Ngày 12/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm về các sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và SCB tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư.
Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, một trong 5 người bào chữa, bà Trương Mỹ Lan bày tỏ lời cảm ơn đến các cơ sở giam giữ, TAND Tối cao, TAND TP HCM đã tạo điều kiện giúp bà chăm sóc sức khỏe tốt trong suốt quá trình điều tra cho đến khi ra tòa.
Bà Lan dành nhiều thời gian trình bày về lý lịch, nguồn gốc hình thành khối tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo cho biết quê ở Triều Châu, Trung Quốc, nhưng sinh ra và lớn lên ở TP HCM. Trước đây, mẹ bà làm tiểu thương ở chợ Bến Thành, sau này bà cũng buôn bán như vậy. Suốt 14 năm làm tiểu thương, bà và gia đình tích lũy được khối tài sản vững chắc. Năm 1992, khi Nhà nước cho phép mở công ty TNHH, bà bắt đầu lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Về sau, bà mở thêm nhiều công ty và hình thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Liên quan đến vụ án, luật sư Phan Trung Hoài hỏi: "Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, cáo trạng, lời khai của các bị cáo khác, và lời trình bày của chị trước đó tại tòa, chị suy nghĩ thế nào về tầm quan trọng của mình trong vụ án?". Bà Lan không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói "tôi tôn trọng cáo trạng, kết luận của cơ quan điều tra và lời khai của các bị cáo", sau đó chuyển qua kể về cơ duyên với SCB là được một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mời tham gia ban cố vấn hợp nhất.
Theo bà Lan, trước khi hợp nhất 3 nhà băng vào ngày 1/1/2012, bà được một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước động viên, nên đã đưa nhiều tài sản vào để tái cơ cấu SCB. Trong đó, bà đã cho mượn tòa nhà Khách sạn 5 sao Windsor (sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm tài sản đảm bảo, vay 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tính thanh khoản khi hợp nhất. "Lúc đó, tôi tin rằng với trí tuệ, khả năng và các mối quan hệ bạn bè của mình có thể giúp được SCB", bà Lan nói.
Trả lời luật sư về việc "có tiên lượng gì về mặt hậu quả pháp lý, khi dùng tài sản thế chấp vay tiền để tái cơ cấu", bà Lan đáp: "Với tư duy của tôi, tôi cho ngân hàng mượn nếu ngân hàng không vực dậy được thì tôi sẽ mất hết. Nhưng tôi có một niềm tin, giác quan là làm được, tôi mới làm".
Về nhóm 5 cổ đông sở hữu 35% cổ phần của SCB, bị cáo cho biết đây là cổ phần của những người bạn, đối tác nước ngoài chứ không phải bà nhờ đứng tên. Bà Lan thừa nhận vai trò, ảnh hưởng lớn ở SCB vì "mọi người ở SCB chỉ biết cái mặt của tôi thôi, chỉ có tôi là người đưa tài sản vào SCB". Nhưng sau đó bị cáo lại cho rằng "không có ảnh hưởng tới HĐQT của SCB, không biết việc phân công, bổ nhiệm các chức danh" mà chỉ biết "sống chết với SCB".
Được hỏi về các khoản vay không đúng quy định pháp luật, với tư cách là cổ đông lớn khi để xảy ra hậu quả, bà Lan nói sẽ chịu trách nhiệm về các thiệt hại của vụ án và sẽ "dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả".
Tiếp đó, bà Lan đề nghị HĐXX "xem xét thật kỹ" về số tiền thiệt hại, số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt cũng như các tội danh đang bị cáo buộc. Bị cáo cho biết, trong quá trình điều tra đã có rất nhiều đơn đề nghị, văn bản xin cam kết tự nguyện khắc phục thiệt hại, và giữ nguyên các cam kết đó tại tòa.
Bà Lan nói đồng ý chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng (ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella, khắc phục) đến tài khoản của SCB để giải quyết hậu quả vụ án. "Hôm nay, trước mặt HĐXX, tôi xin hứa cổ phần của tôi, con tôi, bạn bè tôi đều sẵn sàng chuyển cho Ngân hàng Nhà nước để tiện cho việc điều hành SCB", bị cáo trình bày thêm.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng khai có 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án và đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục. Tuy nhiên, các dự án này có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nên đề nghị tòa tạo điều kiện cho bị cáo đàm phán. "Năm ngoái có nhà đầu tư nước ngoài đưa 30 tỷ USD để mua dự án và tôi cũng sẵn sàng. Tôi đã uỷ quyền cho con gái giải quyết, nhưng con gái tôi nói 'mẹ ơi người ta nói mẹ đang bị tội như vậy họ sợ, không mua nữa'", bà Lan cho biết, thêm rằng con gái bà cũng đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá một tỷ USD để khắc phục hậu quả.
HĐXX sau đó nhắc lại quan điểm không chỉ với bị cáo Lan mà đối với tất cả các bị cáo khác, tòa luôn tạo điều kiện tối đa để khắc phục hậu quả, song cần phải có danh sách cụ thể.
Trước đó, luật sư Phan Trung Hoài hỏi nhiều bị cáo như Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) và một số bị cáo để làm rõ vai trò, tác động của bà Lan. Tất cả bị cáo đều khẳng định thực hiện các hành vi sai phạm theo chỉ đạo của bà Lan.
Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như "công cụ tài chính" huy động tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bị cáo đã trực tiếp và chỉ đạo, điều hành các cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, móc nối chặt chẽ với nhau thực hiện nhiều hành vi sai phạm rút tiền của ngân hàng.
Trong 10 năm (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Bị xác định là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, bà Lan bị xét xử về 3 tội danh Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Tham ô tài sản.
Trong 85 bị cáo còn lại có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hải Duyên