Thứ năm, 26/1/2023, 16:59 (GMT+7)

Bắt lợn cầu may đầu năm

Phú ThọHai ông lợn được thả ra để người dân bắt, sờ lấy may đầu năm trong lễ hội Ông Cầu ở xã Hà Thạch, mùng 5 Tết.

Lễ hội bắt lợn mùng 5 Tết hàng năm nhằm tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt cổ thời kỳ dựng nước. Tương truyền, vào thời vua Hùng, các vị lạc hầu, lạc tướng thường tổ chức cuộc đi săn lợn rừng tại vùng đất Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, để rèn luyện thể lực cho quân sĩ và khao quân sau mỗi lần thắng trận.

Truyền thống đó đã hình thành và được lưu truyền cho tới ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, từ năm 1992, lễ hội được phục dựng theo nguyên gốc nghi lễ truyền thống.

Trước mùa lễ hội, hai gia đình được xã chọn lọc để nuôi Ông Cầu, theo tiêu chí gia đình có đủ vợ chồng, có trai gái, gia đình văn hóa, 3 năm không vướng tang...

Gia đình ông Hà Quang Hùng ở khu Lũng Thượng là một trong hai hộ được chọn chăm sóc Ông Cầu chính. Chỉ người đàn ông mới được tắm rửa, cho lợn ăn.

Trước kia, lợn thường được mua ở vùng cao mang về vào ngày 12 tháng chạp. Đúng ngày 22 tháng chạp thì dựng chuồng, chuồng phải quay về hướng đền, có nhiều hàng rào bằng lá cọ để tránh gió. Ngày 23 tháng chạp, hai hộ dân có gia phong, gia cảnh song toàn, khá giả được dân làng chọn ra để "dưỡng trư Ông Cầu" và làm lễ nhập chuồng.

Ông Nguyễn Văn Bình, 79 tuổi, là hộ dân nuôi Ông Cầu Nam. "Gia đình may mắn được chọn để nuôi dưỡng Ông Cầu, cũng là lần đầu tiên trong đời làm công việc này. Hàng ngày, tôi chỉ xoay quanh việc chăm sóc, khi ông về nhà mới 65 kg, sau nửa tháng đã lên 80 kg", ông Bình nói.

Ông Cầu được tuyển chọn phải có màu đen tuyền, có đuôi và mũi hếch. Hàng ngày, lợn ăn 3 bữa cháo trắng, bánh kẹo, hoa quả...

14h, Ông Cầu được đưa vào chuồng, để đưa ra sân nhà văn hóa tổ chức "Bắt lợn Ông Cầu". Trước kia lợn được khiêng bằng cáng tre, nhưng những năm gần đây do cân nặng nên phải sử dụng lồng sắt.

Cân nặng của Ông Cầu năm nay từ 80 đến 130 kg.

Hai Ông Cầu được rước đến nơi tổ chức cho nhân dân bắt, sờ lấy may đầu năm. Khi rước, Ông Cầu chính sẽ đi trước, Ông Cầu Nam sẽ đi sau.

Tại nơi tổ chức phần hội, chủ tế sẽ kẻ hai vòng tròn và đặt Ông Cầu vào bên trong.

Chủ tế Hà Văn Điệp, 93 tuổi, đánh trống khai hội và phát lệnh thả Ông Cầu, để cuộc đi săn bắt đầu.

"Ngoài việc tưởng nhớ công ơn các vị tướng thời Vua Hùng đã có công với dân làng, lễ hội bắt lợn Ông Cầu còn nhằm gắn kết cộng đồng, tập hợp, đoàn kết nhân dân để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc…", ông Điệp, người 40 năm làm chủ tế các lễ hội truyền thống của làng Hà Thạch, nói.

Ông Cầu vừa được thả ra khỏi lồng, đông đảo thanh niên, trai gái hò reo lao vào sờ, bắt để lấy may mắn.

Ai cũng muốn được chạm vào Ông Cầu để lấy may.

Dân làng Hà Thạch tin rằng ai bắt được Ông Cầu hoặc được chạm vào ông thì cả năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt… Vì vậy, dù nam hay nữ, trẻ hay già, dù ở xa, đến ngày hội làng, người dân vẫn nhớ và dự hội.

Phần hội kết thúc, hai Ông Cầu tiếp tục được rước về Đình - Chùa để làm nghi lễ tế Thần và Thành hoàng làng, thể hiện lòng tri ân công đức với những người đã có công với nước, với dân.

0h mùng 6 Tết, Ông Cầu sẽ được tế tại đình làng, mổ thịt và chia cho toàn bộ người dân trong xã.

Phim của tôi 12.MOV
 
 

Người dân bắt lợn cầu may. Video: Ngọc Thành

Ngọc Thành