Thông tin được ông Pulkit Abrol, giám đốc Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc - ACCA- khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói trong Diễn đàn tổ chức ngày 28-29/5 tại Hà Nội.
Ông đánh giá khu vực Asean và châu Á - Thái Bình Dương sẵn có lượng dữ liệu rất lớn. Các tuyên bố của hãng công nghệ lớn như Google, Amazon, Microsoft... đều cho thấy tầm quan trọng của dữ liệu và cơ hội tuyệt vời mà chúng mang lại. "Ước tính có khoảng 500 tỷ USD đang nằm trong các giá trị dữ liệu mà chúng ta có thể khai thác". Song theo ông, việc phân tích, khai thác dữ liệu là một thách thức lớn, do đó kế toán viên cần nâng tầm bắt nhịp với công nghệ mới để có thể khai thác và hạch toán tốt hơn.
Ông Pulkit Abrol cho hay các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ ngành kế toán, kiểm toán trong việc tập hợp, phân tích dữ liệu lớn. "Những mô hình dữ liệu mang tính phức tạp, những việc con người không làm được thì công nghệ có thể làm", ông Pulkit Abrol nói và cho biết nếu sử dụng đúng AI có trách nhiệm và đạo đức, con người có thể khai thác sức mạnh chưa từng có từ công nghệ.
Bà Helen Brand, Tổng Giám đốc Điều hành, ACCA cũng nhìn nhận công nghệ AI không chỉ là thách thức mà là cơ hội để giúp những người làm kế toán, kiểm toán tạo ra nhiều giá trị hơn. Để khai thác và phân tích được dữ liệu đó, vai trò của kế toán viên vô cùng quan trọng. Do đó, các tổ chức công và tư có trách nhiệm cải thiện và nâng tầm kỹ năng cho đội ngũ kế toán viên đào tạo để họ bắt nhịp được với các công nghệ mới, có thể khai thác, hạch toán dữ liệu tốt hơn.
Còn ông Duleesha Kulasooriya, Giám đốc điều hành, Trung tâm Deloitte Edge, Đông Nam Á, nhận định các xu hướng phát triển công nghệ số, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang mang đến cơ hội cùng thách thức trong các lĩnh vực, trong đó có tài chính, kiểm toán.
Ông cho hay, AI tạo sinh đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nhưng đã có nhiều người sử dụng và dần thay thế con người trong nhiều công đoạn. Theo ông, 3 đến 5 năm tới nhiều thứ AI có thể làm được. "Con người cần làm chủ, phân định rõ AI dẫn dắt mảng nào, con người mảng nào", ông nói. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để công nghệ hỗ trợ, làm những việc con người không thể làm, ví dụ việc tập hợp các dữ liệu lớn.
Ông đánh giá những năm gần đây Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số. "Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản xuất, kinh doanh", ông nói.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Claudia Anselmi, Tổng giám đốc, công ty May và nhuộm Hưng Yên, phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocharm) tại Việt Nam cho rằng, trong xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số doanh nghiệp muốn cạnh tranh và tồn tại buộc phải thích ứng với các công nghệ mới. "Nếu không sẽ ra khỏi thị trường" bà nhấn mạnh. Nhìn nhận đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, song theo bà doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần sự vận hành của cả hệ thống, từ chính sách, tài chính, kế toán, luật.
Trong hai ngày tổ chức diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương các chuyên gia cũng thảo luận về các vấn đề tài chính bền vững, chuyển đổi số và các phát triển về quy định, phản ánh những xu hướng và thách thức cấp thiết nhất trong khu vực.
Huyền Anh