Ngày 26/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục với phần bào chữa cho các bị cáo cựu cán bộ SCB về cáo buộc giúp "Madam" Lan hợp thức hóa hồ sơ, phương án vay, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho SCB.
Theo cáo buộc, sau khi nhận chỉ đạo trực tiếp từ bà Lan về việc giải ngân tiền cho các khoản vay thuộc Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB, đã chết) chuyển đến các lãnh đạo SCB để triển khai. Phòng tái thẩm định do Nguyễn Huỳnh Lan Chi phụ trách có nhiệm vụ lập tờ trình tái thẩm định, trình lãnh đạo ký duyệt cho vay mà không cần thẩm định.
VKS xác định, từ 2015 đến 2018, Lan Chi với vai trò Trưởng phòng, Phó giám đốc phụ trách Phòng Tái thẩm định SCB, đã ký hợp thức hồ sơ của 83 khoản vay liên quan đến Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, gây thiệt hại cho SCB hơn 18.282 tỷ đồng. Hôm 19/3, VKS đánh giá bị cáo là người làm công ăn lương, không hưởng lợi, tích cực giúp cơ quan điều tra giải quyết vụ án, nhân thân tốt... nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 3 năm tù treo về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bào chữa cho bị cáo Lan Chi, luật sư Nguyễn Tuyết Ngọc cho rằng thời điểm thân chủ thực hiện các hành vi sai phạm là theo chỉ đạo của cấp trên - bà Nguyễn Phương Hồng, người thân tín của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Với những hồ sơ do bà Hồng mang về mà không đủ pháp lý theo quy định, Lan Chi đều lên tiếng phản đối, không đồng ý thực hiện. Những lần như vậy, bị cáo và Phương Hồng đều xảy ra tranh cãi, xung đột gay gắt đến nỗi phải nhờ các lãnh đạo lúc bấy giờ là Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), Chiêm Minh Dũng (Phó tổng giám đốc SCB)... lên tiếng can thiệp, giải quyết.
"Tuy nhiên, ngay cả khi bị cáo Lan Chi từ chối ký tờ trình xét duyệt khoản vay không đủ điều kiện, thì Phương Hồng vẫn có cách chỉ đạo chi nhánh giải ngân", luật sư nói, dẫn chứng hồ sơ Dự án 289 Trần Hưng Đạo, tại thời điểm đó pháp lý không đảm bảo đầy đủ nên Chi từ chối ký tờ trình nhưng Phương Hồng vẫn cho chi nhánh giải ngân, sau này Lan Chi mới biết hồ sơ dự án này được cấp tín dụng 1.880 tỷ đồng và đã giải ngân.
Theo luật sư, trong quá trình làm việc, Lan Chi không cố ý làm trái quy định về xét duyệt hồ sơ vay vốn tại SCB. Các sai phạm xét duyệt hồ sơ vay thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng không xuất phát từ ý chí chủ quan của bị cáo.
Luật sư cũng trình bày thêm, sau khi phản ứng gay gắt với cấp trên nhưng không được chấp nhận, Lan Chi đã cương quyết nghỉ việc. Sau 3 lần xin nghỉ mà không được duyệt vào cuối năm 2017, bị cáo đã chọn cách không ký tờ trình xin xét duyệt các hồ sơ vay trong 6 tháng để gây áp lực cho cấp trên, buộc phải cho mình nghỉ việc.
"Lúc đó lãnh đạo SCB tìm mọi cách để giữ Lan Chi ở lại thông qua việc bổ nhiệm làm lãnh đạo khối với mức lương, thưởng, đãi ngộ tốt hơn nhưng bị cáo vẫn quyết định xin nghỉ vì không muốn tiếp tục làm việc với rủi ro rất cao và khả năng phải thực hiện các hành vi sai phạm tại SCB", luật sư Ngọc cho hay.
Vài tháng sau khi đã nghỉ việc, lãnh đạo SCB thời điểm đó là Chiêm Minh Dũng còn liên tục gọi điện thoại yêu cầu Lan Chi quay trở lại SCB để ký hợp thức hóa các hồ sơ khoản vay mà trước đây không chịu ký. Tuy nhiên, Lan Chi cương quyết không quay lại ký mà quyết định đổi số điện thoại khác.
"Đây là một tình tiết đặc biệt quan trọng thể hiện thái độ bị cáo không đồng ý với chỉ đạo (sai) của cấp trên, mong HĐXX lưu tâm khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Chi", luật sư nói, đồng thời nêu thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác của thân chủ để tòa ghi nhận, cho bị cáo sớm được hòa nhập với xã hội.
Tự bào chữa sau đó, bị cáo Lan Chi đồng ý các nội dung luật sư đã trình bày, xin tòa khoan hồng để sớm được về chăm sóc mẹ già.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thuận Hòa (thành viên HĐQT SCB), Hoàng Minh Hoàn (cựu phó tổng giám đốc SCB) và một số cựu cán bộ SCB khác, cho rằng những người này có vai trò mờ nhạt. Sai phạm của họ xảy ra trong thời gian đang thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng sau khi mới hợp nhất, nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hơn nữa mức đề nghị của VKS (3 năm tù treo đến 5 năm tù giam).
Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB móc nối với người thân tín của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống hợp thức hóa việc rút tiền khỏi nhà băng. Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Sau khi cấn trừ tài sản đảm bảo, hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các bị cáo còn lại.
Hải Duyên