Sau hơn 3 tháng phát động Cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest - CSC) năm 2024 nhận được 135 hồ sơ gửi về, trong đó Ban tổ chức lựa chọn 124 bài thi đáp ứng yêu cầu của cuộc thi.
Ban tổ chức cuộc thi cho biết, năm nay số lượng hồ sơ trải đều các lĩnh vực, đề tài gần gũi, tính ứng dụng cao, đa dạng. Trong số 91 sản phẩm và 33 giải pháp, lĩnh vực Môi trường có số lượng cao nhất với 24 hồ sơ, theo sau là Nông nghiệp, Y sinh hóa sinh. Lĩnh vực vật liệu chỉ có 3 hồ sơ tham dự, trong đó không có dự án nào liên quan đến vật liệu mới/vi mạch bán dẫn.
TP HCM là địa phương dẫn đầu lượng hồ sơ, tiếp theo là Hà Nội, Điện Biên, Bến Tre, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương... Một số địa phương lần đầu tham dự như Quảng Bình, Sóc Trăng, Lai Châu, Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Lắk.
Cuộc thi thu hút nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ, học sinh, sinh viên từ các trường, đại học trong cả nước. Sự quan tâm của các tác giả chủ yếu hướng tới tìm kiếm sản phẩm, giải pháp hướng tới bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp.
Các dự án có hàm lượng khoa học cao, có thể kể đến như công nghệ biến bùn thải nhà máy giấy thành nanocellulose ứng dụng sản xuất giấy chất lượng cao; thiết bị phục hồi chức năng vận động cho người bệnh sau đột quỵ; công cụ chẩn đoán viêm da cơ địa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) hay ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống phòng ngừa, cảnh báo thảm họa thiên tai.
Trong bối cảnh năm 2023, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ do chập điện xe máy, hỏa hoạn tại các nhà cao tầng, cuộc thi nhận được nhiều giải pháp ứng phó trong trường hợp khẩn cấp như thiết bị phòng cháy tích hợp IoT lên app gửi thông báo về điện thoại qua phương thức đa chiều (Ziso); thiết bị chống cháy xe điện; hệ thống chống ngạt khí và tự động chữa cháy cho nhà cao tầng, khu chung cư, hệ thống cứu hộ hỏa hoạn...
Nhiều giải pháp sáng kiến tận dụng rác thải từ bã trái cây và gáo dừa làm than nướng, viên hút ẩm khử mùi từ lá cây bạch đàn và bèo lục bình...
Các hồ sơ hợp lệ sẽ bước vào vòng loại (diễn ra từ 13h ngày 01/4 đến 23h59 ngày 21/4). Ở vòng này, độc giả VnExpress có thể bình chọn các sản phẩm/giải pháp yêu thích. Bài thi được bình chọn cao và nhận được phiếu lựa chọn của Ban giám khảo sẽ vào vòng chung kết.
Vòng chung kết sẽ diễn ra từ 00h ngày 22/4 đến 23h59 ngày 9/5. Tại vòng này 30% bình chọn và 70% điểm đánh giá của Ban giám khảo là căn cứ xếp hạng các sản phẩm đạt giải. Lễ trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 16/5, phát sóng trực tiếp trên VnExpress.net.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học bước sang năm thứ 3, với mục tiêu tạo ra sân chơi cho những người yêu khoa học công nghệ với các sản phẩm/giải pháp có giá trị sử dụng trong cuộc sống. Tổng giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng và hai giải khuyến khích 10 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, CSC có hạng mục sáng kiến cho vùng sâu, vùng xa với giá trị 30 triệu đồng.
Tác giả được giải sẽ nhận phần thưởng là tiền mặt và cơ hội truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển, hoàn thiện, kinh doanh sản phẩm.
Toàn bộ tiền giải thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
>>>Xem chi tiết hồ sơ vào vòng bình chọn tại đây
Như Quỳnh