Sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho thấy, kinh tế 11 tháng qua dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng tốt hơn trước bối cảnh mới của thế giới và trong nước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Xuất siêu 25,83 tỷ USD, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ 2022.
Vốn FDI đăng ký đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chủ yếu là vốn đăng ký mới (42,4%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, cao hơn gần 123.000 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ cũng tăng 10%. Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận tăng 6,3%.
Tuy nhiên, thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính vẫn là những khó khăn mà khu vực sản xuất, doanh nghiệp phải đối mặt, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Các thách thức còn rất lớn, tạo sức ép lên tăng trưởng, điều hành tỷ giá và ổn định vĩ mô.
Khó khăn về thị trường thể hiện qua chỉ số xuất nhập khẩu 11 tháng sụt giảm so với cùng kỳ. 11 tháng, xuất khẩu giảm gần 6%, các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, phụ tùng cũng giảm 6,2%... Thị trường xuất khẩu lớn có chuyển biến nhưng vẫn khó khăn, duy nhất xuất hàng sang Trung Quốc tăng 6,2% còn lại Mỹ, ASEAN, EU, Nhật Bản đều giảm 6-13%.
Nhập khẩu cũng ghi nhận giảm gần 11% so với cùng kỳ, trong đó nhập tư liệu sản xuất giảm 10,6%.
Tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn nền kinh tế vẫn khó khăn, khi đến 28/11 dư nợ tín dụng chỉ tăng gần 8,8% (trong khi cùng kỳ tăng 12%). Cơ chế, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực chậm sửa đổi, vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu, tới hết tháng 9 là 4,93%, cao hơn 1,93 điểm phần trăm mục tiêu kiểm soát. Việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn cần theo dõi sát để chủ động ứng phó.
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Điều này thể hiện qua tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cục bộ; vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Ngoài nguyên nhân do chịu tác động từ tình hình thế giới phức tạp, khó lường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét, công tác dự báo của các cơ quan chưa sát, dẫn tới tham mưu, phản ứng chính sách bị động. Một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc thể chế, nhất là những vấn đề phát sinh mới.
"Cần giải pháp ngắn và dài hạn, tranh thủ và tận dụng mọi cơ hội để bứt phá trên ba động lực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, và thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để phục hồi nhanh, bền vững", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Điều hành phiên họp hôm nay, Thủ tướng nhắc lại cách tiếp cận trong xử lý vướng mắc là "không ngại, không sợ quy định vừa ban hành đã sửa, điều quan trọng nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cầu thị lắng nghe để hành động". Cùng đó, các bộ ngành phải luôn sẵn sàng ứng phó những cú sốc bên ngoài.
"Các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực lớn nhất để kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo", Thủ tướng nói.
Dự báo tháng cuối của 2023 và năm 2024 vẫn tiềm ẩn rủi ro, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị chính sách tiền tệ cần điều hành chủ động, linh hoạt cùng chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Việc điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục) ở mức độ, thời điểm phù hợp, nhằm hạn chế tối đa tác động lên lạm phát, đời sống người dân.
Từ 1/1/2024, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài áp thuế, Bộ Kế hoạch & Đầu đề nghị trong năm 2024 xây dựng và trình Chính phủ nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế này. Đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu.
"Doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thu hút các tập đoàn đa quốc gia rót vốn vào các lĩnh vực mới như sản xuất chip, bán dẫn, linh kiện, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là nhân lực trong ngành sản xuất chip, bán dẫn", cơ quan ngành kế hoạch lưu ý.
Trước thực trạng người lao động mất việc chưa cải thiện, bộ này đề nghị ngành lao động xã hội có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, hỗ trợ họ chuyển đổi nghề bền vững. Cùng đó, các bộ, ngành xem xét, bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết đang làm khó doanh nghiệp, người dân.
Loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận phiên họp, như hoàn thiện các quy định pháp luật, rà soát các quy định bất cập, chồng chéo và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Ông yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh. Các cơ quan tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ. "Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu trong năm 2024", lãnh đạo Chính phủ nói.
Bộ Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng hoàn thành sửa đổi các nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn về đất đai, nhất là định giá đất. Các quy định này cần ban hành ngay trong tháng 12 để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án bất động sản tạo đà cho phục hồi thị trường.