5 người này đang bị truy nã về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, gồm: Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành, đều là cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB); Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB. Riêng ông Thành còn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản.
Trước khi lên kế hoạch xét xử vào ngày 5/3, TAND TP HCM đã ra thông báo kêu gọi nhóm bị cáo trên ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và phối hợp với các cơ quan tố tụng để đảm bảo quyền tự bào chữa theo quy định. Trường hợp không ra trình diện, các bị cáo được xem là từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt.
Liên quan đến vụ án, hai bị cáo khác là Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB, cũng đang bỏ trốn, bị tách riêng hành vi để điều tra xử lý sau.
Theo cáo trạng, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan (58 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Bà Lan sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Nhóm 5 bị cáo đang bỏ trốn đều nắm giữ vai trò chủ chốt tại SCB, tham gia tích cực giúp bà Lan thực hiện việc rút tiền khỏi SCB. Trong đó, Đinh Văn Thành từng giữ chức Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất. Sau khi hợp nhất, từ năm 2012 đến 2020, ông Thành được bà Lan sắp xếp làm Chủ tịch HĐQT SCB. Năm 2020, ông này xin nghỉ, ra nước ngoài và giới thiệu Bùi Anh Dũng thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT.
Kết quả điều tra xác định, trong quá trình làm việc tại SCB, Đinh Văn Thành đã ký quyết định thành lập 3 đơn vị mới, chuyên thực hiện các hồ sơ vay trái pháp luật của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cụ thể, từ năm 2012 đến 2017, Thành đã ký 41 biên bản họp, Phiếu biểu quyết của HĐQT; 12 nghị quyết đồng ý cho 140 khách hàng vay 174 khoản để bà Lan sử dụng không đúng mục đích, phương án vay vốn. Các khoản vay trên có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 103.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, hành vi của Thành đã "giúp sức tích cực" cho bà Lan, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 42.700 tỷ đồng.
Giai đoạn từ 2018 đến 2020, Thành đã ký 286 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT; 261 nghị quyết đồng ý cho 129 khách hàng vay 305 khoản vay. Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay này có dư nợ là hơn 319.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi gía trị các tài sản đảm bảo, Thành giúp bà Lan gây thiệt hại hơn 280.000 tỷ đồng.
Nhà chức trách cáo buộc ông Thành giúp sức cho bà Lan gây thiệt hại tổng cộng hơn 330.000 tỷ đồng.
Chiêm Minh Dũng cũng bị xác định giúp bà Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Dũng làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất từ năm 2003. Sau khi các ngân hàng hợp nhất, từ năm 2012 đến 2019, Dũng tiếp tục làm việc tại SCB với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau: Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Khối Doanh nghiệp kiêm Giám đốc Khu vực TP HCM, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp, kiêm Giám đốc khu vực TP HCM.
Cơ quan công tố xác định, từ 2012 đến 2019, Dũng với nhiều vai trò đã ký 75 tờ trình thẩm định cho vay, 143 biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 9 biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư trung ương... đồng ý cho 305 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 362 khoản. Dư nợ các khoản vay đến tháng 10/2022 là hơn 218.200 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ tài sản đảm bảo, hành vi của Dũng giúp bà Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại hơn 140.700 tỷ đồng.
Là người từng làm việc tại Ban thi đua khen thưởng TP HCM có nhiều mối quan hệ với các cơ quan chức năng thành phố, Nguyễn Thị Thu Sương được bà Lan mời về làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sau đó giữ chức vụ lãnh đạo tại Ngân hàng Đệ Nhất. Thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, Sương là người giúp Trương Mỹ Lan mua 30% cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất của cổ đông người Singapore.
Năm 2012, Lan đồng ý để Sương làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB, trực tiếp nhận thông tin chỉ đạo về việc thực hiện các hồ sơ tín dụng, sau đó chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tại ngân hàng SCB thực hiện. Hai năm sau, Sương nghỉ việc đi nước ngoài.
Nhà chức trách xác định, từ 2012 đến 2013, Nguyễn Thị Thu Sương đã ký 4 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT, 2 nghị quyết đồng ý cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay tiền SCB. Tổng dư nợ của các khoản vay này đến tháng 10/2022 là hơn 55.800 tỷ đồng. Sau khi cân đối với tài sản đảm bảo, các khoản vay này còn gây thiệt hại gần 7.000 tỷ đồng.
Tương tự, Trầm Thích Tồn từng làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2004 với nhiều chức vụ lãnh đạo tại Công ty An Đông, Công ty CP đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Đại Trường Sơn. Đến năm 2010, Tồn được bà Lan đưa lên làm thành viên HĐQT ngân hàng SCB (cũ). Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, Tồn được giữ chức thành viên HĐQT, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB mới.
Trong thời gian từ 2012 đến 2013, Tồn đã ký 4 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT cho 80 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay. Tổng dư nợ của các khoản vay đến tháng 10/2022 là hơn 56.400 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ giá trị tài sản đảm bảo, nhà chức trách xác định Tồn giúp sức cho bà Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại hơn 7.170 tỷ đồng.
Do từng làm việc tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo chỉ đạo của bà Lan, nên Tồn biết rõ bản chất các khoản vay đã ký là của bà này và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đến khoảng tháng 3/2014, Tồn nghỉ việc xuất cảnh đi nước ngoài.
Còn Nguyễn Lâm Anh Vũ làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa từ tháng 11/2010, sau đó tiếp tục nhận nhiều vị trí, chức vụ tại SCB đến năm 2016.
Với vai trò là Phó giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành, từ 2014 đến 2015, Vũ đã ký 112 tờ trình thẩm định, 36 hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản, đồng ý cho 112 khách hàng là các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay tiền SCB. Các khoản vay này có tổng dư nợ đến tháng 10/2022 là hơn 4.480 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB hơn 3.760 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
VKS truy tố bà Lan về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Trong 80 bị cáo còn lại có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
>> Danh sách 86 bị cáo trong vụ án
Hải Duyên