Bị sốt nặng, bà An Jianhua đã xếp hàng trong 7 tiếng, chờ đợi ngoài bệnh viện dưới thời tiết lạnh giá, hy vọng được xét nghiệm viêm phổi corona. Người phụ nữ 67 tuổi cần nhận chẩn đoán chính thức để được điều trị cách ly. Tuy nhiên bệnh viện đã quá tải.
Bà đến một cơ sở y tế khác, tình trạng tương tự xảy ra. Kể từ khi chính quyền phong tỏa ổ dịch Vũ Hán, nơi cư trú của 11 triệu người dân, tất cả các cơ sở y tế đều trở nên đông đúc.
Sau hàng giờ tìm kiếm và chờ đợi, bà An cuối cùng cũng được tiêm truyền tĩnh mạch, nhưng chỉ có vậy.
Bà và con trai buộc phải trở về nhà, tự cách ly bản thân. Bà An ăn riêng, đeo khẩu trang mọi lúc và liên tục khử trùng căn hộ. Sức khỏe của bà chuyển biến xấu một cách nhanh chóng.
"Tôi không thể để mẹ mình chết dần ở nhà. Mỗi ngày tôi đều muốn khóc, nhưng chẳng đủ sức để làm vậy. Không có chút hy vọng nào", con trai bà nói.
Trong khi các quốc gia chạy đua để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại Vũ Hán, người dân cũng trải qua cuộc chiến hàng ngày để sống sót. Tính đến ngày 3/2, virus corona đã cướp đi sinh mạng của 362 người Trung Quốc.
Tháng trước, chính quyền đại lục đã phát lệnh phong tỏa đối với 17 thành phố, cấm hầu hết các phương tiện giao thông công cộng và xe hơi trong một nỗ lực chưa từng có để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Nhiều người cho biết, họ cần điều trị hoặc chẩn đoán bệnh viêm phổi, tuy nhiên các bệnh viện lần lượt quá tải. Xe cứu thương không thể đến đón bệnh nhân một cách nhanh chóng.
Các bác sĩ thậm chí cho biết, nhiều nơi đã cạn kiệt bộ thử viêm phổi do virus corona. Nhiều người tỏ ra bực bội vì thiếu dụng cụ, vật tư y tế.
Sau hàng giờ chờ đợi trong phòng kín, nguy cơ lây nhiễm cao hơn, nhiều người mệt mỏi trở về nhà, quyết định tự cách ly.
Ngày 2/2, giới chức Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập các trạm kiểm dịch xung quanh thành phố Vũ Hán cho những người có triệu chứng viêm phổi hoặc từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona.
"Tình huống còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì được báo cáo chính thức", anh Long Jian, 32 tuổi nói khi đang chờ đợi bên ngoài bệnh viện. Long cho biết, anh và cha mình đã tới 6 cơ sở y tế khác nhau trong vòng 7 ngày để ông có thể được xét nghiệm virus.
Chỉ cách nơi anh đang đứng vài bước chân là những chiếc giường dọc hành lang dài và hẹp của khoa cấp cứu. Một người đàn ông đang được tiêm truyền tĩnh mạch ngay trong xe hơi vì tình trạng quá tải.
"Những người được chẩn đoán và điều trị thật may mắn. Trong khu phố tôi sống, có những người không được khám bệnh đã chết tại nhà", Long cho biết.
Theo hướng dẫn chính thức của giới chức y tế, người dân được khuyến khích đến bệnh viện địa phương để tiến hành đánh giá bước đầu và kê đơn nếu cần thiết. Sau đó, bệnh nhân cung cấp kết quả cho ủy ban dân phố nơi mình sinh sống. Đơn vị này chịu trách nhiệm liên lạc và điều phối nguồn nhân lực y tế cho các hộ gia đình.
Thông báo cũng cho biết, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên tự cách ly tại nhà. Người có biểu hiện nghiêm trọng hơn được tổ dân phố sắp xếp vận chuyển bằng xe cứu thương đến một trong số 20 bệnh viện được chỉ định điều trị viêm phổi corona.
Song trên thực tế, nhiều người cho rằng quá trình này tốn nhiều thời gian. Gần đây, một số chuyên gia Trung Quốc cũng thừa nhận, việc chẩn đoán virus corona có thể tốn tới nhiều vòng xét nghiệm.
Gan Hanjiang, người nhà một bệnh nhân kể lại, cha anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona vào tháng một và được trở về nhà. Tuy nhiên, ông tử vong 10 ngày sau đó. Trước đó, cụ ông có biểu hiện sốt nặng và ho. Bệnh viện chẩn đoán, ông mắc chứng "viêm phổi nặng".
Thục Linh (Theo NYT)