Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich lên tiếng sau khi hai nghị sĩ là Danny Danon, cựu đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc và Ram Ben-Barak, cựu phó giám đốc cơ quan tình báo Mossad, ngày 13/11 đăng bài xã luận về giải pháp di dời một bộ phận người dân Gaza tới những quốc gia chấp nhận họ.
Trong bài xã luận, ông Danon và Ben-Barak cho hay châu Âu từ lâu đã hỗ trợ người tị nạn chạy trốn xung đột và dựa theo tấm gương này, "các quốc gia trên thế giới nên cung cấp nơi trú ẩn cho người Gaza muốn tái định cư".
"Các nước có thể thực hiện công việc này bằng cách đưa ra những chương trình tái định cư được quy hoạch kỹ lưỡng và có sự phối hợp quốc tế", bài viết có đoạn.
"Tôi hoan nghênh sáng kiến của các thành viên quốc hội Israel là Ram Ben-Barak và Danny Danon về đề xuất người Gaza gốc Arab tự nguyện di cư tới những nước khác. Đây là giải pháp nhân đạo phù hợp cho người dân Gaza và toàn bộ khu vực", Smotrich viết trên Facebook ngày 14/11.
Smotrich đánh giá vùng đất nhỏ như Dải Gaza, nơi không có tài nguyên thiên nhiên và nguồn sinh kế độc lập, sẽ không có cơ hội tồn tại độc lập về kinh tế, chính trị khi người dân sinh sống với mật độ dày đặc như hiện nay trong thời gian dài. "Nhà nước Israel sẽ không thể chấp nhận sự tồn tại của một thực thể độc lập ở Gaza nữa", ông nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Palestine chỉ trích bài đăng của ông Smotrich nằm trong "kế hoạch phân biệt chủng tộc, thực dân của Israel" đối với người Palestine. Cơ quan này nhấn mạnh giải pháp duy nhất bây giờ là cộng đồng quốc tế can thiệp để chấm dứt việc Israel chiếm đóng.
Mustafa Barghouti, tổng thư ký Sáng kiến Quốc gia Palestine, cho rằng ông Smotrich đã "bộc lộ chính sách và ý định thực sự của chính phủ Israel".
"Chính ông Netanyahu đã nói rằng tất cả người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa khi Israel bắt đầu cuộc chiến ở Gaza. Thanh lọc sắc tộc là tội ác chiến tranh, được thực hiện bằng cách dội bom vào dân thường tay không tấc sắt", Barghouti nói.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 14/11 tuyên bố Ai Cập từ chối mọi nỗ lực biện minh hay khuyến khích di dời người Palestine ra ngoài Dải Gaza, đồng thời chỉ trích bài đăng của ông Smotrich là "biểu hiện cho chính sách vi phạm luật pháp quốc tế của chính phủ Israel".
Đa số người Palestine phải rời khỏi quê hương năm 1948 trong thời kỳ thành lập nhà nước Israel, sự kiện mà họ gọi là "thảm họa". Phần lớn người dân Gaza ngày nay là con cháu của những người bị trục xuất trong thời kỳ trên.
Osama Hamdan, phát ngôn viên của lực lượng Hamas, phản đối quan điểm của ông Smotrich và tuyên bố "Chúng tôi sẽ ở lại". Ông chỉ trích Thủ tướng Netanyahu không quan tâm đến việc các con tin người Israel đang thiệt mạng dưới những đòn không kích và nói rằng cuộc chiến này nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi các vụ kiện tụng của cá nhân ông Netanyahu.
Hồng Hạnh (Theo Al Jazeera)