Sáng 11/10, sau gần một tháng xét xử, TAND TP HCM cho bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, cùng các bị cáo thực hiện quyền nói lời sau cùng, trước khi HĐXX nghị án.
Là người đầu tiên trình bày, bà Lan cho biết mang ơn HĐXX, VKS, lực lượng công an và cán bộ ở các nơi tạm giam mình trong hơn 2 năm qua. Bị cáo hứa sẽ không làm cho ai thất vọng, ưu tiên hàng đầu là khắc phục hậu quả cho hàng chục nghìn người dân mua trái phiếu.
"Đứng trước tòa hôm nay, bị cáo phải trả cái giá quá đắt. Bị cáo xác định đây là định mệnh và tại nạn nghề nghiệp, cả cuộc đời sẽ không bao giờ quên vì mình mà ảnh hưởng đến hàng vạn gia đình. Bây giờ bị cáo không biết cầu cứu ở nơi nào, chỉ biết xin HĐXX và VKS xem xét cứu giúp", bà Lan nói.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sau đó đề cập đến hành vi của mình, đến cáo buộc của các cơ quan tố tụng, giải thích về việc sử dụng nguồn tiền... như từng nêu ở những ngày xét xử trước. Tuy nhiên, chủ tọa ngắt lời, lưu ý đây là phần "nói lời sau cùng", đề nghị bị cáo trình bày những vấn đề khác.
Bà Lan khóc, xin HĐXX được trải lòng về 3 ước mơ trong cuộc đời mình, đó là Vạn Thịnh Phát sẽ xây dựng bệnh viên đa khoa quốc tế; xây nhà ở xã hội và cuối cùng là xây trường học cho người dân khó khăn. "Nhưng đến nay những điều ước này còn dang dở, bị cáo thất bại, do định mệnh", bà Lan nói, song cho rằng không bao giờ có ý định tham ô hay chiếm đoạt tài sản.
Cũng như lần ra tòa ở giai đoạn một vụ án, bà Lan đề cập việc tổ tiên đã mất hàng trăm năm để tạo dựng danh tiếng của gia tộc và không một ai từng vi phạm pháp luật. Bản thân bà "đã hy sinh cả cuộc đời, mang tất cả tài sản, tiền bạc, cống hiến"; hay như đợt đại dịch Covid đã mua 25 triệu liều vaccine cho Nhà nước, sau đó giúp mua thêm 25 triệu liều.
"Nhưng đã là con người thì không thể tránh khỏi sai sót, bị cáo không trách cứ ai. Bị cáo chưa bao giờ kể công, nhưng xin HĐXX hãy giúp bị cáo làm sáng tỏ công ra công, tội ra tội", bà Lan vừa khóc vừa nói. "Chứ không phải cái gì cũng là tội của Trương Mỹ Lan. Bị cáo tưởng tượng mình đã bị phân thành 6 Trương Mỹ Lan trong 6 tội danh (cả 2 giai đoạn vụ án)".
Cuối cùng, bà Lan xin tòa xem xét giảm nhẹ cho nhiều cấp dưới, xin giảm nhẹ cho chồng Chu Lập Cơ, cháu ruột Trương Huệ Vân. Đối với em dâu Ngô Thanh Nhã, bà Lan xin tòa xem xét "cơ chế hình sự đặc biệt", cho phép Nhã được tại ngoại để tiếp tục xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế tại huyện Bình Chánh, thực hiện nốt ước mơ của mình.
>> Mức án VKS đề nghị đối với 34 bị cáo và bản án sơ thẩm ở giai đoạn một
Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan
Trình bày với tòa, Trương Huệ Vân nói ngắn gọn, giọng đầy cảm xúc: "Nhìn hình ảnh cô của bị cáo đứng đây, bị cáo đau xé lòng, thấy trống rỗng. Bị cáo vô cùng đau khổ trong suốt hai năm qua, xin HĐXX có cái nhìn khoan dung, xem xét cho tất cả, cho cô của bị cáo được giảm nhẹ hình phạt".
Tới lượt mình, ông Chu Lập Cơ không nói về bản thân, mà xin kể câu chuyện về "hai người phụ nữ Việt Nam" là Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân. "Họ có trái tim đẹp, nhân hậu", ông này nói, tiếp tục đề cập đến một số tình tiết giảm nhẹ cho vợ mà bà Lan và luật sư đã trình bày.
Ông cũng kể về thời gian xảy ra Covid-19, vợ và cháu gái đã bất chấp nguy hiểm, lo tài chính, vaccine, hậu cần... để cứu giúp hàng nghìn bệnh nhân. "Xin mọi người ghi nhận những đóng góp và thông thông cảm cho họ. Bị cáo thành tâm xin quý tòa đưa ra mức án nhẹ nhất để họ có thể cống kiến cho xã hội", ông Cơ nói, giọng chùng xuống.
Cựu chủ tịch HĐQT SCB Bùi Anh Dũng gửi lời xin lỗi hơn 35.000 bị hại và nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc gây ra thiệt hại của các trái chủ. Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ mức hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác. "Bằng lời cuối cùng, bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đến mẹ và gia đình", ông Dũng kết thúc trình bày.
Cũng xin tòa giảm nhẹ cho bà Lan, bị cáo Trần Thị Mỹ Dũng (cựu phó tổng giám đốc SCB) nói việc này sẽ giúp Chủ tịch Vạn Thịnh Phát "có thêm niềm tin, giữ vững tinh thần, phương án sáng suốt để khắc phục hậu quả của vụ án".
Tương tự, khi nói lời sau cùng, Hồ Bửu Phương (cựu phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cũng bày tỏ quan tâm đến sức khỏe bà Lan, "sợ chị sẽ suy sụp". "Bị cáo gửi lời xin lỗi đến các bị hại, mong mọi người tha thứ, kiên nhẫn chờ cơ quan chức năng xử lý tài sản để nhận lại tiền", ông này nói.
Võ Tấn Hoàng Văn, cựu CEO SCB, thừa nhận cáo trạng đã truy tố đúng tội, cho biết hơn 30 năm học tập và làm việc chỉ cố theo đuổi ước mơ chứ chưa bao giờ có ý định tham ô hay chiếm đoạt tiền của ai. Ông chỉ biết mình sai sau khi làm việc với cơ quan điều tra. "Bị cáo phải trả giá cho sai lầm của mình. Gia đình, vợ con của bị cáo cũng phải gánh chịu", ông Văn nói, xin HĐXX xem xét cho mức án nhẹ.
Tòa nghị án kéo dài, sẽ đưa ra phán quyết vào sáng 17/10.
Trong phạm vi giai đoạn hai của vụ án, bà Lan bị cáo buộc đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Bà đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI chọn và sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng 308.691 triệu trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt tiền.
Ngoài hành vi trên, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc hành vi "rửa" 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.
Hôm 4/10, bà Lan bị VKS đề nghị án chung thân cho cả 3 tội danh.
Trước đó, ở giai đoạn một vụ án, bà Lan bị TAND TP HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bà Lan phải chấp hành án tử hình.
Hiện, bà Lan và các bị cáo đã kháng cáo bản án này, tòa phúc thẩm chưa ấn định ngày xét xử.
Quốc Thắng