Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc và lan gần 30 nước, vùng lãnh thổ, song đến nay Indonesia vẫn chưa ghi nhận ca bệnh nào.
Bộ trưởng Y tế Terawan lý giải: "Chúng tôi nhờ ơn Thượng đế. Tất cả là nhờ vào cầu nguyện. Việc cầu nguyện đã giúp Covid-19 không lan đến quốc gia chúng tôi"
Ông Terawan là một bác sĩ quân y chuyên về chẩn đoán hình ảnh.
Từ khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, Indonesia đã tăng cường giám sát y tế và hủy các chuyến bay thương mại đến/đi từ đại lục. Tuy nhiên lời giải thích "về tôn giáo" của ông Terawan đang làm tăng sự chú ý của các chuyên gia y tế thế giới bởi e ngại về mức độ phản ứng của quốc gia này trước dịch bệnh.
Trong dịch cúm gia cầm H5N1 cách đây 10 năm, Indonesia có gần 200 người chết, tỷ lệ tử vong 84% khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải can thiệp.
Nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ) do giáo sư Marc Lipsitch đứng đầu, cho rằng Indonesia có thể đã có người nhiễm nCoV, thông qua khảo sát một số thông tin về hồ sơ đi lại của công dân nước này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Terawan bác bỏ thông tin này và chỉ trích nhóm nghiên cứu.
"Hãy bảo Harvard tới Indonesia. Tôi sẽ cho họ nhập cảnh để điều tra. Chẳng có gì bị che giấu cả", ông nói.
Bộ Y tế Indonesia đến nay ghi nhận 62 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, xét nghiệm đều âm tính. 238 người Indonesia rời khỏi Vũ Hán, Trung Quốc, về nước cũng đã trải qua 14 ngày cách ly và không có ai nhiễm bệnh. Cơ quan y tế nước này cũng đang điều tra xem một khách du lịch Trung Quốc dương tính nCoV nhiễm virus khi ở Bali hay lúc đã về lại Trung Quốc.
Lãnh đạo các tôn giáo tại Indonesia tỏ ra thận trọng hơn. Khi nhắc đến dịch bệnh, họ kêu gọi giáo dân không tin vào các tin tức giả về Covid-19. Ahmad Kamal, lãnh đạo một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Tanggerang kêu gọi các tín đồ đừng tin vào tin giả về virus corona, đặc biệt là nguyên nhân và cách chữa trị.
"Một người Hồi giáo cần phải thông minh khi đọc tin tức, phải biết kiểm chứng tin", ông Ahmad Kamal nói.
Lê Cầm (Theo SCMP)