Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Technology Day, được đồng tổ chức bởi Hội tin học TP HCM, Saigon Innovation HUB và Binance Academy, hôm 19/4, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc văn phòng Phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, nói: "Các bảng xếp hạng uy tín của thế giới đều đánh giá Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất khu vực. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2023, ghi nhận Việt Nam ở vị trí 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)".
Theo ông Cường, trong năm qua Chính phủ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn để hệ sinh thái phát triển nhanh chóng. Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng nhanh công nghệ mới cũng được cải thiện.
Tuy nhiên ông lưu ý, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn ba thách thức lớn phải đối mặt. "Đầu tiên là vấn đề nhân sự chất lượng cao. Tiếp đến là vòng đời công nghệ đang thay đổi rất nhanh, Việt Nam cần nguồn lực lớn để theo kịp tốc độ phát triển này. Thứ ba là vấn đề tài chính khi công nghệ là cuộc chơi cần rất nhiều tiền".
Phản hồi vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Quản lý Chương trình Cao cấp, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng vấn đề lớn nhất với lĩnh vực công nghệ mới là định hướng khung pháp lý. Ông lý giải: "Nhiều công ty, startup vẫn có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Tuy nhiên vì Việt Nam thiếu khung pháp lý, các công ty phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài để tiếp cận nguồn vốn. Dòng tiền muốn đổ vào startup Việt nhưng lại gặp khó vì thiếu những quy định rõ ràng".
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance cho rằng những công nghệ mới như GenAI, blockchain đang mang đến cho Việt Nam cơ hội vàng khi xuất phát điểm cùng thế giới. Riêng trong lĩnh vực blockchain, doanh nghiệp Việt thậm chí có bước đà khởi động nhanh hơn, có những sản phẩm giải quyết được các bài toán của thế giới. Nhưng đây là cuộc đua dài, Việt Nam còn giữ được lợi thế ban đầu không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Bà Lynn cho rằng, riêng lĩnh vực blockhain, các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm sự cân bằng giữa công nghệ và chính sách. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quan sát. Thận trọng là tốt nhưng một số nước trong khu vực đã có hành lang pháp lý rõ ràng cho công nghệ mới và đạt được một số lợi thế nhất định. "Hy vọng sắp tới Việt Nam sẽ có những quy định rõ ràng cho những công nghệ mới như blockchain", bà Lynn nói.
TS Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ Tập đoàn Sơn Kim Group, kiêm Chủ tịch CIO Việt Nam, minh họa thêm, năm 2008 một trung tâm điện toán đám mây ở Việt Nam thiết lập thành công. Một năm sau các chuyên gia người Việt tổ chức hội hội thảo ở Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm. "Khi đó, mọi người đều nhận định rằng 'đi nhanh nhưng nền tảng không bền vững' bằng các nước trong khu vực" TS Huân nói. Thái Lan đi rất nhanh vì có hành lang pháp lý tốt, nền tảng vững chắc. "Đến nay điện toán đám mây ở Việt Nam tụt hậu xa với thế giới, dù đã khởi động sớm", ông Huân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để Việt Nam có được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, ngoài chính sách còn phải đặc biệt quan tâm đến bài toán về nhân sự. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Quản lý Chương trình Cao cấp, đại học RMIT Việt Nam, cho rằng nước ta vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng. Nếu nắm bắt kịp thời những công nghệ mới có thể giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập cao hơn.
Trong khi đó Tiến sĩ Lê Khánh Duy, Trưởng Nhóm Nghiên cứu Tương tác Người - Máy, đại học Khoa Học Tự Nhiên TP HCM cho rằng việc tạo một môi trường làm việc hấp dẫn trong doanh nghiệp cũng là bài toán quan trọng khi nhắc đến câu chuyện nhân sự.
"Thực tế cho thấy trong lĩnh vực công nghệ, trình độ của sinh viên Việt Nam không hề thua kém thế giới. Nhưng các bạn giỏi khi ra trường lại tiếp tục du học đến các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển. Sau đó những nhân tài này có quay về không, doanh nghiệp Việt có gì hấp dẫn để thu hút những nhân tài công nghệ này vẫn là câu hỏi lớn trong tiến trình đổi mới sáng tạo", Tiến sĩ Duy nhận định.
Khương Nha