Ngày 5/2, tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, cách Hà Nội 40 km, sảnh khoa cấp cứu gần cổng được ngăn đôi để lập điểm khám bệnh viêm đường hô hấp cấp. Lối vào sân chính đặt hai tấm biển lớn, màu đỏ với dòng chữ "Khu cách ly đặc biệt". Hàng trăm mét dây nylon căng qua các gốc cây để đánh dấu khu vực.
Khu nhà một tầng tường đầy rêu mốc của Khoa Truyền nhiễm nằm sâu trong Trung tâm Y tế huyện là nơi chị Nguyễn Thị Thanh, 42 tuổi, đang điều trị. Chị Thanh là ca nhiễm nCoV thứ 10 tại Việt Nam, do hai lần gặp gỡ với em họ Phạm Ngọc, 23 tuổi, một trong 8 công nhân của Công ty Nihon Plast Vietnam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) hồi giữa tháng 1.
Lần đầu, ngày 26/1 em họ bị sốt, nằm ở nhà. Chị Thanh đứng cửa phòng hỏi thăm rồi quay ra phòng khách. Lần thứ hai, tối 28/1, Ngọc hết sốt, hai chị em trải chiếu ngồi cùng cả gia đình trò chuyện, hát karaoke.
Hai hôm sau, ngày 30/1 xe cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đỗ trước cổng nhà Ngọc. Cô gái 23 tuổi dương tính với virus corona chủng mới trở thành ca bệnh đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, ca thứ tư ở Việt Nam. Năm ngày sau, chị Thanh trở thành ca thứ 10. Trong năm ngày ấy, lượng bệnh nhân toàn cầu đã tăng gấp 3 lần, từ 7.816 lên 20.623.
"Tôi nghe loáng thoáng về một căn bệnh gì đó bên Trung Quốc", chị Thanh nói. Đến lúc cách ly tại Trung tâm Y tế huyện, chị chưa có khái niệm gì về dịch bệnh này và cũng không biết em họ vừa trở về từ tâm dịch Vũ Hán.
Là công nhân lắp ráp thiết bị điện tử trong một doanh nghiệp ở KCN Bình Xuyên, ngày 22/1 chị Thanh kết thúc ngày làm việc cuối cùng trước đợt nghi Tết với cơn sốt nhẹ, viêm họng, khản tiếng. Chị vẫn rửa lá dong, ngâm gạo, gói bánh chuẩn bị Tết, quên luôn việc mua thuốc uống.
"Tổng thời gian hai chị em gặp nhau chưa đến một giờ. Nếu sức đề kháng của mình tốt, có lẽ đã không mắc", chị Thanh nghĩ mình may mắn khi triệu chứng ho, sốt, đã hết sau 7 ngày cách ly, điều trị.
Nhà anh Nguyễn Minh, 25 tuổi, ngay sát nhà Dung. Đêm 30 Tết (24/1), anh cùng Dung và nhóm bạn ngồi uống nước, trò chuyện khoảng 3 giờ rồi rủ nhau đi xem pháo hoa. Biết bạn vừa trở về từ Vũ Hán và vẫn khỏe mạnh bình thường, Minh yên tâm tụ tập, cũng không chủ động phòng tránh.
Ngày bạn được đưa lên Hà Nội điều trị, Minh lập tức bảo vợ về nhà mẹ đẻ ở tạm, còn mình khăn gói balô áo quần, chạy xe lên Trung tâm Y tế Bình Xuyên. Minh xin lấy mẫu máu, dịch hầu họng làm xét nghiệm, tự nguyện cách ly.
"Lo nhất vợ mình đang mang bầu tháng thứ tư", Minh tâm sự, không cảm thấy sợ hãi, chỉ là cả ngày trong khu bệnh viện vắng vẻ, buồn. Ông bố trẻ chuyện trò với vợ qua điện thoại, đến nay cũng đã 7 ngày. Bác sĩ theo dõi, sát khuẩn liên tục, dặn giữ ấm cơ thể. Kết quả xét nghiệm của Minh âm tính với nCoV, nhưng anh xin ở lại thêm 3 ngày.
