Sáng nay, Thường trực Chính phủ họp với các doanh nghiệp lớn để bàn giải pháp phát triển kinh tế xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia hội nghị gồm các Tập đoàn: Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sungroup, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, REE.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, một số doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Song, Bộ trưởng nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp chưa phát huy hết tiềm lực, vai trò dẫn dắt như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực mới, tạo động lực như năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen còn thấp. Các dự án quy mô chưa đủ lớn để bứt phá, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng đó, đội ngũ doanh nhân còn non trẻ so với khu vực và trên thế giới, quy mô doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa, tỷ lệ tham gia vào sản xuất chế biến còn hạn chế. Các doanh nghiệp lớn tương đối độc lập, tính dẫn dắt chưa rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng còn thấp.
Việt Nam hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là nhỏ và vừa. Ngoài ra, còn khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Bộ trưởng nói khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hiện nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn nhất. Các doanh nghiệp lớn đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia.
"Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn với Samsung, Huyndai hay SK. Khi nhắc đến Honda, Toyota, chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản", ông dẫn chứng.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn tham gia hội nghị hôm nay ước tới 70 tỷ USD, tính tới cuối 2023. Theo Bộ trưởng, việc huy động được khối tài sản này cùng công nghệ, kiến thức, trình độ, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này sẽ bổ sung nguồn lực lớn, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp lớn "chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới". "Các doanh nghiệp cần giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở lĩnh vực khác", ông nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cần cùng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới, chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, cách mạng 4.0, chuyển giao công nghệ, tham gia các dự án lớn của đất nước.
"Chính phủ mong muốn doanh nghiệp tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phương Dung