Dòng người không có điện thoại, tiền bạc hay giấy tờ tùy thân đã đi khoảng hai km từ Israel vào Dải Gaza ngày 3/11 thông qua cửa khẩu Kerem Shalom ở Rafah, thành phố phía nam vùng lãnh thổ, Washington Post mô tả.
Báo Mỹ đưa tin Israel ra lệnh trục xuất 10.000 người Palestine về Dải Gaza. Trước đây, 18.500 người Palestine ở Gaza là đàn ông đã lập gia đình trên 25 tuổi được Israel cho nhập cảnh và cấp giấy phép lao động. Họ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, theo chính sách giảm đói nghèo trầm trọng cho Gaza mà chính phủ Israel đã đưa ra.
Theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, lao động Gaza làm việc tại Israel nhận lương cao gấp 6 lần so với ở dải đất. Số tiền họ đem về đã thay đổi Gaza, nơi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 45% trong vài năm qua. Nhiều gia đình trả được nợ. Cơ sở vật chất được cải thiện.
Nhưng khi chiến sự nổ ra từ 7/10, các lao động này lâm vào cảnh bấp bênh. Họ bị tước giấy phép lao động và nhiều người bị đưa vào các nhà tù ở Israel. Trong khi đó, Dải Gaza, nơi gia đình họ sinh sống, liên tục bị Israel tập kích để trả đũa cuộc đột kích của Hamas.
Israel ngày 3/11 tuyên bố đã "cắt đứt mọi liên lạc với Gaza" và "sẽ không còn lao động Palestine nào ở Gaza nữa".
Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước động thái này. "Họ đang bị đưa trở lại Gaza. Chúng tôi không biết chính xác họ sẽ về đâu, liệu còn nhà để về hay không", Elizabeth Throssell, phát ngôn viên của cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho biết trong buổi họp báo ở Geneva. Bà nhận định tình huống này rất nguy hiểm.
Israel chưa bình luận về thông tin từ Washington Post.
Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10, giết hơn 1.400 người, chủ yếu là dân thường và bắt cóc hơn 240 người. Israel trả đũa bằng cách siết chặt vòng vây, liên tục oanh kích và đưa bộ binh tiến vào Dải Gaza từ cuối tháng 10. Dải Gaza, khu vực sinh sống của hơn 2,3 triệu người Palestine, ghi nhận khoảng 9.500 người thiệt mạng.
Wael Abu Omar, quan chức biên giới ở Gaza, ước tính còn khoảng 7.000 người Gaza chưa về vùng đất này. Họ đã đến Bờ Tây trong những tuần qua, tìm kiếm những người Palestine khác và nơi trú ẩn, do lo sợ bị giới chức Israel đưa vào trại giam. Bờ Tây là khu vực có sự hiện diện của Chính quyền Palestine được quốc tế công nhận, dù Israel vẫn chiếm đóng nhiều khu vực ở đây.
Một số người từ Gaza đang ở Ramallah, trung tâm Bờ Tây, từ đầu tuần. Đối với họ, điều đáng sợ nhất bây giờ là nhận được thông báo từ Gaza rằng gia đình đã thiệt mạng hay mất tích. Họ cũng lo lắng cảnh sát và binh lính Israel sẽ đột kích vào nơi trú ẩn tại Ramallah và bắt họ.
"Mỗi khi nghe tin người Israel có thể đang đến, chúng tôi chạy tán loạn lên đồi như kiến", một lao động nhập cư nói với Guardian. "Người già cũng chạy".
Sayef Olehe, 30 tuổi, từng làm thợ giết mổ, kể rằng trong một cuộc điện thoại gần đây, con gái ba tuổi đã hỏi anh: "Tại sao bố làm việc ở Israel? Họ đang giết chúng ta".
"Tôi sẽ không bao giờ làm việc ở Israel nữa", Olehe nói.
Hồng Hạnh (Theo Washington Post, Guardian)