sinh ra được các startup lớn, các kỳ lân.
Khởi nghiệp sáng tạo cần quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia làm "mồi", theo cơ cấu nhà nước 30%, xã hội 70% và thuê doanh nghiệp chuyên nghiệp vận hành. Lĩnh vực này sẽ bùng nổ nếu cho phép các doanh nghiệp lớn được sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ để đầu tư startup. Sẽ có hàng trăm quỹ, mỗi quỹ hàng nghìn tỷ. Các doanh nghiệp lớn lựa chọn đầu tư, mở rộng quy mô thành công của startup. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sắp tới sẽ thiết kế nội dung này.
Nếu chúng ta xây dựng được tinh thần đổi mới sáng tạo ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, đến từng người dân thì có thể tạo ra 4% tăng trưởng GDP thay vì chỉ 3%.

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với Khối đổi mới sáng tạo, thuộc Bộ, ngày 24/3. Ảnh: LAD
- Làm sao để chuyển đổi số đóng góp 1-1,5% GDP?
- Chuyển đổi số để tạo ra 1-1,5% GDP không khó. Chỉ cần tăng gấp đôi tốc độ di động đã có thể đóng góp 1% GDP.
Quan trọng là hạ tầng số phải được đặt ngang hàng với hạ tầng giao thông. Nhà nước phải tham gia đầu tư để hạ tầng này vượt trội, đi trước. Thêm vào đó, phát triển kinh tế số, tạo ra giá trị từ dữ liệu, chấp nhận và phát triển tài sản số thì giá trị này còn tăng nữa.
Cuộc cách mạng số tạo ra khá nhiều sự phá hủy mang tính sáng tạo và sự phát triển đột phá. Trong cuộc cách mạng đó, chính sách phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành mà tôi gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech... Cách tiếp cận chính sách truyền thống thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng, gọi là sandbox - cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian, thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng.
Sandbox trong lĩnh vực công nghệ số có ý nghĩa quyết định bởi đây là cơ hội để Việt Nam thử nghiệm và tạo ra các sản phẩm mới sớm hơn, từ đó mới có cơ hội thay đổi thứ hạng trên toàn cầu.
Hiện, Nhà nước vẫn đang loay hoay về cơ chế sandbox. Trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sắp tới, sẽ có định hướng làm một nghị định khung về sandbox. Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra các nguyên tắc về sandbox. Dựa trên nguyên tắc đó, bộ ngành, địa phương ra hướng dẫn riêng để tạo sự nhất quán.
Tôi cho rằng cách thúc đẩy chuyển đổi số nhanh nhất là bằng các quyết định hành chính. Chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ hay đầu tư, vì không tốn kém nếu sử dụng các nền tảng số dùng chung. Nếu ra lệnh 100% địa phương phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến và dừng cung cấp dịch vụ công trực tiếp, chỉ 1-2 năm là hoàn thành. Nhưng do không có quyết định mạnh mẽ nên 25 năm nay chúng ta làm mãi chưa xong.
Hay để xây dựng nguồn tài nguyên dữ liệu - nền tảng của chuyển đổi số, Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành và địa phương phải thu thập cơ sở dữ liệu gì, thời hạn, và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan cũng chỉ cần một quyết định hành chính thì 6 đến 12 tháng là xong.
- Còn khoa học công nghệ cần phát triển thế nào để đảm bảo tính hiệu quả?
- Khoa học công nghệ là để mở rộng đường biên công nghệ. Lĩnh vực này chủ yếu là đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).
Chúng ta phải vượt qua giới hạn, tạo ra công nghệ, giải pháp, quy trình, ứng dụng, sản phẩm mới có tính độc đáo, vượt khỏi mức hiện có trong ngành hoặc khu vực, hoặc mức mà Việt Nam mua được. Nó không nhất thiết phải to tát, mà có thể là một giải pháp kỹ thuật độc đáo như tăng năng suất 30% so với tiêu chuẩn ngành. Một sáng chế nhỏ nhưng hữu ích có thể đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa được. Một quy trình sản xuất sạch hơn, rẻ hơn.
Quan trọng là doanh nghiệp không còn đi sau, mà bắt đầu tạo ra khác biệt. Mở rộng đường biên công nghệ để thoát bẫy gia công, phụ thuộc, nâng cao giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, vươn ra thế giới, nâng cao vị thế công nghệ quốc gia.
Về phương pháp, bài toán của khoa học công nghệ phải đến từ thực tế nhiều hơn, giảm "đi từ trên trời xuống dưới đất". Doanh nghiệp khi phát triển công nghệ phát sinh các bài toán về nghiên cứu cơ bản thì đặt hàng các cơ sở nghiên cứu, gọi là nghiên cứu ứng dụng. Nhà nước tài trợ cho các nghiên cứu này.
Toàn bộ nghiên cứu cơ bản phải chuyển về đại học, vì nơi đây tập trung nguồn lực lớn nhất vể nghiên cứu, đó là giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên. Việc phát triển công nghệ dựa vào viện và doanh nghiệp nhiều hơn, trong đó doanh nghiệp là chính. Công nghệ chiến lược giao cho doanh nghiệp lớn, và không phân biệt nhà nước - tư nhân.
Thêm vào đó, Việt Nam muốn phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì đã đến lúc phải đẩy mạnh sở hữu trí tuệ, như vậy mới thu hút được công nghệ mới của nước ngoài vào Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước bắt đầu sáng tạo nhiều cũng cần bảo vệ sở hữu trí tuệ, nếu không tình trạng ăn cắp sẽ tràn lan.

Bên trong Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, tháng 3/2025 Ảnh: Giang Huy
- Vậy chúng ta có công cụ nào để thực hiện những mục tiêu trên?
- Tiêu chuẩn là nền tảng kỹ thuật cho các hoạt động kinh tế - xã hội, là công cụ quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thế nhưng lâu nay, chúng ta bỏ quên công cụ này. Tiêu chuẩn đóng vai trò nền tảng và dẫn dắt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia. Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì dùng tiêu chuẩn để dẫn dắt quốc gia theo hướng đó.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về cơ hội phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay?
- Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức rất lớn, đang làm những việc rất khó, một số chưa từng có tại Việt Nam hoặc trên thế giới. Đó là tăng trưởng hai con số khi GDP bình quân đầu người đã 5.000 USD, thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển thu nhập cao, tăng trưởng chất lượng cao, tinh gọn bộ máy (nhập bộ, nhập tỉnh, nhập xã và bỏ huyện), hai đầu tàu kinh tế quá tải...
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vốn là việc khó, rất ít nước làm được. Mọi người chỉ làm và có thể làm được khi bị bắt buộc phải làm, khi không có lựa chọn nào khác. Việt Nam đang đối mặt tình cảnh đó, và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là lựa chọn duy nhất. Mặt khác, chính những khó khăn Việt Nam đang đối mặt lại là bài toán cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ.
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Việt Nam cần tập trung ưu tiên giải quyết bài toán cấp bách này, đầu tư có trọng tâm để tạo sự bứt phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi sức mạnh lớn nhất của chúng ta là sức mạnh của chế độ. Việt Nam có một Đảng lãnh đạo, với uy tín lớn có thể ra những quyết định đột phá, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một sự nghiệp đúng, phù hợp với văn hóa, bối cảnh và khát vọng Việt Nam, và xu thế thế giới. Quyết định lớn mà đúng, hiệu triệu, huy động được toàn dân, việc gì cũng thành. Con đường đã có, bây giờ chỉ cần biết cách làm và quyết tâm làm.
Quang Minh