Chiều 18/1, tại hội thảo về trí tuệ nhân tạo, ông Đặng Đức Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel cho biết, cùng với xu thế chuyển đổi số, các sản phẩm AI đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hành chính công, y tế, giao thông, tài chính ngân hàng.
Dẫn câu chuyện từ trung tâm của mình, ông cho biết nhiều ứng dụng cho thấy AI sẽ giúp cả bộ máy quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn với tình hình đại dịch. Trong đó có ứng dụng trợ lý ảo Cyberbot tự động gọi điện nhắc người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, được phát triển năm 2021. Tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh, ứng dụng thực hiện 2 triệu cuộc gọi trong ngày. "Để thực hiện một triệu cuộc gọi thông thường mất một tháng, nhưng với sản phẩm này năng suất tăng gấp 3-4 lần so với sử dụng nhân lực từ cán bộ", ông Thảo cho biết.
Nền tảng trợ lý ảo Cyberbot dựa trên việc ứng dụng AI có thể hiểu được nội dung mà khách hàng muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và tự động cải tiến hệ thống liên tục từ những tình huống thực tế. Công nghệ này giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot). Tổng đài Callbot đã thực hiện tiếp nhận 600 cuộc gọi cùng lúc để giải đáp câu hỏi về dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Thái Bình. Ứng dụng cũng được ứng dụng trong các doanh nghiệp như chăm sóc khách hàng với khoảng 20.000 cuộc gọi.
Ông cho biết trung tâm phát triển và làm chủ 3 công nghệ lõi trong phân tích dữ liệu và AI (xử lý tiếng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu). Điểm khác biệt này là cơ sở để ứng dụng phát các thiết bị công nghệ nhận dạng giọng nói. Công nghệ này được áp dụng trong chuyển đổi lời nói thoại sang nội dung văn bản với độ chính xác 95% và chống ồn, ứng dụng đa dạng trong các ngành nghề viễn thông, ngân hàng...
Với công nghệ OCR giúp chuyển đổi tài liệu dạng ảnh thành tài liệu có thể biên tập được như file text, trích xuất các thông tin như mong muốn. Việc dựa trên công nghệ AI phân loại tài liệu giúp tiết kiệm thời gian nhanh hơn từ 50-60 lần so với nhập liệu thủ công.
Một ứng dụng khác được ông Thảo chia sẻ là hệ thống camera được tiếp cận theo cách ứng dụng AI trong lĩnh vực thị giác máy tính, cải thiện thành camera thông minh. Công nghệ này giúp nhận dạng phương tiện, biển số và hiện triển khai tại hơn 20 tỉnh thành.
Thực hành ngay tại workshop, các chuyên gia của trung tâm cho thấy rõ việc đo đếm lưu lượng, nhận diện biển số. Dữ liệu từ camera quan sát và được phân tích bằng AI, hệ thống cảnh báo sẽ đưa các thông tin lên báo cáo để cơ quan quản lý kịp thời khắc phục. Ứng dụng này giúp giải quyết bài toán quản lý giao thông, an ninh trật tự, hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
"Sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, xác định danh tính còn giúp hỗ trợ nhận diện tội phạm, phục vụ điều tra phá án", ông Thảo nói. Các sản phẩm nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay, giọng nói... cũng đã được ứng dụng trong các ngân hàng hay giám sát an ninh an toàn.
Tại Việt Nam công nghệ AI được nhiều đơn vị nghiên cứu phát triển và ứng dụng dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói đến các hệ thống an ninh, bảo mật. Việc thúc đẩy AI, cung cấp công cụ ứng dụng chuyển đổi số có thể tích hợp nhằm tự động hóa, tối ưu chi phí, tạo chức năng trong các ngành nghề như giao thông vận tải, nông nghiệp, khoa học đời sống, y tế.
Theo dự báo của Tractica, trong giai đoạn 2018-2025 doanh thu phần mềm AI toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 10,1 tỷ đô la năm 2018 lên 126,0 tỷ USD năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 43%.
Dự báo đến năm 2025, doanh thu phần mềm AI có tỷ trọng cao trong các lĩnh vực: tiêu dùng (10%), dịch vụ tài chính (10%), viễn thông (9%), công nghiệp ô tô (9%), bán lẻ (7%), dịch vụ doanh nghiệp (6%), quảng cáo (6%), chăm sóc sức khỏe (6%).
Như Quỳnh