"Cách đáp trả với những lệnh bắt giữ là mở rộng chủ quyền sang toàn bộ Judea và Samaria, xây các khu định cư trên khắp đất nước", Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir tuyên bố hôm 21/11.
"Judea và Samaria" là thuật ngữ của Israel nhằm mô tả toàn bộ Bờ Tây, nơi sinh sống của hàng triệu người Palestine và được coi là lãnh thổ của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Ông Ben-Gvir đưa ra phát biểu sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại Hà Lan phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì "các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh" gây ra ở Dải Gaza.
Bộ trưởng Israel nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng Netanyahu cùng chiến dịch của Tel Aviv ở Dải Gaza, chỉ trích ICC "có tâm lý bài Do Thái" và "điên khùng có hệ thống".
Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, phụ trách quản lý các khu định cư Israel ở Bờ Tây, hồi tuần trước cũng đề cập khả năng sáp nhập Bờ Tây và cho rằng điều này có thể thực hiện vào năm 2025, trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Netanyahu cùng ngày bác bỏ lệnh bắt của ICC, ví quyết định của tòa "như phiên xét xử Dreyfus thời hiện đại", nhắc đến vụ đại úy quân đội Pháp gốc Do Thái Alfred Dreyfus bị kết án oan về tội phản quốc hồi thế kỷ 19. "Không quyết định bài Israel nào có thể ngăn cản chúng tôi tiếp tục bảo vệ đất nước bằng mọi cách. Chúng tôi sẽ không khuất phục trước áp lực", ông nói.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Gallant cho rằng lệnh bắt của ICC đã tạo tiền lệ nguy hiểm. Tổng thống Israel Isaac Herzog và Ngoại trưởng Gideon Saar cũng chỉ trích ICC vì động thái trên.
ICC được thành lập năm 2002 và trụ sở tại Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Israel không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, do đó không công nhận thẩm quyền của tòa. Mỹ, đồng minh của Israel, và Nga từng tham gia ICC nhưng sau đó đã rút lui.
Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ông Netanyahu, ông Gallant và Deif tới lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Mỹ ngày 21/11 bác bỏ thẩm quyền của ICC khi phát lệnh truy nã ông Netanyahu. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói lệnh bắt của ICC "không mang động cơ chính trị" và toàn bộ thành viên khối, vốn đều tham gia Quy chế Rome, cần tôn trọng và thực thi.
Như Tâm (Theo AFP, TASS)