Chiều 8/11, các luật sư tiếp tục hỏi bà Trương Mỹ Lan, đại diện SCB và một số bị cáo về các nội dung liên quan đến vấn đề xử lý tài sản kê biên, khắc phục hậu quả vụ án.
Trả lời thẩm vấn của luật sư Giang Hồng Thanh (một trong 5 luật sư bào chữa), bà Lan cho biết từ sau phiên sơ thẩm đến nay gia đình đã nộp thêm tổng cộng 500 tỷ đồng.
Đối với khoản 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho SCB, nộp tại ngân hàng SHB, bà Lan nói đó là tiền của người bạn chuyển trả thông qua Vietcombank, và của nhà đầu tư nước ngoài. "Trước khi tôi bị bắt hai tháng vẫn xác định số tiền này chưa được ghi nhận. Tất cả các khoản tiền đều phát sinh lợi nhuận. Mong SCB thông cảm, chuyển ngay số tiền đó để khắc phục hậu quả", bà Lan nói.
Tiếp đó, bà Lan xin tòa xem xét, tính toán lại số tiền quy buộc bà đã chiếm đoạt. Nhưng dù bị buộc bồi thường bao nhiêu thì bà vẫn cam kết sử dụng toàn bộ tài sản của mình (khoảng 1.800 tài sản) để hoàn trả các khoản tiền mà NHNN đã cho SCB vay đặc biệt để duy trì hoạt động, sau khi vụ án xảy ra. Bà cũng xin Nhà nước hỗ trợ pháp lý cho các dự án đang dang dở và bản thân sẽ có trách nhiệm kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển dự án.
"Nếu xử lý 1.121 mã tài sản bảo đảm chưa đủ, thì bị cáo cam kết dùng 658 tài sản chưa thế chấp cho khoản vay nào để khắc phục vụ án như Cảng Ba Son Sài Gòn, Amigo, một số tài sản SCB đang mượn. Bị cáo chỉ xin lại các bất động sản là trụ sở của Vạn Thịnh Phát. Bằng mọi giá bị cáo sẽ trả đủ cho Ngân hàng Nhà nước", bà Lan trình bày.
Bị cáo đồng ý với số liệu của luật sư Thanh, rằng 681 mã tài sản (trong số 1.121 tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB) được Công ty Hoàng Quân định giá khoảng 236.510 tỷ đồng là quá thấp, có thể khiến bà bị thiệt hại hơn 193.000 tỷ đồng. Do đó, bà kiến nghị định giá lại, trong đó có dự án Mũi Đèn Đỏ.
Bà Lan lấy ví dụ, một dự án ở quận 2 bà và bạn bè đã chuyển nhượng được 120.000 tỷ đồng năm 2022, thì dự án "Mũi Đèn Đỏ phải được gấp đôi". Dự án này đang thi công, triển khai nhiều hạng mục thì bà bị bắt.
Ngoài ra, trong số 440 mã tài sản chưa được định giá và coi như giá trị bằng 0, có nhiều bất động sản có giá trị rất lớn như: số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1; 156 Trần Phú, quận 10; 196-202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 (dự án Grand Center)...
Theo luật sư, cách đây 6 năm khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng này đã được định giá 3.000 tỷ đồng, còn theo bà Lan giá trị thực tế "lớn hơn nhiều".
Bị cáo cũng đồng ý sử dụng số tiền hơn 6.095 tỷ đồng hai công ty của "Chúa đảo Tuần Châu" hoàn trả; 1.200 tỷ đồng của Công ty Phương Trang; 2.355 tỷ đồng của Công ty Hồng Phát và 2.882 tỷ đồng của Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả để khắc phục hậu qủa vụ án.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng kiến nghị cơ quan thi hành án sau này định giá lại tài sản của mình, và áp dụng bảng giá đất mới mà UBND TP HCM ban hành ngày 22/10; đồng thời kiến nghị cơ quan này giám sát quá trình SCB xử lý các tài sản đang bị kê biên giao cho ngân hàng xử lý.
CEO Công ty Tường Việt nộp đủ tiền mặt khắc phục hậu quả
Thẩm vấn bà Lan sau đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, trong số 1.121 mã tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại SCB có nhà đất 24 Lê Lợi của Trương Huệ Vân và 22 Lê Lợi của anh trai Huệ Vân, cùng nhiều tài sản của một số cá nhân khác dùng để đảm bảo cho khoản vay của Công ty Tường Việt (bị cáo Dương Tấn Trước) làm Tổng giám đốc. Trong những ngày diễn ra phiên tòa gần đây, gia đình bị cáo Trước đã tìm nhiều nguồn tiền để thực hiện toàn bộ nghĩa vụ dân sự phải thi hành.
Khi luật sư hỏi có ý kiến gì về việc trả lại các tài sản này cho chủ sở hữu, bà Lan nói: "Nếu ông Trước đã trả thì xin tách bạch các tài sản này ra trả cho chủ sở hữu là Trương Huệ Vân và anh trai. Còn những tài sản khác là của bạn bè cho bị cáo mượn để vay tái cơ cấu SCB thì dùng để khắc phục hậu quả cho các nghĩa vụ còn lại khác".
Liên quan đến khoản vay này, Dương Tấn Trước đồng ý trả lại các tài sản thế chấp cho chủ sở hữu trước đây cho mình mượn để thế chấp vay tiền SCB - thực chất là tiền bà Lan trả nợ cho Trước dưới hình thức khoản vay và bà Lan cam kết tự trả cho SCB nhưng không thực hiện. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình do đã nộp đủ 100% tiền phải thi hành án.
Tại giai đoạn một của vụ án, bà Lan bị xác định gây thiệt hại cho SCB 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Lan mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ, Tham ô tài sản; buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại cho SCB.
Phiên xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan cùng 47 người khác đã kết thúc phần thẩm vấn. Đến ngày 12/11, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Hải Duyên