Tiến sĩ Phạm Văn Lương - Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam - nhấn mạnh ý trên trong tham luận chủ đề "Kinh tế xanh và tuần hoàn trong nông nghiệp: Lộ trình cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐBSCL", tại buổi tập huấn ở Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, hôm 8/11.
Chuyên gia lý giải nhu cầu tiêu dùng xanh toàn cầu tăng cao những năm gần đây. Precedence Research chỉ ra quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ năm ngoái đạt 204,6 tỷ USD, năm 2024 khoảng 228,3 tỷ USD. Dự kiến năm 2030 ước đạt 441,1 tỷ USD và 638,3 tỷ USD vào 2034 - tức cao gấp 3,1 lần so với 2023.
Tiêu dùng xanh tăng cao một phần nhờ tầm nhìn, quyết sách đúng đắn của từng quốc gia. Điển hình từ năm 1993, Trung Quốc đã triển khai chương trình Eco labelling - nhãn dán cho sản phẩm đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường của Chính phủ, hiệp hội hoặc tổ chức. Năm 1992, Hàn Quốc đẩy mạnh chính sách mua sắm xanh.
Trong khi đó, Nhật Bản ban hành Luật mua sắm xanh từ 2001, khuyến khích mua các sản phẩm xanh, chính sách vật liệu đóng gói, tái chế. Mỹ cùng EU lần lượt triển khai chương trình mua sắm xanh, chính sách mua sắm công.
Tiến sĩ Phạm Văn Lương cho rằng doanh nghiệp đạt nhiều lợi ích khi áp dụng nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn như: nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng hình ảnh thương hiệu, thu hút đầu tư, đáp ứng quy định quốc tế.
Từ đó, ông Phạm Văn Lương gợi ý lộ trình nông nghiệp xanh cho MSMEs (doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 5 bước cụ thể như sau:
Bước một, xác định thị trường mục tiêu: quốc tế, trong nước, tương lai.
Bước hai, áp dụng các biện pháp sản xuất bền vững: chuyển đổi canh tác phục hồi, mô hình sản xuất khép kín, các kỹ thuật tưới tiêu.
Bước ba, hợp tác Chính phủ và hỗ trợ quốc tế: tiếp cận tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật cho các giải pháp thân thiện môi trường.
Bước bốn, tích hợp công nghệ cao: dùng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.
Cuối cùng, kiểm kê phát thải carbon: kế hoạch hành động của MSMEs nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Dự án "Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao", do EU tài trợ, là ví dụ điển hình cho lộ trình trên. Mục tiêu cụ thể là chuyển đổi phân ngành sản xuất ca cao/chocolate theo hướng tái sinh, tuần hoàn ở các khâu quan trọng trong vòng đời sản phẩm, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi trong các phân ngành nông sản thực phẩm khác.
Người dân sản xuất than sinh học từ vỏ cacao bằng công nghệ khí hóa (áp dụng ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ). Doanh nghiệp còn chuyển đổi nhiệt từ lò khí hóa để sấy hạt cacao (Định Quán, Đồng Nai). Bao bì giấy làm từ vỏ lụa hạt cacao (công ty Marou Chocolate, TP HCM) và thành phẩm từ vật liệu nhựa sinh học.
Kinh tế tuần hoàn trong ngành cacao đem lại nhiều lợi ích gồm: giảm thiểu chất thải và sử dụng tối đa tài nguyên; bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm phụ; nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho nông dân; bảo tồn đất đai lẫn đa dạng sinh học; tạo dựng thương hiệu, uy tín cho doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ...
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể có thể tìm hiểu thêm thông tin tại tọa đàm chủ đề "Các mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL" - thuộc khuôn khổ "Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL" (Mekong Startup 2024), ở Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, chiều 15/11. Chuyên gia sẽ thảo luận nhận diện bối cảnh, thách thức, cơ hội, gắn kết ý tưởng giữa các bên để định hình sáng kiến, mô hình kinh doanh thúc đẩy nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn ở ĐBSCL.
Một ngày sau đó là phiên toàn thể chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Các chuyên gia sẽ trao đổi về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh ĐBSCL.
Mekong Startup 2024 được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.
Ban tổ chức sẽ liên tục cập nhật tin tức, dấu ấn quan trọng của diễn đàn ở website chính thức.
Đông Vệ