Phạm Quỳnh Anh, cựu học sinh trường THPT Mỹ Tho, Ý Yên, Nam Định, là một trong hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Với điểm Toán 7,8; Ngữ văn, Tiếng Anh 8,4, Quỳnh Anh còn có điểm tổ hợp D01 là 26,2.
Quỳnh Anh cho biết một tuần trước ngày công bố điểm, em luôn trong tâm trạng háo hức. Hơn 8h sáng 17/7, nữ sinh tra điểm nhưng hốt hoảng khi thấy môn Toán, Tiếng Anh thấp hơn nhiều so với dự kiến.
"Em suy sụp, thắc mắc sao điểm thấp như vậy. Nhìn lại số báo danh, hóa ra em nhập nhầm", Quỳnh Anh kể.
Thấy điểm hiện lên, nữ sinh vỡ òa trong vui sướng, báo tin ngay với bố và ông bà. Quỳnh Anh nói có chút bất ngờ với điểm Văn. Sau khi tra đáp án, em yên tâm với bài làm nhưng không nghĩ được 10 điểm.
Theo Quỳnh Anh, bài Văn của em thuyết phục giám khảo với chất riêng, là cách dẫn dắt, phân chia bài làm bằng bố cục hợp lý. Em cho hay thông thường giáo viên sẽ đưa ra một cấu trúc bài cơ bản, gồm ba phần và ý của mỗi phần. Điểm đặc biệt của mỗi thí sinh nằm ở cách chia luận điểm.
Với bài Nghị luận văn học về bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Quỳnh Anh chia mở bài gồm giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích. Ở thân bài, em đưa ra luận điểm chính, từ đó chia thành luận cứ nhỏ để phân tích các câu thơ. Khi phân tích, Quỳnh Anh lồng ghép cả lý luận văn học.
Trong phần đánh giá, nữ sinh cũng khái quát nội dung, nghệ thuật, sau đó nhận xét và liên hệ đến bản thân. Quỳnh Anh dùng kết mở cho bài viết này.
Tương tự, với bài Nghị luận xã hội, em cập nhật dẫn chứng mới tích lũy từ việc đọc tin tức trên báo chí, sách và xem thời sự để nói lên "ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính".
Theo Quỳnh Anh, em nghiên cứu đáp án đề thi các năm, tìm hiểu cấu trúc với từng thể loại thơ, truyện ngắn, văn xuôi, từ đó tìm ra bố cục cho mình.
Nhờ có chiến thuật làm bài khoa học, hôm thi Văn, em viết được 12 trang nhưng vẫn thừa 5 phút để kiểm tra lại.
"Em làm thăng hoa nên rất ưng ý", nữ sinh kể.
Quỳnh Anh yêu Văn từ năm lớp 6 vì được thầy, cô dạy môn này truyền cảm hứng. Ở lớp, em tập trung nghe giảng, về nhà làm bài tập và đọc các sách bổ trợ để phát triển cách dùng từ, diễn đạt.
Em học kỹ kiến thức cơ bản của từng tác phẩm rồi mới liên hệ, mở rộng. Quỳnh Anh thường luyện đề, viết lại các tác phẩm cho quen tay, đồng thời căn chỉnh thời gian hợp lý.
Nữ sinh nói cũng có lúc nản vì một bài văn dài nhưng khi đọc sâu, em cảm nhận được tình cảm của tác giả gửi gắm trong từng câu chữ và có sự đồng điệu.
Về bí quyết đạt điểm cao, nữ sinh nhìn nhận cần xác định Văn không phải môn học thuộc mà là thể hiện cá tính, chất riêng của mỗi người. Em cũng luôn đặt mục tiêu, lộ trình học cho từng ngày, từng tháng. Trước khi đến lớp, Quỳnh Anh luôn đọc trước tác phẩm, tìm hiểu sâu tác giả để hiểu bối cảnh sáng tác và tâm tư tình cảm của họ.
"Nên chăm chỉ đọc sách, xem nhiều tài liệu tham khảo và tập viết nhiều để vừa quen tay vừa luyện chữ đẹp", Quỳnh Anh đúc rút.
Thầy Hà Văn Hải, Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Tho, tâm đắc với kết quả của học trò. Thầy cho biết năm 2019, trường từng có học sinh đạt điểm 10 môn Văn toàn quốc. Với Quỳnh Anh, thầy không quá ngạc nhiên bởi học trò có bề dày thành tích, từng hai lần thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh và giành giải nhì.
"Quỳnh Anh rất kiên cường. Hồi tháng 3, trước kỳ thi học sinh giỏi, em ấy bị đau ruột thừa phải mổ. Vài ngày sau, theo nguyện vọng của Quỳnh Anh, nhà trường xin phép Bệnh viện đưa em đi thi trên xe cấp cứu, rồi lại về điều trị tiếp", ông kể.
Quỳnh Anh đã trúng tuyển trường Đại học Ngoại thương bằng phương thức kết hợp học bạ và giải nhì học sinh giỏi tỉnh môn Văn. Trước mắt, nữ sinh tập trung ôn luyện cho bài thi tiếng Anh đầu vào của trường, bắt đầu luyện IELTS.
"Em học Văn nên bay bổng và có nhiều mục tiêu. Sau 4 năm, khi đã có đủ kỹ năng, em sẽ quyết định theo công việc gì", Quỳnh Anh nói.
Bình Minh