Thế giới đã ghi nhận 163.148.693 ca nhiễm nCoV và 3.382.656 ca tử vong, tăng lần lượt 739.258 và 16.937, trong khi 141.451.768 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 310.822 ca nhiễm và 4.090 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 24.683.065 và 270.319.
Manoj Kumar Singh, quan chức cấp cao bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, nơi sinh sống của 240 triệu người, hôm 15/5 thừa nhận nhiều thi thể được phát hiện ở sông Hằng là nạn nhân Covid-19.
"Chính quyền có thông tin thi thể những người không chống chọi được với Covid-19 hoặc các bệnh nào khác đang bị thả trôi sông thay vì được xử lý theo nghi lễ thích hợp", Singh cho biết trong thư gửi lãnh đạo các huyện. "Kết quả là, các thi thể đã được vớt lên từ các con sông ở nhiều nơi".
Uttar Pradesh chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ. Các chuyên gia y tế nói rằng nhiều ca nhiễm và tử vong hiện không được chú ý ở các ngôi làng, nơi sinh sống chủ yếu của cư dân trong bang này.
Singh nói rằng việc thiếu kinh phí để mua vật liệu hỏa táng, tín ngưỡng tôn giáo ở một số cộng đồng, và các gia đình bỏ rơi nạn nhân Covid-19 vì lo sợ căn bệnh này là những lý do có thể làm tăng thi thể bị thả trôi sông. Ông kêu gọi các trưởng làng đảm bảo không có thi thể nào bị thả sông và cho biết chính quyền bang sẽ cấp cho các gia đình nghèo 5.000 rupee (68 USD) để hỏa táng hoặc chôn thi thể. Bang cũng đã yêu cầu cảnh sát tuần tra các con sông để ngăn người dân thả thi thể.
Hình ảnh thi thể trôi trên sông Hằng, nơi được coi là linh thiêng trong đạo Hindu, khiến cả nước bàng hoàng. Sự thừa nhận diễn ra khi Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi giới chức tăng cường nguồn lực chăm sóc sức khỏe ở các vùng nông thôn và đẩy nhanh việc giám sát vì virus lây lan nhanh chóng ở những khu vực này sau khi tàn phá các thành phố.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 33,695,280 ca nhiễm và 599,839 ca tử vong, tăng lần lượt 25,006 và 488. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hôm 13/5 thông báo dỡ yêu cầu đeo khẩu trang đối với những người đã tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ.
Dữ liệu thu thập được cho thấy hiệu quả cực kỳ cao của các vaccine Covid-19 được cấp phép ở Mỹ, không chỉ ngăn triệu chứng mà còn cả ca nhiễm không triệu chứng và lây truyền. Gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine và 36,7% dân số đã được tiêm đủ hai mũi.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, dự kiến tạo ra động lực tiêm vaccine vốn đã chậm lại phần nào trong những tuần gần đây. Các bậc cha mẹ trên khắp cả nước đang đổ xô đi tiêm phòng cho con cái tuổi vị thành niên.
Bất chấp lo ngại về biến thể nCoV có nguồn gốc ở Ấn Độ, Anh tiếp tục xúc tiến kế hoạch nới hạn chế. Quốc gia này hiện ghi nhận 4.448.851 và 127.675 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 2.027 và 7 trường hợp.
Thứ trưởng Y tế Anh Edward Argar cho biết chính phủ đang hành động "điềm đạm" và "bình tĩnh" để ứng phó biến thể từ Ấn Độ khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng hơn nữa vào đầu tuần tới. Thủ tướng Boris Johnson cũng xác nhận sẽ thúc đẩy việc cho phép tụ tập 6 người trong nhà hoặc hai hộ gia đình ở Anh từ tuần tới, dù giai đoạn cuối của dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 6 có thể gặp "gián đoạn nghiêm trọng".
Giới chức Pháp cho biết nước này đang trên đà đạt mục tiêu tiêm chủng 30 triệu liều vaccine Covid-19 vào 15/6. Tính đến 15/5, nước này đã tiêm được 20 triệu liều, vài ngày trước khi chính phủ bắt đầu dỡ hạn chế trên toàn quốc.
