Các nhà khoa học hiện vẫn theo dõi các thay đổi về di truyền của virus, vốn phổ biến và lành tính, để hiểu rõ hơn về cơ chế lây truyền trên thế giới. Họ cho biết quá trình biến đổi không gây tổn thương nhiều hơn đối với cơ thể của bệnh nhân.
nCoV, như tất cả virus họ corona được tạo thành từ RNA có cấu trúc khoa học hơi khác so với DNA. Virus có mã di truyền RNA dễ dàng biến chủng. Khi tạo ra một bản sao của chính mình, virus thường mắc lỗi và thay đổi một phần nhỏ trong bộ gene, giúp nó thích nghi với môi trường mới.
"Đây là quá trình tự nhiên của virus", giáo sư Nathan Grubaugh, chuyên gia dịch tễ và các bệnh về vi khuẩn, Trường Y tế Công cộng Yale cho biết. Song những thay đổi không nguy hiểm đối với người bệnh. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm Covid-19 cũng không phụ thuộc vào điều này. Các nhà khoa học chỉ ra rằng hầu hết biến chủng đều "tĩnh", tức là chúng không khiến đặc tính và hành vi của virus khác đi.
Người bệnh vẫn có các triệu chứng thông thường như sốt, ho và khó thở. Thời gian ủ bệnh vẫn là từ 5 đến 14 ngày như khuyến cáo chính thức. Tỷ lệ tử vong của Covid-19 là khoảng 3,4% theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chưa nghiên cứu nào cho thấy các đột biến của nCoV sẽ ảnh hưởng tới những yếu tố này.
Trong một số trường hợp, đột biến còn có thể làm giảm độc lực, thậm chí vô hiệu quá và tiêu diệt một số loại virus. Điều này là có lợi đối với bệnh nhân cũng như công tác dập dịch. Số khác khiến virus lây nhiễm nhanh hoặc nguy hiểm hơn, theo Neville Sanjana, một nhà di truyền và sinh vật học tại Trung tâm Bộ gene New York.
Hiện các chuyên gia khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy đột biến của nCoV khiến virus thay đổi đặc tính và cách hoạt động.
Những tinh chỉnh nhỏ trong mã di truyền được tích tụ khi virus lây lan, sao chép toàn bộ đột biến trước đó trong quá trình biến đổi. Giới khoa học có thể theo dõi tận gốc những đột biến này ở từng khu vực khác nhau.
Elodie Ghedin, chuyên gia virus và ký sinh học phân tử tại Đại học Y tế Công cộng Quốc tế New York cho biết: "Chỉ từ các dấu hiệu nhỏ, bạn có thể theo dõi con đường virus lây truyền".
Hôm 3/3, các nhà khoa học từ Trường Khoa học Đời sống, Đại học Bắc Kinh và Viện Pasteur của Thượng Hải thông báo, nCoV đã đột biến thành hai chủng. Một loại phổ biến, có trong 70% các mẫu bệnh phẩm được nghiên cứu. Đột biến này của virus có độc lực cao hơn. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đây chỉ là các phát hiện sơ bộ.
Nhiều nhà khoa học nhận định, công trình mới chỉ phân tích 103 bộ gene trong số hơn 100.000 ca dương tính trên toàn cầu. Như vậy, một đột biến nhẹ (vốn là điều thường gặp) không phải bằng chứng vững chắc cho thấy nCoV đã trở nên nguy hiểm hơn.
"Việc tuyên bố virus dễ lan truyền hoặc hung dữ hơn là bước ngoặt lớn. Tôi không thấy mối liên hệ giữa hiện tượng biến chủng và mức độ lây lan hoặc tỷ lệ tử vong", Giáo sư Nathan Grubaugh nhấn mạnh.
Song điều này không ngăn cản các nhà khoa học tìm hiểu về các đột biến của nCoV, lần theo mối liên hệ giữa trường hợp dương tính và chia sẻ mã di truyền trong nhiều mẫu bệnh phẩm khác nhau.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, ngày 9/1, Trung Quốc đã công bố trình tự gene của virus. Từ đó đến nay, giới chuyên gia đã giải mã ít nhất 167 mẫu từ các bệnh nhân toàn cầu.
Hồi đầu tháng này, họ so sánh bộ gene của hai bệnh nhân khác nhau tại hạt Snohomish, quận King, bang Washington. Một người trở về từ Vũ Hán ngày 15/2. Người còn lại được chẩn đoán dương tính vào cuối tháng 2, chưa từng du lịch nước ngoài và không có lịch sử dịch tễ.
Bộ gene của virus trong bệnh phẩm của hai người rất giống nhau, cùng chia sẻ một biến thể di truyền hiếm gặp.
Dù liên kết di truyền của virus cung cấp nhiều thông tin giá trị, các nhà khoa học cần tìm hiểu sâu hơn để xác định kiểu lây lan của căn bệnh, đặc biệt là khi tổng số bộ gene được giải trình vẫn ít hơn trường hợp ghi nhận toàn cầu.
Thục Linh (Theo WSJ)