Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết ENSO đang ở trạng thái trung tính khi nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo và trung tâm Thái Bình Dương từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 khoảng âm 0,5 độ C.
Dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong ba tháng 10-12 với xác suất 50-70%. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, tức 4-5 cơn trên Biển Đông và 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết La Nina sẽ tiếp diễn trong ba tháng cuối năm 2024, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm 1,9 cơn, tập trung vào Trung Bộ và phía Nam. "Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông", trung tâm nhận định.
Mưa nhiều hơn
Theo dự báo, tháng 10-11 ở Bắc Bộ tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 10-20%, vùng núi 5-10%. Tháng 12, mưa phổ biến 20-40 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10 mm.
Trung Bộ sẽ là tâm điểm mưa trong hai tháng tới. Dự báo tháng 10-11, mưa cao hơn trung bình nhiều năm 10-30%. Trong đó tháng 12, Quảng Bình, Quảng trị mưa 100-200 mm, cao hơn trung bình 10-15 mm; các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Bình mưa 250-500 mm, cao hơn trung bình 30-60 mm. Khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận mưa 30-80 mm, cao hơn trung bình 15-30 mm.
Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai tháng tới mưa cao hơn 5-20% cùng thời kỳ. Tháng 12, Tây Nguyên mưa 30-50 mm, riêng một số nơi ở nam Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa 50-80 mm, cao hơn trung bình 10-30 cm.
Lũ lớn hơn
Do lượng mưa vượt mức trung bình nên lũ trên cả nước diễn biến phức tạp. Dự báo ba tháng tới, lưu lượng nước trên các sông ở Bắc Bộ sẽ cao hơn trung bình từ 10 đến 20%, đặc biệt các hồ Tuyên Quang trên sông Gâm và Thác Bà trên sông Chảy có khả năng vượt mức bình thường 30-70%.
Từ nay đến tháng 11, các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ; ở Nghệ An, Hà Tĩnh 3-4 đợt lũ. Đỉnh lũ hạ lưu sông Mã lên báo động một, sông Cả, La có thể trên báo động hai. Tháng 12, mực nước trên các sông giảm dần.
Trung Trung Bộ dự kiến hứng chịu 3-5 đợt lũ lớn từ tháng 10 đến 12, tập trung vào tháng 10 và 11. Đỉnh lũ có thể lên báo động ba trên một số sông. Đỉnh lũ năm 2024 có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình.
Nam Trung Bộ tháng 10-12 có khả năng xuất hiện 2-4 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định, Khánh Hòa lên báo động hai, có nơi trên báo động ba. Các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận trên báo động hai. Lượng dòng chảy trên cao sông cao hơn trung bình 20-50%.
Từ cuối tháng 9-12, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long biến đổi chậm với xu thế lên dần, tổng lượng tháng 9 thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10%. Tháng 10-12, tổng lượng về khu vực này tương đương mức trung bình.
Gió mùa đông bắc mạnh vào cuối mùa
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu dự báo gió mùa đông năm nay có sự thay đổi về cường độ. Các tháng đầu mùa (11-12/2024), gió mùa đông sẽ yếu hơn hoặc xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 3/2025, gió mùa đông bắc có thể mạnh lên và vượt mức trung bình. Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong các tháng chính đông từ nửa cuối tháng 12.
Nhiệt độ trung bình tháng 10 trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C. Sang tháng 11-12, nhiệt độ có xu hướng giảm về mức trung bình nhiều năm. Riêng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ trong hai tháng cuối năm có thể thấp hơn trung bình khoảng 0,5 độ C.
Từ đầu năm, Biển Đông có bốn cơn bão, trong đó bão Yagi ảnh hưởng tới toàn bộ miền Bắc gây thiệt hại nặng khiến 299 người chết, 34 người mất tích, hơn 70.000 nhà dân bị ngập. Thiệt hại kinh tế 61.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các cơn bão từ trước tới nay.
Gia Chính
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.