Wu Lien-teh sinh năm 1879, cha đến từ Quảng Đông và mẹ là người Malaysia gốc Hoa. Ông là người Trung Quốc đầu tiên theo học ngành y tại Trường Đại học Cambridge. Năm 1903, Wu rời Anh và làm việc cho hệ thống y tế chính phủ, sau đó tách riêng để mở bệnh viện tư nhân.
Năm 1910, bệnh dịch hạch bùng phát tại Mãn Châu đã giết chết gần 60.000 người chỉ trong vòng 7 tháng. Tỷ lệ tử vong bệnh nhân 95%.
Khi ấy, Wu Lien-teh đang là bác sĩ ở Pengang, Malaysia. Ông được điều động đến Cáp Nhĩ Tân để tìm cách ngăn ngừa sự lây lan của dịch hạch.
Trong quá trình nghiên cứu, bác sĩ Wu phát hiện virus dịch hạch được truyền sang người từ bọ chét có trong lông rái cá cạn được buôn bán rộng rãi ở Trung Quốc.
Thời kỳ ấy tuyến đường sắt đi qua Siberia chở cả hành khách và hàng hóa đến châu Âu. Lông rái cá thu gom từ phía đông bắc Trung Quốc. Bọ chét trú ngụ trên những bộ lông này dễ dàng nhảy sang cơ thể người. Một bệnh nhân lên tàu từ Cáp Nhĩ Tân có thể di chuyển tới Paris hoặc Berlin chỉ trong vài ngày.
Giữa bối cảnh nền y học còn nhiều hạn chế và không có thuốc kháng sinh, bác sĩ Wu đã đề xuất thực hiện nhiều biện pháp tiên phong như thiết lập các đơn vị kiểm dịch, đặt lệnh cấm du lịch và thuyết phục chính phủ Nga, Nhật Bản tạm dừng dịch vụ đường sắt đến Cáp Nhĩ Tân.
Các bệnh nhân tử vong vì dịch hạch cũng được đưa đi hỏa táng ở địa điểm an toàn, cách ly với khu dân cư.
Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng châu Á - Thái Bình Dương cho biết, những cống hiến của bác sĩ Wu được lưu lại trong hồ sơ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Theo giáo sư Paul, đây là nguồn thông tin vô cùng giá trị cho giới chức Trung Quốc trong công cuộc dập dịch viêm phổi corona vào năm nay.
Tài liệu của bác sĩ Wu ghi chú các nguyên tắc xử lý bệnh dịch thời Trung cổ và được sử dụng rộng rãi kể từ đó. Chìa khóa đẩy lùi virus chính là sự hợp tác quốc tế, minh bạch trong chia sẻ thông tin và không từ chối thử nghiệm các biện pháp (có thể) không hiệu quả.
Đến tháng 3/1911, bệnh dịch hạch được khống chế. Bác sĩ Wu, khi ấy mới 32 tuổi đã trở thành người hùng trong cuộc chiến này. Một tháng sau, ông chủ trì Hội nghị về Bệnh Dịch hạch Quốc tế tổ chức ở Thẩm Dương với sự tham gia của các nhà khoa học từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ...
Nỗ lực chống chọi loại dịch bệnh từng là nỗi ám ảnh của Cáp Nhĩ Tân mang lại cho bác sĩ Wu đề cử giải thưởng Nobel về Y học năm 1935.
Charles Toh, 89 tuổi, một bác sĩ ở Singapore từng là bệnh nhân quen thuộc của ông Wu.
"Bất cứ khi nào bị sốt hoặc viêm họng, bố mẹ sẽ đưa tôi đến gặp ông ấy. Vào thời điểm đó, kiến thức về bệnh truyền nhiễm còn rất lạc hậu và không có thuốc kháng sinh. Thật kinh ngạc khi ông có thể cứu được nhiều mạng sống (ở Cáp Nhĩ Tân) tới vậy", ông Charles cho biết.
Bác sĩ Wu Lien-teh qua đời vào năm 1960. Các di sản về y học của ông được cất giữ tại một bảo tàng ở Cáp Nhĩ Tân. Ông cũng được nhiều trường đại học bao gồm Đại học Hong Kong, Đại học Tokyo và Đại học Johns Hopkins trao bằng danh dự vì những đóng góp của mình.
Thục Linh (Theo SCMP)