Căn phòng bên cạnh có bốn cô gái, cùng nhóm bạn học trong xã với Ngọc. Ngày 31/1, họ tự tìm đến Trung tâm Y tế Bình Xuyên xin cách ly, sau khi biết bạn mình dương tính với nCoV. Cô gái tên Tâm, 23 tuổi, kể: "Sáng mùng 2 Tết, Ngọc sang nhà mình, rồi cùng nhau đi chùa Hà ở Vĩnh Yên. Chùa hôm đó khá đông người. Lúc đó Ngọc hơi sốt, tôi đã khuyên bạn đi khám".
Tâm là công nhân tại Khu công nghiệp Bình Xuyên. Trở lại doanh nghiệp ngày 30/1, quản lý phân xưởng xuống khảo sát, hỏi từng người "đã tiếp xúc với bệnh nhân Ngọc chưa?" và Tâm được cho nghỉ để theo dõi.
"Bảo bố cháu tối nay cho ăn gà đi, với cả nấu nhiều rau, quả cô Tâm nhé!", một cậu bé từ giường bên cạnh, chạy đến kéo tay áo Tâm dặn. Cậu bé 9 tuổi, cháu Tâm, cũng có mặt ở nhà hôm mùng 2 Tết, khi Dung sang chơi, trở thành người cách ly nhỏ tuổi nhất ở Trung tâm Y tế huyện.
Ngày đầu đi viện là "cuộc chia ly" đẫm nước mắt, thằng bé lạ giường, kêu chán, cả đêm khóc đòi về. Các cô y tá dỗ dành, giờ cậu bé đã biết ăn gì để khỏe hơn và cứ chậm thấy bác sĩ lên phun thuốc khử trùng lại gọi điện nhắc. "Bố mẹ dặn cháu ngoan, ở đây bảo vệ cô Tâm nhanh khỏe", cậu bé nói.
Người điều trị ở Hà Nội, người cách ly ở Đông Anh, bạn bè Ngọc lập nhóm chat trên mạng xã hội. Những người bạn động viên nhau mỗi ngày, báo cho Dung tin mừng, cả 6 người bạn đã âm tính với nCoV.
Ông Doãn Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, cho biết trong số 9 người đang cách ly tại trung tâm, chị Nguyễn Thị Thanh dương tính với nCoV đã hết sốt và ho, sức khỏe ổn định; 6 người xét nghiệm âm tính nCoV, 2 người khác đang chờ kết quả.
Trung tâm đã chuẩn bị 20 giường để cách ly người nghi ngờ nhiễm bệnh, phun khử khuẩn bán kính 300 m quanh nhà bệnh nhân, 57 trường học trên địa bàn. "Chúng tôi đã đặt ra tình huống tiếp theo khi dịch lan rộng ra cộng đồng sẽ thiết lập thêm khu cách ly 70 giường, đề nghị các đơn vị khác hỗ trợ nhân lực", ông Toàn nói.
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải nhận định: "Bình Xuyên là tâm điểm của dịch, trong vài ngày tới có thể thêm ca dương tính. Chúng tôi xác định không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang".
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có phương án thành lập bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, nếu có hơn 200 bệnh nhân sẽ cùng phối hợp với quân đội để Bệnh viện Quân y 109 tiếp tục mở rộng bệnh viện dã chiến.
Vĩnh Phúc đang là địa phương có số người mắc nCoV lớn nhất cả nước, với 5 ca dương tính, trong đó huyện Bình Xuyên 3 người. Phạm Dung là một trong 3 bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên. Cả ba có chung tiền sử dịch tễ là cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 2 tháng. Họ cùng trở về Việt Nam trên chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China ngày 17/1.
*Tên một số nhân vật đã thay đổi.