"Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng đừng để bệnh nhân ung thư phải đón nhận cái chết không thể tránh khỏi vì bệnh viện ngừng hoạt động", Subhi Sukeyk, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ - Palestine, nói trong cuộc họp báo ngày 1/11.
Bộ Y tế Palestine cho hay tính mạng của 70 bệnh nhân ung thư đang bị đe dọa nghiêm trọng. "Đây là thời khắc sinh tử đối với hàng nghìn bệnh nhân tại Gaza. Tình trạng của những người mắc ung thư vốn đã mong manh. Nếu không được điều trị, đó thực sự là bản án tử", phát ngôn viên WHO Tarik Jassarevic nói.
Bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ - Palestine là bệnh viện thứ 16 ngừng hoạt động trên tổng số 35 cơ sở ở Gaza. 50 phòng khám sức khỏe trên tổng số 72 phòng ở khắp dải đất cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Israel đã phong tỏa toàn diện Dải Gaza, cắt nguồn cung nhiên liệu, hạn chế thực phẩm, điện nước, đồng thời thực hiện loạt không kích gây thương vong lớn. Israel cho hay họ không cho phép nhiên liệu vào Dải Gaza do lo ngại lực lượng Hamas dùng chúng với mục đích quân sự.
Các bệnh viện trên dải đất vốn quá tải phải vật lộn để hoạt động khi thiếu nhiên liệu trầm trọng. Bệnh nhân ung thư không phải nhóm dễ tổn thương duy nhất. Theo WHO, ít nhất 50.000 phụ nữ mang thai ở Gaza không thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, khoảng 5.500 người sẽ sinh con trong tháng này.
Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng đẩy các hoạt động nhân đạo ở Gaza đến giới hạn. Juliette Touma, phát ngôn viên Cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA), cho biết cơ quan chưa tiếp cận được nguồn nhiên liệu mới tại Dải Gaza trong hơn ba tuần qua.
"UNRWA cấp thiết cần nhiên liệu. Chúng tôi có 670.000 người trong các khu trú ẩn, gấp 4 lần so với sức chứa. Nhiên liệu chính là phao cứu sinh lúc này", bà nói.
Đức Trung (Theo Al Jazeera)