Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài xe cơ giới, xe đạp thồ được coi là phương tiện chủ lực được sử dụng để vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường. Sau khi được cải tiến, mỗi chiếc xe đạp thồ có thể tải 200-300 kg mỗi chuyến, gấp hơn 10 lần so với gánh bộ. Trong ảnh là chiếc xe được dân công Trịnh Ngọc ở Thanh Hóa sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Ngọc được mệnh danh là "nhà vô địch xe đạp thồ xứ Thanh" khi có chuyến tải tới hơn 345 kg gạo. Trong quá trình vận chuyển, ông Ma Văn Thắng ở Thanh Ba, Phú Thọ cùng đồng đội đã nảy sinh sáng kiến buộc thêm đoạn tre nhỏ dài gần một mét, gọi là tay ngai vào ghi đông để dễ dàng điều khiển xe. Những dân công hỏa tuyến khi đó còn gia cố thêm sắt, buộc thêm gỗ quanh khung xe và gác ba ga để tăng thêm độ cứng cáp khi chất các bao tải hàng lên. Một đoạn tre khác được buộc vào trục dọc yên xe, cao hơn khoảng 50 cm, vừa giúp giữ thăng bằng, vừa có thể dùng vai đẩy xe đi thuận tiện hơn. Dân công còn lấy vải, quần áo cũ hoặc săm cũ lót vào bên trong nhằm tăng độ bền của săm lốp. Hai chiếc ghế gỗ ba chân cũng được bổ sung, một chiếc để dựa xe trong lúc nghỉ chân, chiếc còn lại để chèn xe mỗi khi xuống dốc. Phía trước mỗi xe đạp còn được treo nhiều vật dụng cá nhân đựng muối vừng, muối trắng hay mỡ lợn rán... để dân công sử dụng trên đường tải lương ra mặt trận. Các bao tải gạo được đựng trong những chiếc bì gai lớn, chằng buộc vào thân xe bằng những sợi dây thừng. Đoàn xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa trên đường tải lương ra chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu Lê Hoàng