"Thật đau lòng khi phải nhìn những thanh niên 21-24 tuổi mất đi bàn chân hay cả phần cẳng chân vì trúng mìn. Dù sống tiếp, họ sẽ phải dùng chân giả đến hết đời", bác sĩ quân y Dmytro Mialkovskyi, làm việc tại một bệnh viện ở Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, nói.
Ông cho hay số ca thương tích do mìn mà mình điều trị từ đầu chiến dịch phản công hồi tháng 6 đến nay cao hơn hẳn so với giai đoạn làm việc tại Kherson và Kramatorsk, hay ở Zaporizhzhia vào năm ngoái. Bệnh viện tiếp nhận ít nhất hai thương binh trúng mìn mỗi ngày, ngày cao điểm có thể lên đến 11 ca, trong đó có những trường hợp phải cắt cụt chi.
Ukraine hiện là quốc gia bị rải mìn nhiều nhất thế giới, với hơn 170.000 km2 lãnh thổ có mìn cùng các loại vật liệu nổ khác. Các chuyên gia cho rằng Ukraine sẽ mất nhiều thập kỷ để khắc phục hậu quả bom mìn do chiến sự để lại.
Phòng tuyến cùng bãi mìn Nga thiết lập hơn một năm qua đã kìm chân đà phản công của Kiev. Mật độ cùng các chủng loại mìn được Nga sử dụng khiến mỗi bước tiến của bộ binh Ukraine đều tiềm ẩn nguy cơ thương vong.
Thời điểm chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu cũng là lúc công việc của Mialkovskyi tại bệnh viện thêm bận rộn.
Trước đây, ông thường tiến hành những ca phẫu thuật không cấp thiết như chữa thoát vị. Giờ đây, bác sĩ quân y này phải tập trung cho những ca mổ gắp đạn, chữa trị phần tay chân bị mìn xé toạc cho các thương binh.
Mỗi ngày, Mialkovskyi thực hiện 3-4 ca đại phẫu, cùng một số tiểu phẫu, chủ yếu là chữa trị cho thương binh Ukraine được chuyển về từ bệnh viện dã chiến hoặc chiến trường.
Samer Attar, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ gốc Syria, tình nguyện viên làm việc tại cùng bệnh viện với Mialkovskyi, cho biết những thương binh dính mìn thường chịu những vết thương khủng khiếp, với "các cơ quan bị biến dạng và hủy hoại đến mức khó tin".
Từng có thời gian chữa trị cho bệnh nhân trong các vụ đánh bom tại Syria, Attar không còn lạ lẫm khi chứng kiến thương tích mà binh sĩ Ukraine phải chịu do mìn.
"Phía dưới màn vải phẫu thuật là tay, chân bệnh nhân đã trở thành một khối hỗn độn những mảnh xương, gân và cơ", ông chia sẻ nỗi ám ảnh của nghề.
Những vết thương chịu tác động lực và nhiệt cao như nổ mìn có thể làm thay đổi các mô cơ thể ở cấp độ phân tử. Điều này đồng nghĩa bệnh nhận sẽ phải chờ đợi trong vài ngày để bác sĩ lọc bỏ phần thịt bị hoại tử và xác định phần nào trên các chi còn giữ được.
Sau đó, các bác sĩ "phải chiến đấu để giữ từng cm cơ thể" cho bệnh nhân trong ca mổ chính. Việc giữ được càng nhiều phần chi bị thương sẽ giúp bệnh nhân thích nghi với tay chân giả nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Mialkovskyi kể rằng ông gần đây đang phiên dịch cho buổi huấn luyện y tế do các tình nguyện viên Mỹ tổ chức thì được gọi đi hỗ trợ một ca phẫu thuật. Ông cùng một bác sĩ khác phải cố cứu người lính 24 tuổi bị thương nghiêm trọng ở hai chân do đạp trúng mìn.
Khi bệnh nhân trong cơn nguy kịch, Mialkovskyi phải ra quyết định trong tích tắc, và ông đã chọn cắt bỏ hai chân để giữ mạng sống cho người lính. Ca mổ này đã khắc sâu vào tâm trí ông trong nhiều ngày.
"Tôi đã làm điều phải làm. Cậu ấy mất cả hai chân và mạng sống đang bị đe dọa. Lúc đó tôi không chắc cậu ấy có qua khỏi hay không", Mialkovskyi kể lại.
Khi kiểm tra bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt, Mialkovskyi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết ông đã cứu sống được thương binh này, dù tình trạng của anh vẫn còn nghiêm trọng. Với những bác sĩ như Mialkovskyi, bệnh nhân sống sót thêm một ngày đã là chiến thắng to lớn, thắp thêm niềm hy vọng quý báu trước những khó khăn và đau khổ giữa chiến sự.
Dù vậy, việc phải liên tục thực hiện những ca phẫu thuật như vậy khiến các bác sĩ buồn lòng. "Thật khó để cảm thấy bình yên khi công việc của bạn chỉ xoay quanh cắt bỏ tay chân của những thanh niên khỏe mạnh", Attar nói.
Không chỉ Attar, Mialkovskyi cũng ám ảnh khi chứng kiến những vết thương kinh hoàng làm thay đổi cuộc đời con người chỉ sau một tiếng nổ khô khan. "Chúng tôi cố gắng xem như không có chuyện gì xảy ra, nhưng điều đó thật đau đớn", ông nói.
Anh Hoàng (Theo Washington Post)