Gần hai tháng qua, Vladimir đã trú ẩn cùng mẹ ruột và mẹ vợ trong boongke tăm tối bên dưới nhà máy hóa chất Azot rộng lớn, khi giao tranh diễn ra xung quanh họ ở thành phố Severodonetsk.
"Mọi chuyện trở nên thực sự đáng sợ khi những người lính Ukraine giữ các vị trí trong nhà máy và cuộc chiến đã đến rất gần với chúng tôi", ông cho hay.
Tuy nhiên, đạn pháo và tiếng súng không phải mối đe dọa duy nhất mà khoảng 800 công nhân nhà máy và thành viên gia đình họ ẩn náu dưới lòng đất phải đối mặt khi lực lượng Nga bao vây Severodonetsk, quyết tâm giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này để tạo bàn đạp kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk. Bên trên họ, những thùng hóa chất độc hại được sử dụng để sản xuất phân đạm có nguy cơ bị rò rỉ do hỏa lực từ giao tranh.
Là thành viên của đội ứng phó khẩn cấp, ông Vladimir, 54 tuổi, từng phải gấp rút sửa chữa một bình chứa khí amoniac nguy hiểm, có thể gây mù, khó thở và tử vong, sau khi nó bị hỏng vì giao tranh.
"Chúng tôi thấy khói từ quả đạn pháo rơi gần một thùng chứa đầy khí amoniac. Tôi cùng nhóm 4 người vội vàng mặc quần áo bảo hộ và mặt nạ phòng độc để kiểm tra thiệt hại. Chúng tôi phát hiện mảnh đạn khiến bình bị thủng nhiều lỗ", ông nói. "Khí amoniac bị rò rỉ, nhưng chúng tôi đã cố gắng bịt các lỗ bằng loại keo đặc biệt".
Lời kể của ông là một trong những thông tin đầu tiên truyền thông có được từ nhà máy Azot, nơi trú ẩn của hàng trăm dân thường khi Severodonetsk trở thành chiến trường trọng điểm của lực lượng Nga.
Khi quân Nga tiến vào các ngôi làng xung quanh nhằm cố kiểm soát hai tỉnh Lugansk và Donetsk, công nhân đã sơ tán con cái và người thân lớn tuổi từ nhà của họ tới các hầm trú bom kiên cố có từ thời Chiến tranh Lạnh của nhà máy.
Tỉnh trưởng Lugansk Serhiy Gaidai cáo buộc Nga cuối tuần qua pháo kích gây ra đám cháy lớn, khiến nơi trú ẩn này bị đe dọa. Ông khẳng định Ukraine vẫn kiểm soát khu công nghiệp Azot và đang kháng cự quyết liệt, bác bỏ tuyên bố của phe ly khai rằng 300 - 400 tay súng Ukraine bị mắc kẹt bên trong tương tự tình cảnh của Tiểu đoàn Azov ở nhà máy thép Azovstal, thành phố Mariupol tại nam Ukraine.
Gaidai cho biết khoảng 500 người dân vẫn ở trong tầng hầm, trong đó có khoảng 40 trẻ em.Vladimir sống ở đó với người mẹ ốm yếu Ludmila, 82 tuổi, và mẹ vợ Nadezhda, 70 tuổi, từ ngày 7/4 cho đến đầu tháng 6 sau khi nhà của họ bị phá hủy do pháo kích.
Ông nói rằng các điều kiện sinh sống ở mức cơ bản, nhưng những bức tường dày của hầm trú bom bên dưới nhà máy giúp người ẩn náu cảm thấy yên tâm. Các boongke, vốn được thiết kế để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trong Chiến tranh Lạnh, đều có phòng tắm và nước sinh hoạt.
"Chúng tôi không có điện, nhưng có một máy phát điện chạy 6 giờ một ngày, và nấu thức ăn trên bếp củi. Khi pháo kích dừng lại, mọi người ra ngoài để hít thở và hút thuốc", Vladimir cho hay.
Công việc của Vladimir trong đội phản ứng khẩn cấp là rất quan trọng đối với sự tồn tại của nhà máy và an toàn của những người bên trong.
"Pháo kích Nga đã làm hỏng các thùng chứa amoniac, một chất hóa học rất khó chịu. Đó là lý do tôi không thể rời đi trong suốt nhiều ngày qua", ông nói. "Giám đốc nói với tôi khi tình hình trở nên thực sự nguy cấp, tôi sẽ ra lệnh cho anh sơ tán và toàn bộ nhà máy sẽ sơ tán".
Cuối cùng, Vladimir quyết định sơ tán một tuần trước, lên xe bọc thép của quân đội Ukraine cùng hai người mẹ để đến thành phố Lysychansk gần đó, trước khi đi xa hơn về phía tây. Họ chia sẻ câu chuyện của mình với truyền thông khi đang ngồi trong toa tàu từ Pokrovsk đến Lviv. Đây hiện là tuyến đường sắt cuối cùng sơ tán khỏi miền đông và hành trình của gia đình Vladimir kéo dài 17 giờ.
6 toa trong chuyến tàu này đều chật ních dân thường. Cách đó vài chỗ ngồi, Vasylyna Humeniuk, 17 tuổi, âu yếm mèo cưng Mia. Cô cho biết đã rời Pokrovsk sau các khi các vụ nổ diễn ra ngày càng gần nhà mình, nhưng cô hy vọng có thể sớm trở về nhà với bạn trai và học để trở thành y tá.
Vladimir cho biết ông vẫn kịp mang theo giấy tờ tùy thân trước khi rời đi, nhưng không có hành lý gì ngoài bộ quần áo. Ông dự định đưa mẹ đến nhà chị gái ở Đức, nhưng lo sợ sẽ bị chặn lại do lệnh cấm nam giới dưới 60 tuổi rời đất nước thời chiến.
"Tôi đã bỏ lại xe hơi, công việc", ông nói, thêm rằng ông không biết liệu căn nhà của mình còn tồn tại hay không. "Chúng tôi không còn nơi nào để quay lại".
Huyền Lê (Theo Telegraph)