"Tôi lạc quan một cách hợp lý", Thủ tướng Jean Castex nói với báo chí khi đến thăm địa điểm tiêm chủng tại trung tâm hội nghị Porte de Versailles ở Paris. "Đó là thời điểm rất quan trọng đối với cả nước, bởi nó hỗ trợ triển vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng này của chúng ta. Mọi thứ đang trong tầm tay".
Từ 19/5, các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc sẽ mở cửa trở lại với sức chứa hạn chế sau 6 tuần đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ được lùi từ 19h sang 21h. Các cửa hàng không thiết yếu cũng sẽ mở cửa trở lại và quán cà phê, nhà hàng ngoài trời sẽ được hoạt động lần đầu kể từ 30/10.
Các quán cà phê và nhà hàng có thể phục vụ trong nhà vào ngày 9/6 và lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 30/6 nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục giảm.
Trinidad và Tobago, quốc gia hai đảo ở vùng Caribbean, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó tình trạng ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng. Nước này ghi nhận 2 ca tử vong hôm 15/5, tăng mạnh so với 11 trường hợp một ngày trước đó, dù chưa từng ghi nhận trên 10 ca tử vong kể từ đầu đại dịch.
Giới chức y tế nói rằng đợt gia tăng trong nước xuất phát từ biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao từ Brazil. Chính phủ cũng công bố lệnh giới nghiêm từ 21h đến 5h hôm sau, trừ các dịch vụ thiết yếu.
Tại Trung Quốc, giới chức đã quyết định hủy lễ hội leo núi mùa xuân năm 2021 từ phía Tây Tạng của đỉnh Everest do lo ngại nguy cơ lây lan Covid-19 từ những người leo núi ở phía Nepal. Nép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng, Nepal đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát Covid-19 thứ hai.
Việc Nepal mở cửa cho du khách leo núi được cho là gây bùng nổ ổ dịch khi hàng chục người leo núi thông báo dương tính với nCoV.
Đảo Đài Loan cũng siết chặt các biện pháp kiểm dịch khi ca nhiễm tăng đột biến. Người dân ở Đài Bắc và các khu vực lân cận phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn. Giới chức quy định tụ tập không quá 5 người trong nhà và 10 người ngoài trời sau khi 180 ca nhiễm mới được xác nhận, tăng so với 29 trường hợp một ngày trước đó.
Chính quyền Đài Loan cũng lần đầu tiên yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Quán bar, hộp đêm và các địa điểm giải trí tương tự đều bị đóng cửa.
Người đứng đầu cơ quan y tế Chen Shih-chung cho biết "mức độ rủi ro" ở một số điểm nóng khiến chính quyền quyết định nâng mức cảnh báo, thêm rằng người dân nên tránh đi lại giữa Đài Bắc và phần còn lại của hòn đảo để tránh lây lan virus.
Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận ca Covid-19 tăng kỷ lục với 44 trường hợp được xác nhận. Bộ Y tế cũng cho biết thêm 4.140 ca nhiễm được báo cáo, đánh dấu mức tăng trên 4.000 ngày thứ tư liên tiếp.
Malaysia hiện là vùng dịch lớn thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Philippines, với 466.330 ca nhiễm và 1.866 ca tử vong.
Một quan chức cấp cao Thái Lan cho biết nước này đã lên kế hoạch cho phép các nhà hàng tiếp tục phục vụ ăn uống tại thủ đô Bangkok, nhưng giờ mở cửa và số lượng thực khách sẽ bị hạn chế do đang phải đối mặt sóng Covid-19 thứ ba.
Kể từ tháng 4, Thái Lan đã phải đối mặt với đợt bùng nguy hiểm nhất. Nước này báo cáo thêm 3.095 ca nhiễm và 17 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 99.145 và 565. Trong số các ca nhiễm mới, 1.163 trường hợp được ghi nhận ở Bangkok.
Huyền Lê (Theo Reuters, Guardian, Worldometer)