Ngày 28/3, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 27 đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư, để làm rõ vai trò từng người đối với các tội danh bị cáo buộc.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) hỏi bà Lan về nội dung buổi gặp mặt ăn trưa với các lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng và Vạn Thịnh Phát tại trụ sở của tập đoàn.
Bà Lan cho biết, bữa ăn này diễn ra bình thường, không có việc bàn bạc, trao đổi về phát hành các gói trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu đã diễn ra trước đó và bà không phải là người đưa ra chủ trương, mà là Nguyễn Phương Hồng (cựu phó tổng giám đốc SCB, đã chết) đưa ra chủ trương phát hành các gói trái phiếu chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của trái chủ.
Theo bà Lan, Phương Hồng là nhân viên xuất sắc, "muốn bảo vệ SCB đến cùng" nên đã tự làm mọi thứ từ trước để xoay xở tiền cho ngân hàng, chứ bà không bàn bạc. Việc phát hành trái phiếu Setra sau này để có tiền trả lãi cho các trái chủ mua những gói trái phiếu trước đó bà cũng không biết. Những vấn đề liên quan đến tài chính của SCB đều do Hồng nắm.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2. Ảnh: Thanh Tùng
"Nếu muốn chiếm dụng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng, với tầm cỡ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lúc bấy giờ, bị cáo có thể phát hành nhiều trái phiếu hơn thế; hoặc bị cáo phát hành ở công ty khác chứ không nhất thiết phải thông qua SCB", bà Lan nói và lặp lại bối cảnh thời điểm đó SCB cần rất nhiều tiền, vì muốn giúp SCB nên bà đã cho ngân hàng mượn công ty để phát hành.
"Thời điểm đó bị cáo không biết việc làm của mình là trái pháp luật", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát trình bày thêm.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xác định, bà Lan đã mời nguyên chủ tịch SCB Đinh Văn Thành, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI Nguyễn Tiến Thành và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Hồ Bửu Phương đến ăn trưa ở trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tại đây, trên cơ sở đề xuất của Phương Hồng, bà Lan ra chủ trương đồng ý cho mượn các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho SCB.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB, tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2. Ảnh: Thanh Tùng
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung bị xác định vai trò giúp sức cho bà Lan lừa đảo 2.000 tỷ đồng của trái chủ. Trả lời thẩm vấn của luật sư, bà Dung cho rằng mình chỉ có một hành vi duy nhất là truyền đạt chỉ đạo của cấp trên tới các đơn vị kinh doanh thông qua một nhóm chat, chứ không chỉ đạo bất kỳ ai, không biết về việc phát hành trái phiếu Setra.
Dung xin HĐXX xem xét lại vai trò của mình trong vụ án để có mức án thấu tình, đạt lý. "Bị cáo nghĩ, bản án sơ thẩm đang có sự nhầm lẫn trong việc đánh giá vai trò của mình trong vụ án này, xin quý tòa xem xét cho bị cáo", Dung nói và cho rằng mức án sơ thẩm tuyên mình 14 năm tù về hành vi trên và giúp bà Lan "rửa" hơn 69.000 tỷ đồng là quá nặng. Bản án sơ thẩm cáo buộc mình phạm tội nhiều lần là chưa đúng, không đánh giá đầy đủ.
Tương tự, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, cũng cho rằng vai trò của mình trong vụ án không nặng như bản án xác định, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại.
"Bị cáo chỉ giới thiệu trái phiếu với khách hàng, còn việc ký mua bán ở đâu để đúng pháp luật thì nằm ngoài hiểu biết của bị cáo", ông Văn nói và cho biết số tiền khách hàng mua trái phiếu sẽ chuyển vào Công ty chứng khoán Tân Việt, chứ không chuyển vào SCB (nơi ông Văn có trách nhiệm). Khách hàng chỉ sử dụng tài khoản ngân hàng SCB chuyển vào tài khoản Công ty Tân Việt.
Cựu giám đốc SCB cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền quy buộc trách nhiệm của mình trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi đã nghỉ việc tại SCB từ tháng 7/2020. Số dư của các lô trái phiếu chỉ là 7.900 tỷ đồng, trong khi bản án sơ thẩm đang quy buộc trách nhiệm của bị cáo đối với hơn 28.000 tỷ đồng.
"Bị cáo không tham gia việc phân phối gói trái phiếu Setra đến trái chủ, mong HĐXX xem xét đảm bảo bản án minh bạch, công bằng, thấu tình đạt lý", ông Văn nói.

Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng
Sau 3 ngày làm việc, phiên tòa sẽ tạm nghỉ để VKS chuẩn bị quan điểm xử lý vụ án và sẽ tiếp tục vào ngày 3/4.
Trong phạm vi giai đoạn 2 của vụ án đang phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan bị xác định 3 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ) thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng).
Trình bày kháng cáo trong phiên tòa ngày 26/3, bà Lan cho rằng việc xử lý bà về các tội danh này là không đúng. Tuy nhiên, bà nhận trách nhiệm về toàn bộ hậu quả của vụ án.
Các bị cáo khác đều xin tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt.
Tại tòa hôm nay, trả lời luật sư của mình về vấn đề án phí, bà Lan nói: "Bị cáo nay đã trên 60 tuổi, cũng là người cao tuổi nên xin tòa được miễn án phí. Còn trong trường hợp không được thì bị cáo xin chấp hành".
Theo Nghị quyết 326, người cao tuổi (trên 61 tuổi) là một trong những điều kiện được xem xét miễn án phí.
Trong bản án sơ thẩm giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát, bà Lan phải chịu án phí sơ thẩm 30 tỷ đồng. Còn ở giai đoạn một của vụ án, bà Lan bị tuyên nộp khoản án phí hơn 674 tỷ đồng. Bà sau đó kháng cáo xin miễn vì cho rằng mình thuộc đối tượng người cao tuổi. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm giai đoạn một xác định bà không đủ điều kiện để được miễn án phí.
Hải Duyên