Cách hiện trường vụ lũ quét san phẳng Làng Nủ chừng một km là điểm trường Mầm non Làng Nủ, thuộc trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Điểm trường nằm trên con dốc, có ba phòng, là nơi học tập của 38 trẻ từ 0 đến 5 tuổi, trong đó 18 em đến từ Làng Nủ. Thảm họa lũ quét tại ngôi làng nằm dưới chân núi Con Voi khiến 10/18 trẻ tử vong, nhỏ nhất 38 ngày tuổi, lớn nhất 5 tuổi.
Công tác tại điểm trường Làng Nủ từ năm 2015, cô Hoàng Thị Nự, 36 tuổi, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh nơi đây. Sớm 10/9, cô thấy bà con lũ lượt chạy qua cổng nhà, hô lớn "Làng Nủ trôi rồi". Điện thoại hết pin từ hôm trước, cô giáo không gọi được cho bất kỳ phụ huynh nào để hỏi tình hình nên lập tức lấy xe máy chạy vào hiện trường, cách nhà khoảng 500 m.
Tới nơi, cô bàng hoàng thấy cánh đồng và khu dân cư đông đúc bị xóa sổ, nước lũ cuồn cuộn chảy, cuốn trôi tất cả vật cản trên đường đi. Một em bé ngồi trên téc nước bị lũ cuốn, nhưng cô giáo bất lực không thể làm gì vì téc ở gần gầm cầu, nước xiết. Đa số nạn nhân bị vùi lấp trong dòng lũ bùn lẫn với cây cối, gia súc.
Sau phút hoảng loạn, cô cùng người dân đi dọc con đường gần suối để tìm và cứu những người bị thương gần bờ. Họ lấm len bùn đất, quần áo rách toạc, toàn thân xây xát, khó cử động. Nhiều người bị mất liên lạc với người thân cũng vội vã tìm đến, đứng trên con đường nhầy nhụa bùn đất khóc gọi tên con, tên chồng.
Lực lượng cứu hộ sau đó đổ về Làng Nủ tìm kiếm nạn nhân. Hai ngày qua, cô Nự không ngủ được, mỗi khi nhắm mắt lại thấy hình ảnh học sinh. "Những trẻ tìm thấy rồi còn tạm an lòng, nhưng nghĩ tới các con vẫn còn nằm dưới bùn đất tôi rất đau lòng. Ước gì được gặp lại các con", cô nói.
Sau lũ quét, điểm trường mầm non số 1 Phúc Khánh trở thành nơi tập trung cho những người dân thoát nạn và lực lượng tìm kiếm. Đến điểm trường để hỗ trợ nạn nhân, cô Nự tranh thủ sắp xếp hồ sơ, đồ dùng cá nhân gồm dép, cốc, bát ăn, khăn tay... của những trẻ thiệt mạng. "Không trẻ nào còn đủ bố mẹ, có em mất cả gia đình nên sẽ đành gửi kỷ vật về cho người thân", cô nghẹn ngào nói.
Cô Nự nhớ thói quen, tính cách từng trẻ. Khăn mặt được in biểu tượng riêng, các em được chọn khăn có hình ảnh yêu thích vào đầu năm học. Nông Hoài Nam, 5 tuổi chọn khăn có hình quốc kỳ. Nam nói "vì tên con có chữ Nam, anh trai tên Việt, con rất yêu Việt Nam". Ở nhà, cậu bé cũng hay mặc áo "cờ đỏ sao vàng".
Còn Nguyễn Anh Quân, 4 tuổi, thích biểu tượng xe đạp. Quân được mẹ hứa mua xe đạp mới khi vào lớp 1 để cùng anh trai đi học. Nhưng trận lũ đã cướp đi mạng sống của cả ba mẹ con.
Học sinh hầu hết là người dân tộc Tày, gia đình đều nghèo, cận nghèo, song cô Nự tự hào vì chưa từng phải đi vận động trẻ đến lớp. Trẻ Làng Nủ đều thích đến trường, đi học đều để tới thứ sáu nhận phiếu bé ngoan.
Cô Nguyễn Phương Nga, Hiệu trưởng trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh, nói cả đời chưa từng chứng kiến thảm họa nào như trận lũ quét qua Làng Nủ. "Tìm được balô, quần áo lẫn trong bùn đất, chúng tôi không cầm được nước mắt. Các cô đang sắp xếp lại di vật của những em đã mất, chăm sóc các em an toàn", cô Nga nói.
Ngoài điểm trường Mầm non ở gần Làng Nủ, ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, cho biết ở trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh có khoảng 20 học sinh chết và mất tích, trong tổng số hơn 300 em. Các thầy cô đang tập trung chăm sóc, động viên những gia đình gặp nạn và phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm học sinh mất tích.
Ông Tuân cho hay mất mát với ngành giáo dục huyện Bảo Yên là rất lớn, nhưng phòng xác định cần sớm khắc phục hậu quả, cố gắng tuần tới cho toàn bộ học sinh trở lại trường.
5 ngày sau bão Yagi đi qua miền Bắc, Lào Cai thiệt hại nặng nhất với 98 người chết, 81 người mất tích. Trong đó, Làng Nủ, xã Phúc Khánh, gần như bị san phẳng sau trận lũ quét, khiến 43 người chết, 52 người mất tích, tính đến chiều 12/9.
Thanh Hằng - Lệ Nguyễn
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.