"Nhiều bên tham chiến, cả nhà nước và phi nhà nước, đã lắng nghe và hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của tôi. Các tay súng tại Afghanistan, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Libya, Myanmar, Philippines, Nam Sudan, Sudan, Syria, Ukraine và Yemen đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi", Tổng thư ký Antonio Guterres nói trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ hôm 3/4.
Guterres nói Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn các cuộc xung đột trên toàn thế giới, khi nCoV càn quét xuyên biên giới, tàn phá các quốc gia và làm rối loạn cuộc sống. Tổng thư ký LHQ cảnh báo "điều tồi tệ nhất chưa xảy ra", đồng thời nói có sự khác biệt lớn giữa "tuyên bố và hành động, giữa việc biến ngôn từ thành hòa bình trên mặt đất và trong cuộc sống của mỗi người".
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib, Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được ngày 5/3 "tiếp tục được duy trì, tạm dừng các cuộc không kích và tấn công dưới mặt đất". Dù các bên tham chiến vẫn xảy ra chạm súng, mức độ xung đột đã giảm đáng kể so với trước.
Afghanistan còn chặng đường dài để tiến tới hòa bình, song thỏa thuận hồi tháng 3 và lệnh ngừng bắn do Taliban đề xuất trong tuần này có thể cho phép Mỹ rút binh sĩ khỏi quốc gia Trung Á. Báo cáo của Liên Hợp Quốc ghi nhận nhiều bên tham chiến ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông cũng đã thực thi lệnh ngừng bắn.
Hồi đầu tuần, Guterres kêu gọi thế giới dành 10% GDP toàn cầu, tương đương 9.000 tỷ USD, để chống lại ảnh hưởng của đại dịch. "Chúng ta cần phải làm mọi việc có thể để tìm kiếm hòa bình và đoàn kết trên toàn thế giới, những điều rất cần thiết để chiến đấu chống Covid-19. Chúng ta phải huy động mỗi gram năng lượng để đánh bại đại dịch", Guterres nói.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,2 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 64.000 người chết và hơn 246.000 người đã hồi phục. Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất thế giới với hơn 308.000 ca, Italy là nước có số người chết cao nhất với hơn 15.000.
Nguyễn Tiến (Theo CBS News)