Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm dịch phết họng vào ngày 9, 10, 11, đều âm tính với nCoV. Mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới của bệnh nhân cũng được lấy hai lần liên tiếp vào ngày 10 và 11, kết quả đều âm tính.
"Bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh viêm phổi corona", bác sĩ Thức khẳng định. Các bác sĩ kê thuốc trị các bệnh nền cho bệnh nhân uống sau xuất viện, kèm dặn dò theo dõi thân nhiệt và sức khỏe hàng ngày.
Ánh mắt phấn khởi, ông Li cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Tôi cảm thấy rất vui mừng, tất cả mọi thứ đều tốt, cả nhà đã được đoàn viên", ông nói.
Người con trai, Li Zichao hồi phục trước và xuất viện tuần trước. Hôm nay Zichao và mẹ bày tỏ lòng biết ơn với các y bác sĩ: "Chúng tôi may mắn được y bác sĩ Việt Nam tận tình chăm sóc và điều trị cho cả nhà". Gia đình ông Li dự kiến ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy một đêm, sau đó tìm chuyến bay phù hợp về lại Trung Quốc.
Ông Hoàng Hy Bình, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, cảm ơn Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. "Đây là sự kiện thể hiện tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với Trung Quốc", ông Bình phát biểu.
Li Ding cùng vợ từ thành phố Vũ Hán, đến Hà Nội ngày 13/1, sau đó đáp máy bay vào Nha Trang. Tại đây ông gặp con trai đi từ Long An đến đón. Cả ba sau đó đi tàu về Long An, rồi khi bị sốt thì trở lên TP HCM khám tại Chợ Rẫy. Đây là hai ca viêm phổi corona đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Li mắc nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng như đái tháo đường, tăng huyết áp, từng đặt stent mạch vành, phẫu thuật ung thư phổi.
Ban đầu, khi bị yêu cầu cách ly tại bệnh viện, hai bệnh nhân, đặc biệt là người cha, phản ứng dữ dội, bất hợp tác. Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân liên tục la mắng y bác sĩ, không chịu mặc quần áo bệnh nhân, bóc vứt khăn trải giường... Ba ngày sau, nhờ sự chăm sóc và chữa trị của y bác sĩ, các triệu chứng bệnh dần cải thiện, hai bệnh nhân mới bắt đầu hợp tác.
Phương án điều trị cho Li Ding được bác sĩ bốn khoa Bệnh nhiệt đới, Tim mạch, Nội tiết, Hô hấp, phối hợp thực hiện. Đội ngũ y tế phải tiến hành xét nghiệm bệnh nhân mỗi ngày để theo dõi diễn biến sức khỏe, phán đoán "chuyện gì có thể xảy ra", từ đó điều chỉnh lượng thuốc và phác đồ điều trị phù hợp.
"Một người vừa suy giảm miễn dịch vừa nhiều bệnh, chỉ cần một thay đổi nhẹ nào đó bất kỳ cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kết quả điều trị", bác sĩ Hùng cho biết. Quan trọng nhất là phải theo dõi sát bệnh nhân, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện sớm biến chứng và ngăn ngừa nó xảy ra.
Bên cạnh đó, bệnh nhân được súc họng ngừa virus, phòng bệnh mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, để nhiệt độ phòng cao, nhiều ánh nắng mặt trời nhằm giảm đời sống virus.
Các kết quả xét nghiệm nCoV của bệnh nhân Li Ding suốt thời gian điều trị cũng không ổn định, có lúc âm tính ngay sau đó lại dương tính. Cho đến những ngày qua kết quả xét nghiệm nhiều lần liên tiếp âm tính nCoV, các bác sĩ mới đảm bảo xác định bệnh nhân khỏi viêm phổi hoàn toàn.
Gần 30 người tiếp xúc, điều trị cho hai bệnh nhân ở bệnh viện Chợ Rẫy không có ai lây bệnh.
Trường hợp nCoV lây từ người sang người của hai cha con Trung Quốc được các bác sĩ Viện Pasteur và Chợ Rẫy báo cáo trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine (NEJM) ngày 28/1. Thời điểm ấy, đây là bằng chứng chắc chắn nCoV lây từ người sang người, đối với cộng đồng y khoa thế giới khi chưa có nhiều hiểu biết dịch tễ về chủng virus mới.
Việt Nam đến nay ghi nhận 15 ca dương tính nCoV, trong đó 7 trường hợp đã khỏi bệnh. TP HCM hiện chỉ còn một bệnh nhân là nam Việt kiều Mỹ, điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.